Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sự tiện lợi của khách hàng là thước đo

Tuấn Lương| 07/12/2015 06:59

(HNM) - Việc Bộ GT-VT cho phép Grab Car thí điểm triển khai ứng dụng công nghệ thông tin nhằm hỗ trợ quản lý và kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng đang gây nên những tranh cãi.

Bảo đảm cạnh tranh lành mạnh

Việc Grab Car được thí điểm hỗ trợ quản lý và kết nối VTHK theo hợp đồng đang gây nên những phản ứng từ phía các doanh nghiệp (DN) taxi truyền thống. Theo đó, các hãng taxi truyền thống cho rằng đây là sự ưu ái dễ dẫn đến tạo ra sự độc quyền và cạnh tranh không lành mạnh.

GrabTaxi là dịch vụ được nhiều người dùng lựa chọn hiện nay.


Thứ trưởng Bộ GT-VT Lê Đình Thọ cho rằng, việc ứng dụng phần mềm hỗ trợ kết nối vận tải hành khách như Grab, Uber taxi có nhiều ưu điểm, như giảm thời gian, giảm chi phí trung gian, giảm giá cước và khiến việc đi lại của người có nhu cầu thuận lợi hơn. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng đã bộc lộ những bất cập nhất định.

Tháng 7-2015, Grab có văn bản và đề án chi tiết đề nghị Bộ GT-VT cho phép ứng dụng phần mềm để kết nối giữa hành khách và các đơn vị kinh doanh vận tải, đặc biệt là taxi và xe kinh doanh theo hợp đồng. Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Chính phủ và đóng góp của các bộ, ngành liên quan, Bộ GT-VT đã cho phép Grab được thí điểm trong thời gian 2 năm tại 5 thành phố lớn, gồm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ninh.

Cũng theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GT-VT phải chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và UBND các tỉnh, thành phố trong phạm vi thí điểm để hướng dẫn DN thực hiện, bảo đảm quản lý chặt chẽ việc thí điểm, đặc biệt là công tác quản lý thuế; trong đó lưu ý bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.

Trong thời gian thí điểm, nếu các đơn vị khác cũng đưa ra phần mềm, CNTT quản lý tốt như Grab hoặc hơn Grab và có ý tưởng ứng dụng trong vấn đề kinh doanh vận tải thì Bộ GT-VT hoàn toàn ủng hộ. Mỗi một phần mềm có đặc thù riêng nhưng có mục đích chung của chúng ta là phục vụ vận tải với chất lượng tốt nhất.

Một số chuyên gia nhấn mạnh, phải hiểu thí điểm tức là chưa có tiền lệ, giờ thí điểm để tìm ra lợi thế, bất cập để có giải pháp khắc phục. Xu thế chung khi ứng dụng CNTT là quy luật tất yếu để phát triển. Grab hiện nay là một nhà cung cấp công nghệ phần mềm trong quản lý vận tải và họ cũng có thể trở thành một đơn vị kinh doanh vận tải nếu có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về cơ sở vật chất, con người, giấy phép kinh doanh, khâu tổ chức, quản lý...

Thực hiện thí điểm mô hình này sẽ có đánh giá cụ thể tìm ra ưu việt để áp dụng. Cho phép Grap, Uber hay bất cứ DN nào thí điểm mô hình này cũng nhằm mục tiêu đưa hoạt động này vào khuôn khổ quản lý nhà nước, qua đó cung cấp cho hành khách một phương thức giao kết vận tải mới bảo đảm thuận tiện, an toàn và tiết kiệm nhất.

Chưa có cơ sở khẳng định sẽ thêm ùn tắc

Liên quan đến lo ngại việc có thêm xe hoạt động taxi thông qua các phần mềm ứng dụng của Grab, Uber sẽ càng khiến cho giao thông ùn tắc, chuyên gia Lê Đỗ Mười, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GT-VT cho biết: Viện đã có những nghiên cứu cụ thể, song hiện chúng tôi chưa có căn cứ xác định khi triển khai GrabTaxi thì gây ùn tắc. Đây chỉ là phần mềm các DN áp dụng để kinh doanh, không có căn cứ chứng minh số lượng phương tiện tăng lên. Hơn nữa, đầu tư 1 xe taxi rẻ nhất cũng mất 300 triệu đồng, nếu chỉ thí điểm 2 năm không thể thu hồi được vốn, do đó không một DN nào dám đầu tư xe để thí điểm trong 2 năm, hoặc đầu tư để phát triển xe rầm rộ chỉ để thí điểm ứng dụng phần mềm này. Còn số xe hiện nay chúng ta đang có, không có phần mềm nói trên thì số xe này vẫn đi trên đường. Do đó, cơ sở khoa học và thực tiễn đều không thể chứng minh phần mềm này gây ùn tắc.

"Từ năm 2012, theo thống kê Hà Nội có 17.000 taxi, trong đó có 3.000 - 4.000 taxi dù. Khi chúng tôi nghiên cứu, đưa ra giải pháp tương tự các nước phát triển như áp dụng tổng đài chung, nhiều DN phản đối. Chúng tôi cũng đã thí điểm trời mưa gọi taxi hãng nào cũng báo chờ 5-10 phút, nên thường khách hàng phải gọi 3 hãng, vì hãng nào cũng báo chờ. Và sau 30 phút có 3 hãng điều xe tới, có hãng điều 2 xe tới, bản thân điều đó gây ùn tắc" - ông Mười nhấn mạnh.

Cũng theo nhận định của ông Lê Đỗ Mười, khi Grab ký hợp đồng với các hãng taxi để áp dụng phần mềm của họ, thì sẽ giảm lượng xe ùn tắc. Bởi, khách hàng của chúng ta hiện nay bắt xe dọc đường rất nhiều, taxi đứng giữa đường, tạt ngang tạt ngửa gây ùn tắc. Dùng phần mềm Grab có lộ trình cụ thể, điểm đón cụ thể, thuận lợi cho người sử dụng. Chúng ta cần nhân rộng ứng dụng này cho các hãng taxi truyền thống để tạo nên hệ thống vận tải thông minh như các nước tiên tiến.

Ứng dụng CNTT trong kinh doanh taxi là xu thế mới. Nếu kết quả thí điểm tích cực sẽ càng khẳng định đây là hướng đi đúng. Khi đó dứt khoát các đơn vị kinh doanh taxi truyền thống cũng phải có sự chuyển đổi nhanh nhằm đổi mới phương thức kinh doanh vận tải.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sự tiện lợi của khách hàng là thước đo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.