(HNM) -
Không chỉ có vậy, nó dường như càng làm cho dư luận ngỡ ngàng hơn trước thái độ thờ ơ đáng lo ngại của cơ quan quản lý đối với việc phát triển, ứng dụng KHCN của nước nhà. Mặc dù "để có một chiếc tàu hút bùn có đủ tiêu chuẩn như thế này phải có nỗ lực rất lớn của đội ngũ các nhà khoa học", nhưng tiếc thay "những nỗ lực rất lớn" ấy có vẻ như lại chưa được chính người đứng đầu ngành thực sự quan tâm.
Việt Nam đang đặt mục tiêu đến năm 2020 trở thành một quốc gia cơ bản công nghiệp hóa. Song thực tế gần đây đã có quá nhiều câu chuyện cho thấy nhân tố con người trong sáng tạo KHCN chưa được xem trọng. Thời gian qua có khá nhiều những sản phẩm công nghệ của "trí tuệ nông dân" đã ra đời, nhưng đáng tiếc là hầu hết chúng lại không có đường vào ứng dụng trong thực tế. Chuyện chiếc tàu ngầm của ông Nguyễn Quốc Hòa ở Thái Bình; tàu ngầm của ông Phan Bội Trân ở TP Hồ Chí Minh và tàu ngầm Hòa Bình của một số nhà khoa học và doanh nhân thuộc Tập đoàn Vinashin vẫn còn nóng trong dư luận. Đặc biệt, sự việc ông "hai lúa" Trần Quốc Hải sửa chữa và chế tạo xe bọc thép cho Campuchia và được phong danh hiệu Tướng quân tuy được báo chí nói rất nhiều, nhưng đến nay dường như lại chưa được cơ quan chức năng trong nước lên tiếng. Cần nhắc lại là 10 năm trước, cũng chính ông Hải đã chế tạo máy bay trực thăng và đã phải "ngậm ngùi" bán cho một bảo tàng ở Mỹ.
Dĩ nhiên chúng ta không nên thổi phồng sự thật, và không nên ảo tưởng về kết quả ứng dụng thực tế mà một số "sản phẩm sáng tạo" nói trên khả dĩ có thể mang lại. Bởi trong số ấy có nhiều sản phẩm mới chỉ là những ý tưởng sơ khai mà với nhiều người thì là sự mới mẻ, nhưng lại quá lạc hậu so với công nghệ thế giới và thiếu tính ứng dụng khả thi thực tiễn.
Tuy nhiên, cũng không thể vì thế mà các cơ quan quản lý lại thờ ơ với những sáng tạo công nghệ. Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, vấn đề này cũng đã được nhiều đại biểu chất vấn với câu hỏi đặt ra là "phải chăng chúng ta chưa có chính sách phù hợp nên những sáng tạo được trọng vọng ở nước ngoài nhưng bị vứt xó ở Việt Nam?". Việt Nam đang tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Thế nhưng, sự thờ ơ của bộ máy quản lý trước những sáng chế, nhất là của người dân, đã cho thấy việc huy động tri thức, sáng tạo trong xã hội chưa được xem trọng. Nếu cứ giữ thái độ này thì chẳng khó giải thích vì sao công nghệ của chúng ta chưa thể đột phá; nền KHCN cứ mãi èo uột, thậm chí chẳng thể tự sản xuất được cây kim hay chiếc ốc vít! Cho dù đây không phải là nhân tố chính, nhưng thật đáng lo ngại khi trong thời đại KHCN phát triển, đổi thay từng ngày từng giờ mà một nhà quản lý có thể thờ ơ cho rằng một sản phẩm KHCN "4 năm chưa hoạt động không phải là chậm". Chúng ta sẽ mãi tụt hậu về công nghệ nếu như không thúc đẩy động lực con người!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.