(HNM) - Hơn 30 năm tu hành, sư thầy Thích Đàm Thủy, trụ trì chùa Khánh Ninh, xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm (Hà Nội) không còn nhớ hết những nẻo đường khó khăn đã từng đi qua trên mọi miền đất nước, cùng những cuộc đời bất hạnh đã được thầy cứu giúp, đặc biệt là những trẻ bị bỏ rơi, bởi sư thầy luôn tâm niệm đó là việc cần làm và phải làm tốt.
Sư thầy Thích Đàm Thủy tên thật là Trần Thị Hải, quê ở Giao Thủy, Nam Định, là con thứ 3 trong gia đình có 7 anh chị em. Mẹ mất sớm khiến tuổi thơ của thầy Thủy vô cùng gian truân, khốn khó. Vì thế, ngay từ nhỏ, thầy Thủy đã tâm nguyện sau này ở hoàn cảnh nào cũng cố gắng giúp những người không may mắn.
Năm 1990, về trụ trì tại chùa Khánh Ninh, thầy nhận thấy ở đây có thể thực hiện điều mình mong muốn. Thầy động viên và được các sư, tiểu trong chùa ủng hộ việc làm của mình, phát huy tinh thần từ bi cứu khổ của Phật tổ và truyền thống tương thân tương ái của dân tộc, cùng chung tay chăm sóc các cháu bị bỏ rơi.
Từ năm 1990 đến nay, 15 trẻ bị bỏ rơi đã được thầy nhặt về nuôi tại chùa, một nửa số ấy là trẻ khuyết tật, đứa bị câm điếc, đứa thiểu năng trí tuệ, lại đa phần là trẻ sơ sinh nên việc nuôi dạy hết sức khó khăn. Vì phải nuôi bộ nên nhiều đêm thầy Thủy phải thức trắng để pha sữa và bế rong. Việc nuôi đã vậy, việc dạy những đứa trẻ không bình thường còn vất vả hơn nhiều, nhưng bao giờ thầy cũng dịu dàng vì thương chúng không được sống trong tình thương của cha mẹ ruột như trẻ cùng trang lứa. Dành tất cả tình yêu thương của mình cho chúng, thầy Thủy cùng ni sư trong chùa không chỉ lo bữa ăn, giấc ngủ mà còn lo cho bọn trẻ được đến trường như chúng bạn khi đến tuổi. Với những trẻ khuyết tật đến tuổi đi học thì nhà chùa liên hệ, đưa tới trường chuyên biệt và đều đặn lên thăm, động viên, nhắc nhở chúng phải học hành đến nơi, đến chốn để sau này có thể tự lập.
Nhờ tấm lòng bao dung như người cha, sự tận tâm như người mẹ của sư thầy Thích Đàm Thủy, những đứa trẻ bị bỏ rơi đã được chùa Khánh Ninh nuôi, dạy chu đáo. Hiện nay, 2 cháu lớn nhất đã có gia đình riêng, còn đứa bé nhất mới hơn 17 tháng.
Để có kinh phí chăm lo cho bọn trẻ ăn học, ngoài tiền công đức của phật tử, thầy Thủy sớm tối vất vả với nhiều công việc trong khả năng của mình. Song dù phải đi sớm, về khuya, hoặc đi xa vài ngày, thầy thường gọi điện về chùa để dặn dò việc trông nom nuôi dạy mấy đứa trẻ vì với thầy "cứu được một người mà không giúp đến nơi, đến chốn thì không phải là làm phúc mà là mang tội với Phật, mang tội với đời".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.