Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sự thật về bị cáo Lê Quốc Quân: Kẻ trốn thuế lộ mặt “ngụy yêu nước”

Thành Tâm| 04/03/2014 06:19

(HNM) - Cái tên Lê Quốc Quân không xa lạ với nhiều người, bởi thường xuyên xuất hiện trên một số diễn đàn internet, với danh xưng là luật sư, là một "người yêu nước", muốn "đấu tranh" cho công bằng, công lý.

Vậy nên, khi Lê Quốc Quân bị bắt giữ, xét xử về tội danh "trốn thuế" không ít người ngạc nhiên, còn nhiều đối tượng phản động, tổ chức thù địch cố tình rêu rao về việc y bị oan. Sự thật về hành vi "trốn thuế" cũng như con người Lê Quốc Quân như thế nào?...

Luật sư trốn thuế

Trên nhiều diễn đàn, Lê Quốc Quân xưng danh là luật sư nhưng phải nói rõ rằng nghề nghiệp chính của Quân là Giám đốc Công ty TNHH Giải pháp Việt Nam (trụ sở tại quận Cầu Giấy, Hà Nội). Thành lập từ năm 2001, công ty này đã 13 lần thay đổi đăng ký kinh doanh nhưng Lê Quốc Quân luôn là giám đốc và là người đại diện theo pháp luật. Chính từ hoạt động kinh doanh của công ty này đã lộ ra những việc làm phi pháp nhằm trốn thuế của Lê Quốc Quân.

Nhiều diễn đàn phản động, thậm chí cả một số cơ quan truyền thông nước ngoài kém thông tin nghi ngờ việc này nên ngay sau khi Quân bị bắt (tháng 12-2012) và bị đưa ra xét xử sơ thẩm (tháng 10-2013), nhóm này vội vàng loan tin Quân bị bắt oan, bị xử ép, từ đó xuyên tạc tính công minh, khách quan trong công tác xét xử của tòa án. Tuy nhiên, những bằng chứng, lời khai tại phiên tòa phúc thẩm (ngày 18-2-2014) vừa qua một lần nữa chỉ rõ hành vi phạm pháp của Lê Quốc Quân.

Để trốn thuế và tránh bị các cơ quan chức năng phát hiện, Quân đã chỉ đạo kế toán Phạm Thị Phương (bị cáo trong phiên sơ thẩm, không kháng cáo) tìm người quen có bằng cấp kế toán, tài chính, lấy thông tin của họ, khoác cho họ áo "chuyên gia tài chính", "chuyên gia kinh tế" để lập các hợp đồng tư vấn môi giới thương mại khống với công ty của mình. Năm 2012, doanh nghiệp của Quân đã lập khống hợp đồng lao động với 6 cá nhân, số tiền gần 900 triệu đồng. Năm 2011, công ty này tiếp tục lập khống các hợp đồng lao động với 4 "chuyên gia" với giá trị gần 860 triệu đồng. Cơ quan CA đã thu giữ được 36 hợp đồng, 36 phiếu chi tiền mặt, 36 phiếu thu tiền mặt, 18 chứng từ khấu trừ thuế thu nhập cá nhân có chữ ký của Lê Quốc Quân, đóng dấu của Công ty TNHH Giải pháp Việt Nam. "Giấy trắng, mực đen" là như vậy, nhưng số tiền thực trả cho các "chuyên gia" chỉ từ 1 đến 3 triệu đồng/hợp đồng. Hành vi này đã giúp công ty của Quân trốn thuế thu nhập doanh nghiệp lên tới hơn 437 triệu đồng.

Chưa hết, Lê Quốc Quân còn trực tiếp và chỉ đạo kế toán Phạm Thị Phương mua hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) khống hàng hóa để kê khai quyết toán thuế, nhằm tăng chi phí của công ty, qua đó trốn thuế thu nhập doanh nghiệp. Phạm Thị Phương đã nhờ mua hàng chục hóa đơn GTGT để giúp Quân trốn thuế. Số tiền trốn thuế, gian lận thuế được hạch toán thông qua 60 hóa đơn GTGT khống tiền hàng được xác định là hơn 207 triệu đồng. Với tổng hạch toán chi phí khống bằng 2 hình thức trên là hơn 2 tỷ 580 triệu đồng, công ty của Quân đã trốn thuế thu nhập doanh nghiệp hơn 645 triệu đồng.

Tại tòa, các nhân chứng được coi là "chuyên gia" ký hợp đồng với Quân cho biết, phần đông trong số họ chưa hề đến công ty của Quân. Họ ký vào các hợp đồng mà không tham gia làm bất cứ việc gì theo nội dung hợp đồng, không được nhận tiền theo phiếu chi tiền mặt. Thậm chí có "chuyên gia" vì nể nang, giúp đỡ nên ký hợp đồng mà không nhận bất cứ khoản tiền nào từ Quân. Thủ quỹ của Công ty TNHH Giải pháp Việt Nam cũng cho biết không chi số tiền cho các "chuyên gia" theo các hợp đồng, phiếu chi... Vì những sai phạm rõ ràng như trên, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội đã tuyên giữ nguyên mức án phạt tù 30 tháng đối với bị cáo Lê Quốc Quân. Bản thân Lê Quốc Quân ngoan cố luôn miệng kêu oan nhưng cũng không đưa ra được chứng cứ nào khác để chứng minh vô tội. Bằng chứng, nhân chứng rõ ràng như vậy, tại sao nhiều kẻ vẫn bịt mặt, bịt tai, lớn miệng kêu oan cho Quân?

Lộ rõ bản chất

Tại sao một người tự nhận là am hiểu pháp luật như Lê Quốc Quân lại cố tình trốn thuế rồi ngoan cố không nhận tội? Câu trả lời dễ hiểu nhất là do những mối lợi bất chính đã làm mờ mắt. Quá trình điều tra, cơ quan CA xác định doanh nghiệp của Lê Quốc Quân tuy chưa phải là công ty lớn và uy tín nhưng nhận được khá nhiều hợp đồng làm ăn từ đối tác, trong đó có nhiều đối tác nước ngoài. Nhiều hợp đồng có nội dung rất "thoáng". Một số hợp đồng thuê Công ty TNHH Giải pháp Việt Nam tư vấn kinh tế, thương mại, từ đó tạo điều kiện cho Quân mời các "chuyên gia" khống như đã nêu trên. Các "chuyên gia" không nghiên cứu, không cho ý kiến vậy Quân lấy sản phẩm gì để thanh lý hợp đồng với đối tác?!.

Thế nhưng tiền vẫn chảy về công ty của Quân ầm ầm. Chỉ từ năm 2008 đến năm 2011, có 66 tổ chức, doanh nghiệp ký hợp đồng với công ty của Quân và Công ty TNHH Thông tin tín nhiệm và xếp hạng doanh nghiệp Việt Nam do em trai Quân là Lê Đình Quản đứng tên với giá trị thanh toán lên đến 80 tỷ đồng. "Làm ăn" với những đối tác khó hiểu như thế nên Lê Quốc Quân khá giàu có. CA xác định, Quân và người thân sở hữu 9 bất động sản gồm nhà, đất tại Nghệ An, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bắc Ninh. Vợ chồng Quân còn sở hữu nhiều tài sản đắt tiền, trong đó có 2 ô tô... Tổng số bất động sản, tài sản đắt tiền đứng tên vợ chồng Quân và người thân ruột thịt lên đến khoảng 30 tỷ đồng...

Phải chăng làm ăn quá "dễ dàng" nên Lê Quốc Quân có nhiều thời gian tham gia vào những hoạt động vi phạm pháp luật khác và là một nhân vật thường xuyên xuất hiện tại các đám đông gây rối trật tự công cộng, với vai trò kích động, lôi kéo. Năm 2008, Lê Quốc Quân đã từng tham gia tụ tập đông người, kích động gây rối trật tự công cộng, hủy hoại tài sản, chống người thi hành công vụ tại khu vực 42 Nhà Chung (quận Hoàn Kiếm) và 178 Nguyễn Lương Bằng (quận Đống Đa). Tháng 4-2011, Quân cùng một số người gây rối trật tự công cộng bên ngoài phiên tòa xét xử vụ án Cù Huy Hà Vũ, bị CA quận Hoàn Kiếm ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức cảnh cáo. Chưa dừng ở đó, từ tháng 7-2011 đến năm 2012, Lê Quốc Quân còn nhiều lần lợi dụng danh nghĩa yêu nước để cùng nhiều người tụ tập gây rối trật tự công cộng (TTCC). Tháng 11-2011, cũng vì tụ tập, gây rối TTCC tại khu vực Tượng đài vua Lý Thái Tổ (quận Hoàn Kiếm), Lê Quốc Quân tiếp tục bị CA quận Hoàn Kiếm ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức cảnh cáo...

Quay trở lại việc xét xử Lê Quốc Quân trong một vụ án hình sự, từ phiên tòa sơ thẩm cho đến phúc thẩm, một số cá nhân, tổ chức phản động đã tiếp tục kích động hành vi tụ tập trái phép gây rối TTCC với danh nghĩa "kêu oan" cho Lê Quốc Quân. Đặc biệt, trong ngày 18-2 (thời điểm diễn ra phiên tòa phúc thẩm), một số đối tượng, cá nhân, chủ yếu là người ngoại tỉnh, do thiếu hiểu biết hoặc bị mua chuộc đã tụ tập, gây mất TTCC, ảnh hưởng nghiêm trọng đến TTATGT. Những hành vi vi phạm pháp luật có tính hệ thống của Lê Quốc Quân cũng như một số hành vi "ăn theo" của một số nhóm đối tượng đã khiến nhiều người dân hết sức bức xúc.

Ông Nguyễn Văn Túc (SN 1945, tổ trưởng tổ 3A - phường Quang Trung, Đống Đa) cho biết: "Dưới góc độ là một người dân, tôi đồng tình với mức án mà HĐXX phúc thẩm đã đưa ra. Bởi theo tôi được biết, Lê Quốc Quân là một luật sư chứ không phải đơn thuần là một công dân không hiểu biết pháp luật. Đáng lẽ bị cáo phải là người gương mẫu trong việc tuân thủ pháp luật, tuyên truyền cho những người không hiểu biết pháp luật, đi bào chữa, giảng giải cho mọi người thì mới đúng". Ông Nguyễn Văn Tuất (SN 1943, ở tổ 2 phường Quang Trung, quận Đống Đa) thì cho rằng, việc nhiều người dân ở các tỉnh khác đến Hà Nội mang theo những khẩu hiệu kích động ủng hộ cho Lê Quốc Quân chắc chắn đã bị các đối tượng xấu đứng đằng sau lôi kéo, thậm chí có thể là bị ép buộc.

Dưới góc độ pháp luật, luật sư Lê Minh Công, Trưởng Văn phòng Luật sư số 6 (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) đánh giá, việc Lê Quốc Quân phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi trốn thuế của doanh nghiệp do ông ta làm đại diện là chính xác. Với số tiền trốn thuế như đã nêu tại tòa, Lê Quốc Quân cùng đồng phạm bị truy tố về tội "trốn thuế", quy định tại khoản 3, Điều 161 - Bộ luật Hình sự là hoàn toàn có căn cứ pháp luật. Theo điều khoản bị truy tố, hình phạt đối với hành vi này là từ 2 năm tù đến 7 năm tù. Tại phiên tòa sơ thẩm, Lê Quốc Quân không thành khẩn nhận tội, do đó kết thúc phiên xét xử, TAND TP Hà Nội quyết định tuyên phạt bị cáo này 30 tháng tù giam là phù hợp và tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội. Quá trình phiên xử phúc thẩm cũng cho thấy, hành vi trốn thuế của Lê Quốc Quân là rất rõ ràng và HĐXX cũng đã xem xét vụ án một cách khách quan, toàn diện, công bằng. Tại phiên tòa phúc thẩm, không có tình tiết gì mới để có thể giảm nhẹ hình phạt. Do vậy, HĐXX phúc thẩm TAND Tối cao quyết định bác đơn kháng cáo của Lê Quốc Quân, đồng thời giữ nguyên các quyết định tại bản án sơ thẩm là hoàn toàn có căn cứ, đúng pháp luật. Luật sư Lê Minh Công còn khẳng định, vụ án không chỉ là bài học đối với cá nhân Lê Quốc Quân mà còn là bài học cho các cá nhân, doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh...

Khoác áo "yêu nước", nhân danh "công bằng", đòi hỏi "công lý" nhưng Lê Quốc Quân trốn thuế, đồng nghĩa với việc trốn tránh nghĩa vụ xây dựng Tổ quốc, chỉ lo tư lợi cá nhân, liên tục thể hiện thái độ coi thường pháp luật, lộ rõ động cơ chống đối, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đáng lên án hơn là hành vi đó lại được một số đối tượng phản động nhào nặn, xuyên tạc, kích động nhằm đánh lạc hướng dư luận. Và đáng tiếc là vẫn còn một số ít người chưa hiểu đúng bản chất vụ việc, chưa hiểu rõ động cơ của những kẻ kích động nên đã vi phạm pháp luật tham gia "đấu tranh" vô căn cứ cho một kẻ "ngụy yêu nước".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sự thật về bị cáo Lê Quốc Quân: Kẻ trốn thuế lộ mặt “ngụy yêu nước”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.