(HNM) - Chúng tôi cứ nấn ná chờ, dù trời đã nhá nhem, bóng tối phủ dần quanh khu vực hồ Thiền Quang, nhưng vẫn bằn bặt bóng của bà Phạm Thị Đào, người đang gây xôn xao dư luận mấy ngày qua.
Đèn đường đã bật sáng, những người tập thể dục, hóng mát cũng đã về, chúng tôi đành tìm hỏi về nhân thân của bà Đào ở những nơi bà từng ở. Và chân dung về "bà già khổ cực bên hồ Thiền Quang" - như mô tả của một số báo mạng mấy ngay qua, đã được chúng tôi ghi nhận lại một cách rõ nét, trung thực, khách quan.
Một nửa của… sự thật
Theo mô tả của một số báo mạng, thời gian qua bà Đào thường nằm ngủ ở vỉa hè, không giường chiếu. Một số người dân ở phố Nguyễn Du thấy thế đã biếu bà mấy mảnh ván. Hai mẹ con chia nhau làm chỗ nghỉ ngơi ven hồ. Quán nước của bà hầu như không có người. Bàn, ghế, xoong, nồi, ấm, chén… hầu hết đều của những người xung quanh khu vực hồ Thiền Quang cho, mỗi người một vài thứ. "Tôi giờ không đi đâu được, chỉ còn biết bán nước chứ không chạy làm thuê làm mướn hay bán miến, bún như ngày xưa nữa". Tối hôm trước Hà Nội mưa to, dưới cái ô, hai mẹ con bà, một già, một dở, ướt nhẹp. "Mấy chục năm tôi không có nhà, sinh hoạt thế nào chả được. Tôi chỉ mong con chết hết để được vào chùa”. - Bà Đào kể với phóng viên một số báo mạng như vậy.
Đọc những thông tin trên, nhiều người không nắm rõ thông tin về nhân thân của bà Đào chắc chắn sẽ có cảm giác sửng sốt, thương cảm khi thấy một bà già đã ở cái tuổi "gần đất xa trời" mà hằng ngày vẫn phải bám đường mà sống cùng người con gái tàn tật bên hồ Thiền Quang. Và hẳn sẽ có người thầm trách: Dù bà già con cái không nuôi được thì chính quyền sở tại đâu rồi, sao ở giữa Thủ đô mà lại để một bà già lâm vào cảnh thương tâm đến vậy? Khi chúng tôi hỏi những người bán hàng gần chỗ bà Đào thường ngồi, họ nhanh nhảu kể lại tiểu sử của bà vanh vách, thậm chí có người còn thêm tí "mắm muối" cho sinh động và đa phần câu chuyện đều "luộc" lại từ các báo mạng. Đại loại là bà Phạm Thị Đào, 83 tuổi cùng người con gái ngớ ngẩn vẫn bán chè chén bên hồ Thiền Quang kiếm sống qua ngày. Nghe người ta nói thì đúng là mẹ con bà Đào cứ như thể đang sống giữa địa ngục trần gian. Người ta đã nói rằng, bà Đào có chồng nghiện rượu rồi chết vì bệnh xơ gan, để lại tới 6 người con. Nhưng cái họa của gia đình bà là 4 người con trai dính nghiện, trong đó 3 đã chết, 1 thì đang thụ án ở mãi tận Thái Nguyên. Hai người con gái thì một cô bị lừa bán sang Trung Quốc, còn một người thì tâm thần, ngớ ngẩn đang hằng ngày theo bà bán nước kiếm sống. Cuộc sống chật vật khiến bà phải bán căn nhà vốn là chỗ "chui ra chui vào" để cứu các con. Những ngày gần đây, thấy bà đến "cắm chốt" ở hồ Thiền Quang, những người dân ở khu vực này thương tình đã cho mấy tấm ván để kê lên, thành chỗ ngủ…
Nghe họ kể, chúng tôi cũng thấy xót xa cho một thân phận. Lẽ ra, ở tuổi này, người ta được viên mãn với gia đình, con cháu. Hoặc giả, nếu không có con cháu thì cũng được bầu bạn với những người cao tuổi neo đơn trong các trung tâm bảo trợ xã hội. Trước đây, chúng tôi đã từng đến thăm một số trung tâm bảo trợ xã hội, thấy các cụ trò chuyện, tâm tình tuổi già với nhau trong không khí thân mật, chắc chắn bà Đào cũng đủ tiêu chuẩn để vào đó dưỡng già, thảnh thơi. Thế nhưng, vì sao bà không vào đó, hay còn một uẩn khúc gì khác..?
Và sự thật của nửa còn lại
Loanh quanh mãi nơi hồ Thiền Quang, không tìm được cụ Đào, chúng tôi đã tìm vào Công an phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, đơn vị quản lý khu vực quanh hồ Thiền Quang, nơi bà Đào bày bán chè chén mấy ngày vừa qua. Trung tá Hoàng Văn Chung, Phó trưởng Công an phường Nguyễn Du cho biết: Khi có thông tin về bà Đào, UBND phường Nguyễn Du và Công an phường Nguyễn Du đã tiến hành xác minh nhân thân của bà. Kết quả xác minh cho thấy, bà Phạm Thị Đào, 83 tuổi, vốn có hộ khẩu thường trú tại số 55 Nguyễn Lương Bằng, phường Nam Đồng, quận Đống Đa. Tuy nhiên, do hoàn cảnh gia đình đông con (bà Đào có tới 10 người con), bà đã bán căn nhà đó. Trung tá Hoàng Văn Chung cũng cho rằng, đúng là bà Đào có tới 3 người con trai chết vì nghiện ngập và tù tội. Một người con trai khác đang thụ án ở Thái Nguyên vì tội mua bán, sử dụng chất ma túy. Những người con gái còn lại thì không xác định được đi đâu, thậm chí bà Đào cũng không biết. Bản thân bà Đào vốn cũng nhiều tiền án liên quan đến ma túy và mới được giảm án, trở về với cộng đồng. Còn lại một người con duy nhất bị tâm thần nên vẫn theo bà đi bán nước ở khu vực hồ Thiền Quang được mấy ngày nay.
Với những thông tin ban đầu như vậy, để làm rõ hơn về nhân thân, chúng tôi trở lại phường Nam Đồng, nơi bà Đào đăng ký hộ khẩu thường trú. Ông Nguyễn Đức Thuận, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Nam Đồng lắc đầu: "Bà ấy đi lâu lắm rồi, giờ chúng tôi không nắm được tung tích đâu. Có lẽ các anh phải sang bên công an hoặc UBND phường". Hỏi thăm những người dân trong khu vực, chúng tôi cũng không có thêm thông tin gì của bà Đào thời gian gần đây. Tuy nhiên, bà Phạm Thị Thúy Hà, Phó Chủ tịch UBND phường Nam Đồng đã xác nhận: Bà Đào mấy năm nay cư trú tại tổ 9A, khu vực đường Trần Hữu Tước, phường Nam Đồng. Đây là khu vực đất lấn chiếm nên nhiều nhà chỉ dựng lều lá ở tạm. Thấy bà khó khăn, phường cũng chưa đôn đốc giải tỏa mà tìm cách hỗ trợ cho bà. Nhưng mấy năm trước, bà Đào cố tình dựng nhà kiên cố nên đã bị phường đình chỉ, phá dỡ nên sinh ra bất mãn.
Theo bà Hà, UBND phường cũng như các đoàn thể rất quan tâm tới hoàn cảnh của bà Đào. "Tôi cũng là phụ nữ, tôi hiểu và rất thông cảm cho hoàn cảnh của bà Đào. Chắc chắn là vì hoàn cảnh khiến bà trở nên như thế, phải rơi vào cảnh túng quẫn, kiệt quệ. Tôi nghĩ bà Đào cũng như ông bà, bố mẹ mình ở nhà thôi, cũng cần được phụng dưỡng, tôn trọng. Nhưng con cái bà không làm được việc hiếu nghĩa ấy nên chúng tôi vẫn phải có trách nhiệm"- bà Hà chia sẻ. Chính vì thế, hàng tháng bà Đào vẫn được nhận 2 suất hỗ trợ hộ nghèo, gồm một suất của bà và một suất cho cô con gái tâm thần. Thậm chí, thông cảm và chia sẻ với sự éo le của bà, nhiều lần UBND phường, quận đến vận động đưa bà cùng người con gái tâm thần vào Trung tâm Dưỡng lão và Trung tâm Bảo trợ xã hội nhưng bà Đào không nghe. Cứ mỗi lần nhìn thấy cán bộ phường là bà lại lẩn trốn. Đến cả việc lĩnh trợ cấp, mấy tháng nay bà đều nhờ người thân đến nhận thay. Nói thêm về hoàn cảnh của bà Đào, bà Hà cũng cho biết, trước đây, mỗi lần không đồng ý với các chủ trương của phường hay tổ dân phố, bà Đào thường phản ứng rất gay gắt. Thậm chí có nhiều hành động quá khích như lột quần áo giữa nơi công cộng nhằm gây sự chú ý. Đến bây giờ, bà vẫn chưa từ bỏ thói quen cũ, luôn tìm cách gây sự chú ý của nhiều người.
Không tìm được bà Đào, nhưng chúng tôi cũng không mấy thất vọng khi nhận được lời động viên và khẳng định của bà Phó Chủ tịch phường Nam Đồng Phạm Thị Thúy Hà: "Bây giờ thì các anh không tìm được bà Đào đâu. May ra thì cơ quan công an mới có thể tìm được. Bởi tìm được, chúng tôi sẽ gửi bà vào Trung tâm Bảo trợ xã hội hoặc các trung tâm dưỡng lão". Mong sao điều đó sớm thành hiện thực để bà Đào có cơ hội an hưởng tuổi già, vui vầy với những người đồng cảnh ngộ trong những tháng ngày cuối của cuộc đời.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.