1. Như Hànộimới đã liên tục thông tin, sau khi sự cố ô nhiễm môi trường biển xảy ra trên diện rộng ở miền Trung, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, các địa phương đã ngay lập tức có hành động kịp thời để xử lý sự cố một cách bình tĩnh, khoa học và thận trọng.
Dưới sự chủ trì của Bộ KH-CN, các chuyên gia đầu ngành về nhiều lĩnh vực trong nước và nước ngoài như Mỹ, Nhật, Pháp, Đức, Israel… được chia làm 3 tổ nghiên cứu độc lập mang tính liên ngành đã đến tận hiện trường để phân tích và nghiên cứu về các tác nhân liên quan… Công tác nghiên cứu đã và đang được tiến hành khẩn trương, nghiêm túc. Và như Thứ trưởng Bộ KH-CN Phạm Công Tạc cho biết, tính đến thời điểm này, các kết quả phân tích đã loại trừ những nguyên nhân tự nhiên và đang tập trung khu trú vào hai nhóm nguyên nhân chính là độc tố học và tảo độc.
Người dân trong vùng bị ảnh hưởng là các ngư dân, người nuôi thủy sản được Chính phủ và các địa phương hỗ trợ gạo, tiền, được ngân hàng cho vay giảm lãi suất, giãn nợ để có vốn tiếp tục sản xuất. Các địa phương đã hình thành nên các cửa hàng bán cá an toàn. Nhờ vậy, thị trường cung cầu hải sản ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế đã ổn định trở lại, ngư dân lại ra khơi bám biển. Đặc biệt, vào thời điểm nghỉ lễ dài ngày, Chính phủ nhận thấy sự cấp bách của vấn đề nên đã tổ chức cuộc họp ngay tại Hà Tĩnh. Tại đây Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: "Dù bất cứ cơ quan nào, bất cứ tổ chức nào, bất cứ cá nhân nào vi phạm pháp luật đều bị điều tra, làm rõ, trên cơ sở căn cứ khoa học chứ không ai bao che. Chính phủ kiên quyết bảo vệ quyền lợi cho nhân dân".
Những chỉ đạo kịp thời, chính xác của Chính phủ đã bảo đảm ổn định được đời sống người dân, tạo được niềm tin của dân vào các cơ quan chức năng và chính quyền trong việc xử lý sự cố môi trường này. Nhân dân cả nước đều đánh giá cao quyết tâm của Chính phủ và các bộ, ngành, chính quyền các địa phương trong việc tập trung chỉ đạo xử lý hậu quả sự cố môi trường. Người dân bình tĩnh chờ đợi và lắng nghe các thông tin chính thức của các cơ quan có trách nhiệm, các nguồn tin chính thống trong việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tìm ra nguyên nhân gây sự cố môi trường. Đồng thời tại nhiều địa phương, các tầng lớp nhân dân đã có những hoạt động thiết thực chia sẻ, hỗ trợ với bà con ngư dân như thăm hỏi, tặng quà, tiêu thụ hải sản sạch… Ngày 30-4, Tổng Giám mục Bùi Văn Đọc, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam đã có văn bản thông báo tới bà con giáo dân trong cả nước kêu gọi, khi diễn tả những lo lắng, bức xúc của mình cần tránh hành động quá khích dẫn tới xung đột, ảnh hưởng tới sản xuất, giao thông, vi phạm pháp luật.
Như vậy, có thể khẳng định rằng: Sự thật đã, đang và tiếp tục vun đắp niềm tin cho xã hội.
2. Thế nhưng thật đáng suy nghĩ và cũng đáng lên án là chính trong lúc chính quyền, doanh nghiệp và người dân cả nước đang hướng về khúc ruột miền Trung với tất cả tấm lòng và trách nhiệm để sẻ chia, đồng cảm thì một số đối tượng xấu, cơ hội trong nước cùng với số hoạt động lưu vong bên ngoài đã và đang tìm cách lợi dụng vụ việc để thực hiện ý đồ chống phá bằng cách xúi giục, kích động, gây mất ổn định. Nỗi đau của biển, thiệt hại của bà con ngư dân và khó khăn chung của đất nước một lần nữa lại trở thành cái cớ cho những mưu đồ đi ngược lại lợi ích của dân tộc. Không chỉ biển cả mà bầu không khí xã hội đã bị ô nhiễm bởi hàng loạt hành vi, thủ đoạn thâm độc của các tổ chức phản động lưu vong và một số phần tử xấu.
Nhiều trang mạng ăn theo sự kiện để gây sự chú ý, lôi kéo những người tham gia đã được tạo lập mới, trên đó đăng tải nhiều thông tin sai sự thật, thậm chí cắt ghép ảnh từ nước ngoài vào nhằm gây hoang mang dư luận, khoét sâu vào nỗi đau chung để kích động, chống phá. Điển hình là đối tượng Hoàng Văn Đông, Bùi Đức Hải, Ngô Kim Lãnh, Nguyễn Thùy Trang… Vẫn thông qua các trang mạng xã hội, các diễn đàn… nhiều bình luận mang tính quy kết, suy đoán một chiều về nguyên nhân sự cố đã được tung ra cố tình bôi đen sự thật khách quan, dẫn dắt dư luận theo hướng nguyên nhân đã rõ song chính quyền đang tìm cách bao che, làm ngơ không quan tâm đến bà con ngư dân (!?).
Giám mục Giáo phận Vinh Nguyễn Thái Học đã giao bản thư chung diễn tả sự việc một cách thiếu khách quan, thổi phồng, gây hoang mang và dùng lời lẽ kích động giáo dân. Một số đối tượng hội nhóm hoạt động trá hình ở trong nước cũng tung ra các loại tuyên bố, kiến nghị, thư ngỏ mang tính lừa bịp. Điển hình như bản tuyên bố do Nguyễn Quang A, Nguyễn Huệ Chi, Hoàng Hưng khởi xướng kêu gọi ký tên. Theo cơ quan chức năng, đây là thủ đoạn nhằm khuếch trương thanh thế, ngụy tạo dư luận để lôi kéo, tập hợp lực lượng mà các tổ chức cá nhân chống đối thường xuyên sử dụng thời gian qua.
Cũng qua internet, các đối tượng đã trắng trợn kích động và liên tiếp tán phát các lời kêu gọi biểu tình, tuần hành, chủ động thông báo thời gian, địa điểm hay tự tổ chức biểu tình, chuẩn bị các loại băng rôn, biểu ngữ, hướng dẫn cách đối phó với cơ quan chức năng… Ý đồ lợi dụng gây rối đã lộ rõ khi nhiều đối tượng tự lột mặt nạ mình bằng những lời kêu gọi sử dụng dao, bom xăng để tấn công lực lượng chức năng và lật đổ chính quyền khiến không thể không đặt câu hỏi rằng: Tuần hành ôn hòa gì mà lại phải chuẩn bị cả bom xăng, mang theo dao, gậy? Phải chăng đây là sự chuẩn bị cho một cuộc bạo loạn, lật đổ theo kịch bản cách mạng đường phố mà chính các đối tượng này đang hô hào nhau gọi tên là "cách mạng cá"? Ý đồ này còn lộ rõ hơn khi có kẻ công khai kích động mọi người dân không tham gia bỏ phiếu trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 vào ngày 22-5 sắp tới, nhằm làm cho công dân Việt Nam không được hưởng quyền dân chủ và quyền lợi của một người dân độc lập, tự do.
Theo thông tin từ cơ quan chức năng, để kích động biểu tình, gây rối, các đối tượng trong nước đã móc nối với nhau và cùng số phản động bên ngoài lập các nhóm kín trên mạng để cùng bàn bạc kế hoạch, phân công đối tượng cầm đầu các nhóm nhỏ hoặc trực tiếp tiến hành những công việc rất cụ thể. Những người khởi xướng đứng đầu là số thường xuyên tham gia các cuộc tụ tập đông người gây mất trật tự công cộng trong thời gian qua ở địa bàn Thủ đô như: Nguyễn Xuân Diện, Đặng Bích Phượng, Tạ Chí Hải, Nguyễn Lân Thắng, Phan Văn Bách, Lã Việt Dũng, Nguyễn Chí Tuyến… Tổ chức phản động lưu vong Việt Tân đã chỉ đạo đối tượng thành viên trong nước như Trương Minh Tam và cử người từ nước ngoài xâm nhập về nước để tập trung kích động, gây rối.
Cũng theo cơ quan chức năng, một số hội nhóm trá hình ở trong nước tham gia kích động biểu tình đã thường xuyên nhận tài trợ của một số tổ chức phản động lưu vong và tổ chức phi chính phủ nước ngoài, trong đó có Việt Tân và Quỹ quốc gia vì dân chủ Mỹ.
3.Việc lợi dụng những sự kiện được dư luận quan tâm, nhất là những sự kiện nhạy cảm, phức tạp để tuyên truyền xuyên tạc, kích động, chống phá là thủ đoạn không mới. Điều này đã gây bức xúc trong nhân dân, gây mất trật tự xã hội, tác động tiêu cực tới việc thực hiện đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước ta. Vì thế, bản chất cơ hội, lợi dụng của các đối tượng đã bị quần chúng nhân dân nhận rõ và lên án.
Dân tộc Việt Nam luôn mong muốn có một cuộc sống yên bình, có một ngày bầu cử được diễn ra trong ổn định, trật tự và thành công. Sự thật cuộc sống ở Thủ đô Hà Nội và nói rộng hơn là trên cả dải đất hình chữ S là không thể đảo ngược. Những dã tâm và hành động của kẻ xấu đi ngược lại ý chí và nguyện vọng của toàn dân nhất định sẽ bị thất bại thảm hại.
Niềm tin được hình thành từ sự thật. Và sự thật sẽ vun đắp niềm tin!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.