Theo nghiên cứu của nhóm chuyên gia ĐH East Anglia (UEA - Anh), sự sống trên trái đất chỉ có thể kéo dài thêm 1,75 - 3,25 tỉ năm.
Trong tương lai xa, mặt trời sẽ trở nên lớn hơn và thiêu đốt sự sống trên trái đất - Ảnh: Science |
Theo trang web khoa học Phys.org, các chuyên gia UEA cho biết trái đất hiện đang nằm trong “vùng ở được” của hệ mặt trời, nghĩa là khoảng cách từ trái đất đến mặt trời phù hợp để sự sống phát triển.
Nếu trái đất ở quá gần mặt trời, nhiệt độ cao sẽ khiến các đại dương bốc hơi. Ở quá xa, trái đất sẽ chỉ là một sa mạc băng giá, lạnh lẽo. Tuy nhiên, nghiên cứu của UEA cho thấy từ 1,75 đến 3,25 tỷ năm nữa, mặt trời sẽ trở nên lớn hơn, tỏa sáng mạnh hơn.
Khi đó, khoảng cách 149,5 triệu km giữa trái đất và mặt trời là không đủ để hành tinh xanh thoát khỏi cái nóng khủng khiếp. Các đại dương, nước và sự sống sẽ biến mất khỏi trái đất. Chuyên gia Andrew Rushby của UEA cho biết trước khi trái đất rơi vào “vùng nóng” một thời gian dài thì loài người không thể tồn tại trên hành tinh xanh được nữa.
“Loài người sẽ gặp khó khăn kể cả với sự tăng nhiệt độ nhỏ nhất. Khi bước vào thời kỳ cuối cùng trên trái đất, sẽ chỉ còn một số loại vi khuẩn có thể chịu được cái nóng” - chuyên gia Rushby cho biết.
Nhóm nghiên cứu cho rằng sẽ đến lúc loài người phải di cư khỏi trái đất. Đến nay, các nhà thiên văn học đã phát hiện một số hành tinh nằm trong vùng ở được bên ngoài hệ mặt trời. Chúng ở khoảng cách chỉ vài chục năm ánh sáng so với trái đất, nghĩa là rất gần xét theo khoảng cách vũ trụ.
“Tuy nhiên với công nghệ hiện nay thì chúng ta vẫn phải mất hàng trăm nghìn năm mới tới được các hành tinh này. Nếu buộc phải di cư tới một hành tinh khác, Hỏa tinh có lẽ là sự lựa chọn hợp lý nhất. Nó rất gần và nằm trong vùng ở được cho tới thời kỳ cuối của mặt trời, nghĩa là khoảng 6 tỷ năm nữa” - nghiên cứu của UEA cho biết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.