Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sứ mệnh thiêng liêng

Thu Trang| 31/01/2022 05:29

(HNM) - Năm 2021 đã khép lại, song đối với những y, bác sĩ thì 365 ngày qua là những ngày không thể quên khi thực hiện sứ mệnh thiêng liêng - cứu người. Có mặt tại hầu hết các “điểm nóng” trên cả nước ngay từ những ngày đầu Covid-19 còn chưa được định danh tới khi dịch bùng phát mạnh, bác sĩ Ngô Đức Hùng, Trung tâm Cấp cứu A9 (Bệnh viện Bạch Mai) tâm sự: “Có những lúc tưởng chừng không thể vượt qua, nhưng khi thấy bệnh nhân đáp ứng điều trị, chuyển biến tốt, được ra viện trở về với vòng tay gia đình, chúng tôi lại tự dằn lòng không được phép gục ngã”.

Điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Thanh Nhàn.

Bước vào “trận đánh” đích thực

Trong suốt 2 năm, trải qua 4 đợt dịch, nhưng với các y, bác sĩ thì 3 đợt dịch trước chỉ là các cuộc “tập dượt”, đến đợt dịch thứ tư (từ ngày 27-4-2021), họ mới bước vào “trận đánh” đích thực trước “kẻ thù vô hình” mang tên Covid-19. Và vào thời điểm tình hình dịch tại thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố phía Nam đang “nóng” lên từng ngày cũng là lúc từng đoàn y, bác sĩ Thủ đô nối tiếp nhau lên đường.

Nhớ lại khoảnh khắc đặt chân đến sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất vào tháng 8-2021, bác sĩ Ngô Đức Hùng chia sẻ: “Khi bước ra khỏi sảnh sân bay, chỉ nhìn thấy vài con chim đậu trên mặt đường, không thấy một bóng người, tôi thực sự sốc và không hiểu điều gì xảy ra. Thêm một lần sốc khi tới Bệnh viện dã chiến số 16 được thiết lập tại một xưởng đóng tàu nằm trong khu đất trống, xung quanh có rất nhiều cây dừa nước, điều khiến tôi ngỡ ngàng là mọi thứ ngổn ngang. Nhiệm vụ của chúng tôi là xây dựng một trung tâm hồi sức tích cực với sức chứa 500 bệnh nhân. Câu hỏi luôn đặt ra trong đầu tôi khi đó là làm thế nào để đáp ứng yêu cầu về chuyên môn trên nền tảng hoàn toàn là con số 0 như vậy”.

Để vận hành được trung tâm hồi sức tích cực - tầng điều trị cao nhất của bệnh nhân nặng, chỉ sau khi có quyết định vài ngày, các y, bác sĩ phải làm việc đến 300% công suất. “Chúng tôi không biết lúc nào là ngày, lúc nào là đêm, thứ ánh sáng duy nhất hiện ra trước mắt chỉ từ những chiếc bóng đèn. Chúng tôi cũng chỉ nhận ra nhau khi nhìn vào những cái tên viết trên bộ quần áo bảo hộ. Thậm chí, khoác lên người bộ đồ bảo hộ kín mít trong nhiều tiếng đồng hồ, vừa nóng, vừa bí, nhiều nhân viên y tế đã bị viêm da, sốc nhiệt… Song, điều khiến nhân viên y tế choáng váng hơn cả khi tiếp quản khu điều trị này là, có quá nhiều bệnh nhân nặng, nhiều bệnh nhân tổn thương phổi”, bác sĩ Hùng kể.

Dù có “thâm niên” 15 năm làm hồi sức cấp cứu, nhưng bác sĩ Hùng cũng không thể tưởng tượng được sự khắc nghiệt và chứng kiến nỗi đau chạm đến phần sâu nhất trong mỗi con người của đợt dịch này. Có gia đình, các thành viên đều bị nhiễm Covid-19 và tử vong. Vì vậy, khi có người trong gia đình này tử vong, nhân viên y tế đã không biết phải liên hệ với ai để báo tin, vì người thân của họ không còn một ai. “Chứng kiến số lượng bệnh nhân nhập viện và tử vong nhiều đã khiến cho không ít y, bác sĩ bị ám ảnh, bị sang chấn tâm lý. Thậm chí, ngay cả lúc ngủ, họ cũng nghe thấy tiếng tít tít của máy thở văng vẳng bên tai. Rất nhiều nhân viên y tế bị mất ngủ và phải dùng thuốc an thần. Trong giai đoạn đầu, chúng tôi đã phải nhờ đến sự hỗ trợ của đồng nghiệp là các bác sĩ chuyên khoa về tâm thần để ổn định tâm lý”, bác sĩ Hùng nói.

Người đi chống dịch là vậy, còn người ở lại Thủ đô cũng áp lực bội phần. Vào những ngày cuối năm, số ca nhiễm mới được ghi nhận trên địa bàn Hà Nội gia tăng mạnh. Là bệnh viện tuyến cuối điều trị Covid-19 của ngành Y tế Thủ đô, Bệnh viện Thanh Nhàn với 250 giường bệnh dành cho bệnh nhân nặng luôn trong tình trạng kín chỗ.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hoa, Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Thanh Nhàn kể cho chúng tôi nghe về một bệnh nhân đặc biệt, dù đã 37 tuổi nhưng do bị thiểu năng trí tuệ, nên nhận thức chỉ như trẻ lên 5. Không chỉ vậy, bệnh nhân còn có bệnh nền đái tháo đường, béo phì và nhập viện trong tình trạng nồng độ ô xy chỉ còn 60%. Trong tình huống vô cùng nguy cấp đến tính mạng, nhưng bệnh nhân nhất định không chịu thở ô xy, không dùng thuốc và không cho lấy máu xét nghiệm.

“Thủ thỉ với bệnh nhân như với con nhỏ, hứa nếu uống thuốc, chịu thở ô xy, bác sĩ sẽ mua kẹo, mua bim bim và cho đi chơi. Cứ như vậy, tôi mới nhận được cái gật đầu từ người bệnh. Giây phút đó khiến tôi như vỡ òa trong hạnh phúc, trút được gánh nặng lớn. Bởi, nếu chậm trễ có thể tôi và các đồng nghiệp của mình sẽ không giữ được tính mạng bệnh nhân…”, bác sĩ Hoa chia sẻ.

“Không có lý do gì để chúng tôi buông tay”

Cuối tháng 12-2021, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đã công bố một nghiên cứu được phối hợp với ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (ActionAid), Viện Đào tạo y học dự phòng và y tế công cộng, Trường Đại học Y Hà Nội và Viện Kinh tế và Công nghệ y tế về một khảo sát từ tháng 7-2021 đến tháng 11-2021 trên 2.700 nhân viên y tế tuyến đầu chống Covid-19. Theo đó, có khoảng 60% nhân viên y tế đã phải cáng đáng khối lượng công việc và thời gian làm việc tăng lên đáng kể trong thời gian diễn ra đại dịch Covid-19; khoảng 40% trong số họ cho biết đã gặp phải những khó chịu, suy giảm về sức khỏe thể chất và có 70% bị lo lắng, trầm cảm...

Chia sẻ những tác động của Covid-19 đối với yêu cầu công việc của nhân viên y tế, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Bùi Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện điều trị Covid-19 Hà Nội, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, đại dịch Covid-19 không chỉ tác động đến các hoạt động của cơ sở y tế, mà còn ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của nhân viên y tế. Cụ thể là khối lượng công việc của nhân viên y tế nhiều hơn, nghỉ ngơi ít hơn, stress nhiều hơn, thu nhập giảm, đào tạo hạn chế, ít được chia sẻ, chăm sóc gia đình, thậm chí còn bị cộng đồng kỳ thị…

Vào thời điểm căng thẳng nhất của dịch Covid-19, nhiều đồng nghiệp cảm thấy quá áp lực và nhắn rằng “Em muốn khóc” gửi đến bác sĩ Ngô Đức Hùng, Trung tâm Cấp cứu A9 (Bệnh viện Bạch Mai). Những giây phút đó, bác sĩ Hùng chỉ khuyên nhủ các đồng nghiệp của mình, không được phép khóc trước mặt các đồng nghiệp. Bởi, nếu làm như vậy sẽ ảnh hưởng đến tinh thần của người khác. Nếu mình thể hiện sự mệt mỏi, người khác sẽ ngã lòng. Chính vì vậy, mình phải tự mạnh mẽ để hỗ trợ cho các đồng nghiệp.

“Trong cuộc chiến này, điều chúng tôi lo sợ nhất không phải là việc mình bị nhiễm bệnh, mà là lo sợ mình có đủ sức để chiến đấu được hay không và nếu chẳng may mình bị ốm thì công việc lại dồn lên vai những người đồng nghiệp. Một trong những động lực lớn nhất để chúng tôi vượt lên tất cả, đó chính là người bệnh. Nhìn những bệnh nhân thở máy, đằng sau họ là cả một gia đình mong ngóng họ trở về nhà. Bởi vậy, không có lý do gì để chúng tôi buông tay, dù chỉ còn 1% hy vọng chúng tôi cũng phải nỗ lực đến cùng”, bác sĩ Ngô Đức Hùng thổ lộ.

Năm 2021 - “năm Covid thứ hai”, đã đi qua và lấy đi quá nhiều thứ. Thế nhưng, đại dịch cũng cho chúng ta thấy rõ, cảm nhận rõ hơn bao giờ hết chính là những giá trị nhân văn, là tình thương yêu giữa con người với con người. Diễn biến tương lai về đại dịch hiện vẫn là một ẩn số. Thế nhưng, một mùa xuân mới đang về lại gieo vào lòng người niềm tin và hy vọng. Rồi đại dịch sẽ được đẩy lùi, rồi con người sẽ sống chung an toàn với nó như nhiều bệnh tật khác trên cõi đời này, sẽ không còn cảnh nhân viên y tế bị quá tải, bị kiệt sức… và cuộc sống trở lại bình thường với nhiều điều mới mẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sứ mệnh thiêng liêng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.