(HNM) - Ngày 2-12, tên lửa Trường Chinh 3B mang theo tàu thám hiểm Hằng Nga 3 được phóng đi từ Trung tâm phóng vệ tinh Tây Xương, thuộc tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc).
Sau hơn 10 ngày, ông Mã Hưng Thụy, quan chức đứng đầu chương trình khám phá Mặt trăng của Trung Quốc tuyên bố sứ mệnh của tàu vũ trụ Hằng Nga 3 đã "thành công trọn vẹn" sau khi con tàu này và xe tự hành Thỏ Ngọc đã chụp được những bức ảnh về nhau trên bề mặt Mặt trăng vào lúc 23h42 (giờ Bắc Kinh) ngày 15-12.
Tên lửa "Trường chinh 3" đẩy tàu "Hằng Nga 3" lên mặt trăng (Ảnh: News.cn) |
Trước đó, sáng cùng ngày, sau khi đổ bộ lên Mặt trăng, Hằng Nga 3 đã thả thiết bị tự hành Thỏ Ngọc vào vũ trụ và bắt đầu di chuyển, để lại một vết sâu trên bề mặt "chị Hằng". Quá trình này được ghi lại bằng máy quay trên tàu vũ trụ Hằng Nga 3 và gửi về Trái đất. Thỏ Ngọc sẽ tiến hành khảo sát cấu trúc địa chất và các chất trên bề mặt của Mặt trăng với tốc độ 200m/h cũng như tìm kiếm tài nguyên thiên nhiên trong vòng 3 tháng, trong khi tàu Hằng Nga 3 sẽ tiến hành thám hiểm tại khu vực hạ cánh trên Mặt trăng trong vòng một năm. Xe tự hành 6 bánh "Thỏ Ngọc" dài 1,5m, nặng 140kg với hai cánh có thể gập lại. Đây là một loại robot tinh vi, nhận lệnh hoạt động từ trạm điều khiển trên Trái đất và sẽ phải hoạt động trong điều kiện nhiệt độ lên tới hơn 300 độ C trên bề mặt Mặt trăng.
Sự kiện robot tự hành Thỏ Ngọc đổ bộ thành công lên Mặt trăng đánh dấu bước đi mới nhất trong chương trình không gian Bắc Kinh đề ra. Trung Quốc khẳng định, nguồn tài nguyên của Mặt trăng là lý do chủ yếu thúc đẩy chương trình này. Để khẳng định tuyên bố của mình, Tân Hoa xã cho biết, ngay trong kết cấu của robot tự hành Thỏ Ngọc đã được trang bị radar gắn dưới bụng để phát hiện các khoáng chất của vỏ Mặt trăng, đặc biệt ở vùng Vịnh Cầu Vồng. Khoáng chất mà Trung Quốc nhắm tới là một loại khí hiếm Heli-3 có nhiều ở trên hành tinh này. Nó được xem là "nguồn năng lượng hoàn hảo để thay thế dầu khí". Theo các nhà khoa học Trung Quốc, Heli-3 có thể được sử dụng để tạo ra một nguồn năng lượng dồi dào trong hơn 10 nghìn năm mà các lò phản ứng nhiệt hạch khó mơ ước tới. Một số nhà khoa học xem động thái Trung Quốc phóng tàu thăm dò lên Mặt trăng cũng giống như nhiều nước khác đang đổ xô khai thác tài nguyên ở Nam Cực. Song theo ông Karl Bergquist tại Cơ quan Vũ trụ Châu Âu, người đã làm việc với các quan chức không gian của Trung Quốc trong đợt phóng tàu này, cho biết việc khai thác tài nguyên Mặt trăng của Trung Quốc còn cần nhiều năm nữa. Ngoài lý do kinh phí để khai thác thành công Heli-3, Trung Quốc phải có một thiết bị có khả năng vận tải hàng hóa với kích thước bằng một tàu con thoi để phi lên Mặt trăng. Ngay kể cả khi Trung Quốc thăm dò không gian thành công trên Mặt trăng thì việc tạo ra một lò phản ứng nhiệt hạch cũng là cả một chặng đường dài.
Đây là lần đầu tiên một thiết bị thăm dò đổ bộ lên bề mặt vệ tinh của Trái đất kể từ năm 1976, đưa Trung Quốc trở thành quốc gia thứ ba, sau Mỹ và Liên Xô, thực hiện thành công sứ mệnh này. Việc tàu Hằng Nga 3 hạ cánh thành công xuống Mặt trăng là bước tiến quan trọng trong lĩnh vực khoa học vũ trụ của Trung Quốc, tạo tiền đề cần thiết giúp Bắc Kinh thực hiện thành công mục tiêu xây dựng một trạm không gian và đưa người lên hành tinh này vào năm 2020.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.