(HNM) - Hôm nay (20-11), ngày có ý nghĩa vô cùng đặc biệt đối với gần 1,2 triệu nhà giáo đang công tác ở khắp mọi miền đất nước, là dịp tôn vinh những người làm
Giờ học Toán của cô và trò Trường Tiểu học Tả Thanh Oai (Thanh Trì). Ảnh: Bảo Lâm |
Trân trọng sự đóng góp của các thầy, cô giáo
Cách đây 30 năm, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 167/HĐBT ngày 28-9-1982 về việc chọn ngày 20-11 hằng năm là Ngày Nhà giáo Việt Nam. Việc có một ngày riêng để tôn vinh các thầy, cô giáo thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với đội ngũ nhà giáo nói riêng và ngành GD-ĐT nói chung trong việc "trồng người", đồng thời thể hiện sự trân trọng đối với nghề giáo, duy trì và phát huy truyền thống hiếu học của toàn dân tộc.
Trước yêu cầu, đòi hỏi mới trong sự nghiệp GD-ĐT, sự quan tâm ấy đối với đội ngũ những người làm thầy ngày càng được thể hiện rõ đối với mọi giáo viên, ở mọi cấp học, mọi vùng miền, cả người đang công tác hay đã nghỉ chế độ. Để động viên, khích lệ sự cố gắng của các thầy, cô giáo trực tiếp đứng lớp, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 244/2005/TTg quy định chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo các trường công lập, đặc biệt là nhà giáo trực tiếp giảng dạy tại các trường mầm non, tiểu học ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa. Thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với giáo dục vùng khó khăn, từ năm 2006 đến nay các nhà giáo công tác tại đây được hưởng nhiều chính sách đặc biệt. Đơn cử, nếu được luân chuyển đến công tác tại cơ sở giáo dục ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn thì ngoài trợ cấp lần đầu, phụ cấp lưu động, nhà giáo còn được hỗ trợ về chỗ ở, kinh phí bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ… Hết thời hạn luân chuyển, nếu tình nguyện ở lại vùng khó, nhà giáo được cấp đất làm nhà, được hỗ trợ làm kinh tế, được vay vốn với lãi suất ưu đãi. Đó là sự hỗ trợ thiết thực để gần 200 nghìn nhà giáo đang giảng dạy ở 3.900 xã vùng núi, vùng cao thêm yên tâm gắn bó với nghề.
Chưa khi nào giáo dục mầm non - cấp học quan trọng đầu đời của trẻ - lại nhận được chăm lo toàn diện như hiện nay. Theo Quyết định số 60/2011/QĐ-TTg về một số chính sách phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2011-2015, giáo viên hợp đồng (cả công lập và dân lập) được nâng lương định kỳ và được ngân sách hỗ trợ để đóng, hưởng các loại bảo hiểm.
Không chỉ quan tâm tới những nhà giáo đang công tác, đội ngũ thầy, cô giáo đã nghỉ chế độ cũng nhận được sự hỗ trợ nhất định, đặc biệt là phụ cấp thâm niên. Từ cuối năm 2011, các giáo viên mầm non nghỉ chế độ từ trước năm 1995 nhưng chưa đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí đã được Nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội.
Mấy dẫn chứng nói trên chưa nói đủ mối quan tâm đặc biệt mà toàn xã hội dành cho các thầy, cô giáo cả nước.
Vinh dự lớn, trách nhiệm cao
Xứng đáng với sự quan tâm, tin tưởng đó, đội ngũ nhà giáo Việt Nam đã không ngừng nỗ lực phấn đấu, tích cực hưởng ứng nhiều cuộc vận động và phong trào thi đua, tiêu biểu như "Hai tốt", "Kỷ cương - tình thương - trách nhiệm"… với tinh thần tất cả vì HS thân yêu. Đã xuất hiện nhiều tấm gương nhà giáo tiêu biểu, xuất sắc ở các cấp học, ở khắp mọi miền của đất nước, được đồng nghiệp khâm phục. Đó là Nhà giáo Nhân dân - Anh hùng Lao động Nguyễn Đức Thìn (Bắc Ninh), người khởi xướng nhiều phong trào như "Thắp sáng ngọn đèn Ngô Gia Tự", "Đọc và học tập sách báo", "Thi đua làm nghìn việc tốt"; là Nhà giáo Nhân dân - Anh hùng Lao động Nguyễn Thị Trâm (ĐH Nông nghiệp Hà Nội) với giống lúa lai nổi tiếng, là niềm tự hào của ngành nông nghiệp Việt Nam. Lại có những người thầy không được tặng thưởng huân chương, danh hiệu cao quý song luôn nhận được sự kính trọng, khâm phục của toàn xã hội. Đó là thầy giáo bị liệt Nguyễn Hữu Thắng (Nghệ An) 30 năm nằm dạy học, thầy giáo không tay dạy vẽ Khanh Rong (Sóc Trăng), là thầy giáo mù Nguyễn Phước Thiện (TP Hồ Chí Minh) miệt mài với lớp tiếng Anh tại nhà, "thầy giáo da cam" Đào Thanh Hương (Thanh Hóa) nhiệt huyết với nghề, là bà giáo 80 tuổi (Tây Hồ, Hà Nội) dạy miễn phí cho hàng trăm học trò khuyết tật suốt 15 năm qua…
Để nâng cao chất lượng GD-ĐT, ngành GD-ĐT đang tích cực thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI, trong đó xác định xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Xã hội phát triển, vai trò của người thầy ngày càng quan trọng, họ có trọng trách tạo nên những lớp HS không chỉ có tri thức mà còn hoàn thiện cả về đức - thể - mỹ. Muốn vậy, bản thân mỗi nhà giáo phải có trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp và tâm huyết với nghề. Việc phát động trong toàn ngành cuộc vận động "Mỗi nhà giáo là một tấm gương sáng về đạo đức, tự học và sáng tạo" đã thể hiện rõ vai trò của mỗi nhà giáo trong việc làm gương về mọi mặt để học trò noi theo.
Dù đã có nhiều hình thức, chế độ đãi ngộ, hỗ trợ, song so với yêu cầu nhiệm vụ và so với nhiều ngành nghề khác, điều kiện hành nghề của giáo viên vẫn còn sự bất cập nhất định cần được khắc phục sớm. Khi còn chưa sống được bằng lương, vì nhiều lẽ, đây đó có giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo, thậm chí bỏ nghề. Những bất cập về lương bổng, áp lực công việc và những điều tiếng từ dạy thêm, học thêm, về thu - chi tài chính khiến không ít người nản lòng. Thực tế đặt ra yêu cầu điều chỉnh, hoàn thiện các chính sách liên quan mà mục tiêu không có gì khác hơn là giúp đội ngũ nhà giáo luôn là tấm gương sáng cho giới trẻ, thực sự toàn tâm toàn ý với nghề cao quý, hoàn thành trọng trách được giao phó.
Cả nước hiện có gần 1,2 triệu nhà giáo, trong đó số giảng viên CĐ, ĐH là 84 nghìn người, đạt tỷ lệ 1 giảng viên/26,2 sinh viên; hơn 500 nhà giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, gần 7.000 Nhà giáo Ưu tú; 9.000 tiến sĩ; 2.600 giáo sư và phó giáo sư; 36 nghìn thạc sĩ. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.