(HNM) - Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 đã cận kề, sắc Xuân đang tràn ngập phố phường, làng xã. Đây cũng là dịp bận rộn nhất của người nông dân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của xã hội.
Thực phẩm sạch được sản xuất tại Công ty cổ phần Cộng đồng Green Food. |
Ngon và sạch!
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện nay, một trong những khó khăn khi tiêu thụ nông sản, thực phẩm sạch là việc nhận diện và phân biệt các loại sản phẩm này so với các sản phẩm đại trà khác. Giải quyết được khó khăn này, nông sản, thực phẩm sạch mới có thể tạo được chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Hà Nội là một trong những địa phương tiêu thụ khối lượng lớn các loại thực phẩm, trung bình mỗi ngày khoảng 1.000 tấn, nhưng mới chỉ sản xuất được khoảng 60%, còn lại phải nhập từ các tỉnh, thành phố khác. Để từng bước cung cấp các loại thực phẩm sạch, ngon cho người tiêu dùng, Hà Nội đã và đang triển khai nhiều mô hình sản xuất thực phẩm sạch, đặc biệt là việc liên kết theo chuỗi nhằm truy xuất được nguồn gốc xuất xứ. Ông Trần Văn Chiến - Phó Giám đốc Công ty cổ phần Cộng đồng Green Food cho biết, hiện tại chuỗi tiêu thụ thực phẩm sạch của Green Food có 80 trại chăn nuôi, gồm 50 trại chăn nuôi lợn với tổng đàn 1.500 lợn nái, 15.000 lợn thịt/lứa và 30 trại chăn nuôi gà với 60.000 gà đẻ trứng, 35.000 gà thịt/lứa, cung cấp cho thị trường bình quân mỗi ngày 16,7 tấn thịt lợn, 3,3 tấn thịt gà và 25.000 trứng. Sản phẩm tiêu thụ qua 8 cửa hàng trực tiếp của chuỗi, 5 siêu thị, 12 trường học, bệnh viện và các bếp ăn tập thể. Các sản phẩm của công ty được truy xuất nguồn gốc, bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, đang được người tiêu dùng biết đến và sử dụng.
Trong ngày Tết, không thể thiếu hương vị của giò, chả, bánh chưng, một trong những doanh nghiệp đi tiên phong trong việc bảo tồn và phát triển mặt hàng truyền thống ở làng nghề giò, chả nổi tiếng Ước Lễ (Thanh Oai) là Công ty cổ phần thực phẩm Hương Sơn. Đang hướng dẫn công nhân đóng gói các đơn đặt hàng cho khách hàng trong TP Hồ Chí Minh với số lượng khoảng 10 tấn giò các loại, chị Nguyễn Thị Thu Hương - Tổng Giám đốc công ty tiết lộ, vào những ngày giáp Tết, mọi thành viên, công nhân lao động của công ty làm việc không ngừng nghỉ để giải quyết các đơn đặt hàng. Năm nào cũng vậy, sản phẩm của công ty cung cấp ra thị trường khoảng 200 - 300 tấn giò, chả các loại và khoảng 100 - 150 tấn bánh chưng. "Hiện nay, giò chả được sản xuất theo công nghệ hiện đại, nhưng để không mất hương vị truyền thống, phải công phu từ khâu chọn nguyên liệu đến gia vị và công thức chế biến. Các quy trình sản xuất phải bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và đặc biệt, để có thể cạnh tranh với các sản phẩm khác, giá cả phải hợp lý" - Chị Hương cho biết.
Vẫn còn khó khăn
Việc sản xuất và cung cấp các loại thực phẩm sạch cho người tiêu dùng đang là vấn đề bức thiết của xã hội. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất, kinh doanh các sản phẩm sạch vẫn còn nhiều khó khăn như: Việc nhận biết nhanh và rõ đâu là sản phẩm sạch được sản xuất từ cơ sở chăn nuôi bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm còn hạn chế; việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng có thói quen sử dụng thực phẩm sạch, cùng cộng đồng tẩy chay những sản phẩm không rõ nguồn gốc cũng còn nan giải; còn thiếu chính sách cụ thể về việc xây dựng chuỗi liên kết nên chưa thu hút được các doanh nghiệp đầu tư lớn trong lĩnh vực này...
Khắc phục những khó khăn này, theo ông Tạ Văn Tường - Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội, các địa phương cần khuyến khích người chăn nuôi phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm; tăng cường công tác gắn kết, liên kết thành chuỗi liên kết chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm để một mặt chủ động được tình hình chăn nuôi, mặt khác nâng cao được chất lượng sản phẩm, truy xuất được nguồn gốc, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, đồng thời giúp chăn nuôi phát triển ổn định, hiệu quả và bền vững. Bên cạnh đó, chủ động lên kế hoạch chăn nuôi dựa trên nhu cầu của thị trường, giữa các hộ chăn nuôi và đơn vị tiêu thụ sản phẩm phải ký kết hợp đồng ngay từ khi bắt đầu chăn nuôi nhằm tránh hiện tượng cung vượt cầu và người chăn nuôi bị ép giá. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để người chăn nuôi, người tiêu dùng, nhà quản lý cũng như các doanh nghiệp cùng vào cuộc, tạo được sự đồng bộ trong việc xây dựng, hình thành chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi. Nhà nước cũng nên có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm sạch về vốn vay ưu đãi để họ mở rộng quy mô sản xuất và quảng bá sản phẩm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.