Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sự lựa chọn của lịch sử và trách nhiệm Thủ đô

Cù Xuân Trường| 26/11/2012 06:30

(HNM) - Ngày 21-11-2012, tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Thủ đô - thể chế hóa quyết tâm của Đảng, Nhà nước, nguyện vọng của nhân dân, tạo cơ sở pháp lý để xây dựng Thủ đô Hà Nội "ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn". Đây là một dấu ấn lịch sử của Hà Nội và là một sự kiện quan trọng của cả nước.

Ngay sau khi Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã trả lời phỏng vấn báo chí: Việc Quốc hội thông qua Luật Thủ đô thể hiện sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước với yêu cầu xây dựng và phát triển Thủ đô; Hà Nội đón nhận  Luật Thủ đô với tinh thần trách nhiệm cao nhất…

Như vậy lịch sử Thủ đô Hà Nội lại bước sang một trang mới…

Hơn một nghìn năm trước, Đức Thái Tổ Lý Công Uẩn đã chọn vùng đất bên sông Cái (sông Mẹ) nơi “ở giữa khu vực trời đất, có thế rồng cuộn, hổ ngồi, ở giữa Nam - Bắc - Tây - Đông, tiện hình thế núi sông sau trước, đất rộng mà bằng phẳng, chỗ cao mà sáng sủa, dân cư không khổ về ngập lụt, muôn vật rất thịnh mà phồn vinh…” làm đất “thượng đô của kinh sư muôn đời”. Cũng từ đấy, vùng đất bên sông Mẹ đã mang trong mình một sứ mệnh đặc biệt với khát vọng vươn cao của cả dân tộc thể hiện trong hai chữ Thăng Long (Rồng bay).

Hơn một nghìn năm thăng trầm cùng lịch sử, Kẻ Chợ - Thăng Long - Hà Nội đã bồi tụ tinh hoa của bốn phương, kết  thành những phẩm chất riêng để lan tỏa đến mọi miền đất nước. Trí tuệ, tài hoa của người dân nước Việt hội tụ về kinh kỳ, lắng thành những thanh lịch, hào hoa… và tạo dựng nền văn hiến với tinh thần nhân văn sâu sắc. Thăng Long - Hà Nội trong suốt chiều dài dựng nước và giữ nước của dân tộc đã  khẳng định một khí phách anh hùng qua những trận quyết chiến mang tính chất quyết định trong các cuộc chiến tranh bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc: Đông Bộ Đầu (thời Trần), Đông Quan (thời Lê), Ngọc Hồi - Đống Đa (thời Quang Trung - Nguyễn Huệ), Mùa đông “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” năm 1946, Điện Biên Phủ trên không năm 1972 (thời đại Hồ Chí Minh)… Hơn hết là khát vọng hòa bình và kiến thiết được thể hiện cô đọng trong “Tụng giá hoàn kinh sư” của Chiêu Minh đại vương Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải (1241-1294) mà đến nay vẫn còn nguyên giá trị: … Thái bình tu trí lực / Vạn cổ thử giang san. (Buổi thái bình nên gắng sức / Muôn đời giang sơn này).

Thăng Long - Hà Nội trở thành đất “định đô của muôn đời” là một sự lựa chọn của lịch sử. Và trong tiến trình lịch sử, Thăng Long - Hà Nội đã “lắng hồn núi sông ngàn năm” để làm nên những  phẩm chất  tự hào của một Thủ đô văn hiến, Anh hùng - thành phố Vì hòa bình. Đây chính là những nét đặc thù của Hà Nội nhìn từ lịch sử và được tạo ra từ lịch sử. Mang “sứ mệnh Thủ đô”, Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học… của cả nước; Hà Nội là nơi đặt trụ sở của các cơ quan đầu não trong hệ thống chính trị, các cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế, nơi diễn ra các hoạt động đối nội, đối ngoại quan trọng của đất nước, là địa bàn không thể để xảy ra bất kỳ biến cố bất thường nào về quốc phòng, an ninh… Vì vậy, Hà Nội là một đô thị lớn nhưng lại khác với tất cả các thành phố trên dải đất hình chữ S này.

Những năm qua, đặc biệt trong thời kỳ đổi mới, với những nỗ lực không ngừng, Hà Nội đã tạo dựng một diện mạo mới cho Thủ đô với hàng loạt công trình hiện đại làm ngạc nhiên nhiều người. Trong cuộc kiến tạo mới, từ ngày 1-8-2008, Hà Nội đã được mở rộng với diện tích tự nhiên lên đến 3.344km2, dân số gần 6,3 triệu, với 29 đơn vị hành chính trực thuộc gồm 10 quận, 18 huyện, 1 thị xã và 577 xã, phường, thị trấn. Văn hóa xứ Đoài hòa vào văn hiến Thăng Long - Hà Nội trong một dòng chảy hội nhập. Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, một không gian đô thị mang đậm chất Việt Nam đã được hình thành. Thay vì một thành phố thẳng đứng với những khối sắt thép, bê tông khổng lồ, Hà Nội sẽ được tổ chức theo mô hình chùm đô thị, gồm khu vực đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh là Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn; các thị trấn được kết nối bằng hệ thống giao thông đường vành đai kết hợp các trục hướng tâm, có mối liên kết với mạng lưới giao thông vùng và quốc gia; đan xen giữa khu dân cư, khu công nghiệp là những vùng xanh của cây và nước…

Hà Nội mang một tầm vóc mới, hội tụ những xung lực mới và để hiện thực hóa khát vọng về một  đô thị xanh, văn hiến, hiện đại. Thế nhưng Hà Nội cũng đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có sau một thời gian phát triển quá “nóng”. Pháp lệnh Thủ đô năm 2000 đã bộc lộ không ít bất cập, “tấm áo cơ chế chật căng” không đáp ứng được những đòi hỏi xuất phát từ thực tế, gây cản trở cho sự phát triển. Hạ tầng của 4 quận nội thành cũ chỉ đáp ứng được 30 - 40 vạn người song nhân khẩu nơi đây hơn một triệu người. Cơ sở hạ tầng hùng hục chạy theo đà gia tăng dân số cơ học một cách chóng mặt. Rồi hàng chục những nhà máy ngày ngày phun khói độc ra môi trường; hàng  trăm trường học, bệnh viện, cơ quan  gây sức ép lên hạ tầng đô thị… Thế nhưng 10 năm  qua, số lượng  cơ sở di dời khỏi khu vực lõi đô thị chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay bởi… thiếu chế tài. Trong khi đó,  tình trạng vi phạm pháp luật về giao thông ngày càng gia tăng, ý thức chấp hành pháp luật của cư dân đô thị ngày càng “xuống cấp”. Chưa kể  việc gìn giữ, bảo tồn khối di sản vật thể, phi vật thể “khổng lồ” là tinh hoa cha ông để lại đang gặp không ít vấn đề từ cơ chế… “Thủ đô đang quá tải, nếu không có biện pháp quản lý tôi sợ mấy năm nữa ra họp sẽ chẳng còn đường mà đi” - ý kiến thẳng thắn của  đại biểu Quốc hội (đoàn Đà Nẵng) Nguyễn Bá Thanh cũng là bức xúc của người Hà Nội, những người yêu Hà Nội và nhân dân cả nước.

Việc Quốc hội thông qua Luật Thủ đô với những qui định đặc thù cho Hà Nội là hoàn toàn phù hợp với thực tiễn khách quan của đời sống và với đặc thù của Hà Nội khi mang “sứ mệnh Thủ đô”. Luật Thủ đô  có hiệu lực thi hành là một bước thể chế hóa quyết tâm của Đảng, hiện thực hóa nguyện vọng của người dân Việt Nam: Xây dựng Thủ đô xứng tầm là trung tâm  đầu não của đất nước Việt Nam một đất nước đang phát triển, đang hội nhập sâu rộng cùng thế giới. Đồng thời đó cũng là một bước góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật của quốc gia. Việc Quốc hội thông qua Luật Thủ đô là sự tôn vinh với Thủ đô của một quốc gia, cũng là  một sự khẳng định trách nhiệm của Thủ đô đối với cả nước.

Luật Thủ đô là điểm tựa pháp lý quan trọng để Hà Nội thực hiện thành công Nghị quyết số 11-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020: “… xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội xứng đáng với vai trò là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước; có kinh tế - xã hội phát triển toàn diện, bền vững, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao, chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh tiếp tục được củng cố, tăng cường, hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh. Phấn đấu để Hà Nội thực sự là địa phương đi đầu, về đích sớm 1-2 năm sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020…”.

Luật Thủ đô được soạn thảo công phu, khoa học,  nhận được nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm của giới chuyên môn trên nhiều lĩnh vực, được chỉnh sửa trong một thời gian khá dài (3 năm) đã xác định rõ vị thế và cơ chế đặc thù của Hà Nội. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để Hà Nội giải quyết những vấn đề “nóng” từ đời sống xã hội cũng như những định hướng cho tương lai. Xét từ vấn đề quản lý đô thị, Luật Thủ đô đã đưa ra được những giải pháp khả thi nhất trong bối cảnh hiện tại, tuy nhiên trong cái tốt nhất có thể ấy, có nhiều điểm chưa như mong muốn của một số người. Những lo ngại của một số đại biểu Quốc hội khi Luật Thủ đô đi vào đời sống không khó lý giải. Chuyện nhũng nhiễu, tiêu cực hoàn toàn có thể xảy ra do sự thiếu trách nhiệm và ý thức “công bộc” của những người thực hiện chính sách, bởi khi đã muốn vụ lợi thì qui định nào cũng có thể bị “đục thủng”. Ví dụ thời bao cấp, hầu hết cư dân đô thị sống bằng tem phiếu, qui định nhập cư hết sức ngặt nghèo nhưng không ai dám nói không có tiêu cực. Ngàn năm qua, Hà Nội “hội tụ - kết tinh - lan tỏa” những tinh hoa của đất nước và bây giờ vẫn vậy. Hà Nội luôn đón nhận khát vọng cống hiến của những người yêu Hà Nội nhưng chúng ta, những công dân nước Việt, cần hướng đến cái chung lớn nhất trên tinh thần cả nước vì Hà Nội để Hà Nội gánh vác trách nhiệm là Thủ đô.

Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước đã dành cho Thủ đô tình cảm và sự quan tâm đặc biệt, nhưng đồng thời cũng đặt lên vai Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô những trách nhiệm nặng nề. Việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TƯ về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020 và Quốc hội thông qua Luật Thủ đô là những biểu hiện cụ thể cho điều đó. Vì thế, Hà Nội càng ý thức rất rõ trách nhiệm của mình. Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đã khẳng định: Hà Nội đón nhận Luật Thủ đô với trách nhiệm cao nhất để xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại xứng đáng với truyền thống ngàn năm văn hiến. Người đứng đầu thành phố cũng nêu rõ: Khâu đột phá trong các cơ chế đặc thù mà Hà Nội sẽ lựa chọn là lập lại trật tự, kỷ cương xã hội…

Thăng Long - Hà Nội trở thành đất “thượng đô của kinh sư muôn đời” là sự lựa chọn của lịch sử. Hơn một ngàn năm thăng trầm, Thăng Long - Hà Nội đã bồi tụ tinh hoa, khí phách dân tộc và tạo dựng những giá trị nhân văn mới cho một nền văn hiến trường tồn, xứng đáng là kinh sư - Thủ đô của đất nước, trái tim của dân tộc Việt Nam. Với vị thế đã được khẳng định ở tầm mức mới, Hà Nội đang đứng trước những vận hội phát triển cũng như những thách thức lớn. Luật Thủ đô với nhiều qui định đặc thù cho Hà Nội nhưng không phải là “cây đũa thần” để biến đổi, tạo tác một Hà Nội văn minh, hiện đại. Tương lai của Thủ đô phụ thuộc vào ý thức, trách nhiệm Đảng bộ, chính quyền Hà Nội, của người Hà Nội, người yêu Hà Nội qua những việc làm cụ thể.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sự lựa chọn của lịch sử và trách nhiệm Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.