Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sự khởi đầu đầy ắp niềm tin và hy vọng

Mai Vân| 22/02/2015 07:17

(HNM) - Học sinh Việt Nam từng giành không ít giải cao trong các kỳ thi olympic quốc tế, nhưng những tấm huy chương của kỳ thi khoa học quốc tế (IJSO) mà học sinh Hà Nội mang về cho Thủ đô và đất nước trong chuyến đến Argentina trong năm vừa qua thực sự có ý nghĩa lớn lao hơn.



Là bởi, những trải nghiệm có được qua sự "hội nhập" với cách làm giáo dục tiên tiến của thế giới tuy ngắn ngủi nhưng cũng đủ để cho những người đau đáu với sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng nhân tài biết và hiểu sẽ phải làm gì để đổi mới, trước mắt là tại kỳ thi chọn học sinh giỏi, nhất là trong điều kiện ngành GD - ĐT đang tiến hành đổi mới theo hướng tích hợp liên môn.

Học sinh Việt Nam giành nhiều giải cao trong các kỳ thi Olympic quốc tế, luôn là niềm tự hào của đất nước. Ảnh: Viết Thành


Đi một ngày đàng...

Gần 5h sáng, chuông điện thoại đổ dồn. Cuộc gọi từ Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Lê Ngọc Quang thông báo tin vui: Đoàn học sinh dự kỳ thi IJSO lần thứ 11 đã thắng lớn với 5 tấm HC, trong đó có 2 HCV. Năm trước, anh Lê Ngọc Quang cũng dẫn đoàn đi thi ở Ấn Độ, cũng điện thoại về, nhưng dường như niềm vui của chuyến "mang chuông đi đánh xứ người" lần này có gì đó thật đặc biệt. Có lẽ không chỉ là vì học sinh có thành tích cao hơn dự kiến, cũng không hẳn vì thầy trò đã vượt qua nhiều khó khăn, chỉ riêng hành trình từ Hà Nội đến Buonos Aires có đến 5 lần chuyển máy bay, mà vì một lần nữa học sinh Việt Nam làm rạng danh đất nước với việc giành vị trí thứ 5 ở một kỳ thi quốc tế lớn, vượt qua nhiều quốc gia mạnh về giáo dục. "Vượt trên và ra ngoài một kỳ thi, IJSO là nơi các nước gặp nhau để trao đổi về phương pháp sư phạm, về cách dạy, cách học. Ở đây hội tụ nhiều nền giáo dục tiên tiến trên thế giới nên đến đó, chúng tôi học được nhiều điều. Đặc biệt là cách dạy học sinh tiếp cận với các vấn đề gần gũi với đời sống, phương pháp tích hợp các môn khoa học như vật lý, hóa học, sinh học... Những điều này thực sự rất sát, rất gần với mục tiêu đổi mới giáo dục mà chúng ta đang đặt ra", TS Lê Ngọc Quang chia sẻ.

Lần thứ hai tham gia đoàn, cũng giống như vị lãnh đạo ngành, cô giáo Nguyễn Thị Hồng (giáo viên dạy hóa, Trường Hà Nội - Amsterdam) cực kỳ ấn tượng với cách tổ chức kỳ thi IJSO. Đề thi dự kiến do nước chủ nhà chuẩn bị, gồm những câu hỏi kiểm tra trình độ học sinh nhưng không cao siêu, hàn lâm mà chỉ là dùng kiến thức để xử lý những vấn đề gần gũi với cuộc sống, như xác định nồng độ vitamin C trong nước chanh, đo độ nhớt của dầu... được đưa ra thảo luận công khai, và ban tổ chức sẵn sàng thay đổi đề theo phương án của số đông. Cô Nguyễn Thị Hồng cho biết, IJSO là môi trường làm việc khoa học để giáo viên cộ xát:

"Ở đây, không phân biệt già hay trẻ, chức to hay nhỏ, chỉ có kiến thức chuyên môn và kỹ năng sư phạm". Trong 3 việc mà giáo viên tham gia, gồm thảo luận đề, dịch đề, phản biện bài làm của trò, thì dịch đề là khâu đơn giản nhất và mất ít thời gian nhất. Để tham gia thảo luận đề, giáo viên phải có kiến thức chuyên môn, trình độ tiếng Anh và có bản lĩnh. Thông qua thảo luận đề, giáo viên được trao đổi về chuyên môn, hiểu được đồng nghiệp ở nước khác có quan điểm thế nào về yêu cầu đối với học sinh để biết được học sinh của mình còn yếu ở đâu, cũng có nghĩa là việc dạy của thầy cô chưa được ở chỗ nào.

Không chỉ minh bạch ở khâu ra đề, khâu chấm thi cũng khiến cho các đoàn "tâm phục, khẩu phục". Bài làm sau khi chấm được photocopy rồi chuyển cho từng đoàn, mỗi đoàn có 30 phút để tranh luận công khai cùng giám khảo về những điểm chưa hợp lý. Cô Trịnh Thị Hương (giáo viên dạy lý, Trường THPT Chu Văn An) đã nỗ lực giải thích cách giải bài của học trò dù không giống đáp án nhưng cho kết quả đúng, thuyết phục hai giáo sư chấm lại bài. Kết quả, 6 học sinh đã được cộng thêm 5 điểm và nhờ đó, có em đã đổi được màu huy chương. Điều này cũng khiến nhiều nước ngỡ ngàng vì hầu hết thầy cô tham gia đoàn của các nước đều là giảng viên đại học.

"Đổi" thi để "làm mới" dạy và học

Ngoài việc thu nhận bài học và kinh nghiệm, những lần cọ xát tại "đấu trường giáo dục" quốc tế vừa qua còn cho giáo dục Hà Nội một niềm tin rằng, thầy và trò của Thủ đô có thể tiếp cận được với nền giáo dục tiên tiến của thế giới. Dạy học tích hợp, liên môn, gắn với thực tế cuộc sống là điều còn mới ở Việt Nam, nhưng không phải là gì đó quá cao siêu. Tuy nhiên, lãnh đạo ngành cũng thừa nhận, ngay tại Thủ đô, việc triển khai đại trà sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Làm thế nào để các nhà trường chuyển động theo hướng này? Câu trả lời là cần phải có "đầu tầu". Và kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 chính là nơi có thể áp dụng những gì mà nhà quản lý giáo dục đã "gặt hái" được qua những lần tham gia IJSO.

"Đề thi của kỳ thi IJSO là mẫu mực về tính sư phạm, mẫu mực về sự gắn kết giữa kiến thức khoa học với đời sống, mẫu mực về sự liên kết giữa các môn khoa học. Đây là mẫu hình cho chúng ta học tập, chỉ là một phần nào đó thì cũng đã rất tốt rồi", Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Ngọc Quang khẳng định. Ông cho biết thêm, trong kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 được tổ chức vào tháng 3 tới sẽ có một bài thi bộ môn khoa học để học sinh tham gia một cách tự nguyện. Đề thi của phần thi này cũng được ra tương tự như đề thi của kỳ thi khoa học quốc tế. Việc làm này nhằm thúc đẩy giáo viên phổ thông quan tâm hơn tới dạy theo hướng liên môn. Một tổng tập đề thi được biên soạn, phát hành tới các quận, huyện, giúp các thầy cô làm quen với cách ra đề thi liên môn, từ đó thay đổi cách soạn giáo án, tổ chức bài giảng theo hướng đổi mới này. Đây là mục tiêu quan trọng nhất của những thay đổi trong cách đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi mà ngành hướng tới, chứ không phải chỉ là nhằm tuyển chọn học sinh dự thi quốc tế. Lãnh đạo ngành giáo dục Thủ đô hy vọng kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 sẽ tạo tác động tích cực tới việc dạy và học ở các nhà trường, trước hết ở bậc học trung học cơ sở.

Một sự khởi đầu đầy niềm tin và hy vọng!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sự khởi đầu đầy ắp niềm tin và hy vọng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.