(HNM) - Trong hội nghị vận động nguồn lực cho công tác chống dịch cúm A/H7N9 mới tổ chức ở Hà Nội, Bộ Y tế đề xuất 4 phương án chống dịch cần đến 115 triệu USD: trong đó giai đoạn 1...
Theo đề xuất của Bộ Y tế, nhu cầu kinh phí của tình huống 1 (khi chưa có ca bệnh trên người) là trên 17 triệu USD. Trong đó, có tới 970.000 USD được dành cho truyền thông chống dịch với 2 hội thảo liên ngành; 2 lớp tập huấn cho báo chí; 1 bộ công cụ giám sát, 1 bộ công cụ hướng dẫn, thực hiện các chương trình truyền thông trên phương tiện thông tin đại chúng; thiết lập và triển khai hệ thống cung cấp thông tin về phòng chống cúm H7N9 với website, đường dây nóng, bản tin hằng tuần, sản xuất tài liệu truyền thông, thông điệp truyền hình, tranh gấp, áp phích…
Tiêm phòng cho gia cầm, phòng chống cúm A/H7N9. Ảnh: Như Ý |
Nhìn vào danh mục dự toán các khoản chi cho khâu truyền thông đã thấy sự lãng phí, nhưng khoản kinh phí phòng chống dịch còn "khủng khiếp" hơn, với 360.000 USD để tổ chức 8 lớp tập huấn giám sát cho tỉnh và huyện, 20 cuộc diễn tập, 7 hội thảo quốc tế, 4 chuyến đi học ở nước ngoài… Hoạt động điều tra, giám sát trọng điểm được đề nghị tới 1 triệu USD và cấp phát tài liệu cần 150.000 USD. Khi chưa có bệnh nhân, Bộ Y tế đã dự kiến phần chi cho công tác "điều trị" là 1,315 triệu USD với 6 lớp tập huấn cho tỉnh và huyện về phác đồ điều trị, 6 lớp về chống nhiễm khuẩn. Tất cả đề xuất đều thể hiện sự "rộng rãi" trong chi tiêu, gây bức xúc cho dư luận, nhất là trong thời buổi kinh tế khó khăn hiện nay.
Đây không phải là lần đầu tiên Bộ Y tế đề xuất số tiền "khủng" cho chống dịch. Trước đó, trong đợt dịch cúm gia cầm H5N1 năm 2005, Bộ Y tế đã đề xuất tới gần 600 tỷ đồng để mua thuốc Tamiflu dự trữ, đề phòng trường hợp dịch xảy ra… hàng loạt. Cuối cùng, dịch chẳng đến, gần 600 tỷ đồng tiền thuốc hết hạn buộc phải tiêu hủy, tốn thêm hàng tỷ đồng phí hủy thuốc rồi tách chiết hoạt chất. Đợt dịch H1N1 năm 2009, chỉ trong nửa năm, riêng ngân sách nhà nước đã cấp 790 tỷ đồng để mua sắm thiết bị, thuốc men chống dịch. Còn tính cả ngân sách địa phương thì tổng chi phí cho chống cúm H1N1 năm 2009 lên đến gần 1.000 tỷ đồng. Đáng nói là hiệu quả đầu tư rất thấp, bởi khi dịch đã "hạ nhiệt" với số ca mắc cúm H1N1 chỉ còn chiếm 4% tổng số ca mắc cúm mà thiết bị y tế mua chống dịch vẫn chưa kịp về để sử dụng.
Băn khoăn công tác dự báo
Trong vòng một tháng vừa qua, nhiều lần cụm từ khả năng đại dịch H7N9 đã được cơ quan chuyên môn quốc tế như Tổ chức Nông lương thế giới (FAO), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Bộ Y tế nhắc đến. Tuy nhiên, đến thời điểm này, dịch cúm A/H7N9 đã ở giai đoạn thoái trào. Duy nhất có thêm 1 bệnh nhân ở Đài Loan (Trung Quốc) được xác định nhiễm cúm A/H7N9.
Trong khi đó, các báo cáo giám sát trên gia cầm cũng cho thấy virus cúm gia cầm H7N9 chưa xuất hiện tại Việt Nam. Theo bà Nguyễn Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Thú y, 500 mẫu bệnh phẩm gia cầm được lấy từ các chợ gia cầm sống và gà đẻ thải loại ở nước ta đều cho kết quả âm tính với virus H7N9. Cục Thú y cũng đang làm việc với FAO để giám sát gia cầm ở 60 chợ gia cầm sống và mẫu gia cầm ở 9 tỉnh phía Bắc Việt Nam hằng tuần trong suốt tháng 5 và một phần của tháng 6.
Theo các chuyên gia, con số 115 triệu USD có thể là nhiều nếu dịch bệnh không xảy ra nhưng có thể là chưa đủ nếu dịch có quy mô lớn hơn dự tính của các nhà chuyên môn. Rõ ràng, công tác dự báo có vai trò hết sức quan trọng. Hiện dịch còn khá xa, Bộ Y tế đã đề xuất một kế hoạch "hoành tráng" để chống dịch, trong khi các "chiến dịch chống cúm" trước đó đều có lỗi về công tác dự báo. Ai chịu trách nhiệm về những chiến dịch thất bại như vậy? Đó cũng là câu hỏi mà cơ quan quản lý nhà nước cần trả lời với người dân. Theo kế hoạch dự kiến của Bộ Y tế, 2/3 kinh phí phòng chống dịch được đề xuất lấy từ tài trợ và vay quốc tế. Một chuyên gia phân tích, cơ quan đề xuất rất mong vay tiền của Ngân hàng Thế giới để chống dịch, do định mức chi tiêu của cơ quan này rộng hơn. Nhưng phần rất lớn khoản vay sẽ phải dành để trả cho lương chuyên gia nước ngoài, cho phí tư vấn và các chi phí phức tạp khác. Trong khi đó, cứu dịch như cứu hỏa, chi tiêu vội vàng, hiệu quả sử dụng tiền vay sẽ thấp và thế hệ con cháu sẽ phải trả cả gốc lẫn lãi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.