Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sự hiếu học ở Phú An

Bạch Thanh| 09/01/2011 07:34

(HNM) - Ba Vì những ngày này lạnh hơn nội đô nhiều, những ngôi làng cheo leo bên sườn đồi nghi ngút khói. Chút bảng lảng sương chiều khiến bức họa đồng quê như níu giữ bước chân khách lãng du.

Cuộc hành trình đến với làng Phú An của xã Thái Hòa, nơi có nhiều nét đặc biệt, cả về sự gian khó và nỗ lực vươn mình vượt qua hoàn cảnh của những người nông dân nơi đây đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng.

Thôn nghèo

Vượt qua gần 100km trong cái lạnh thấu xương, chúng tôi đến Phú An đầu giờ chiều, đúng lúc trưởng thôn, phó thôn và cả bí thư chi bộ vừa đi làm muộn về. Thấy chúng tôi phóng xe lên dốc, Bí thư Chi bộ thôn Phú An Chu Văn Chờ chạy từ trong nhà ra cùng với vợ và phó trưởng thôn giữ chặt xe máy lại. Ông hớt hơ hớt hải, "chết, sơ sẩy một chút là xe của nhà báo lăn xuống "vực" nhà tôi ngay". Nhìn lại mới thấy cái dốc từ dưới ngõ lên nhà dựng đứng, cao ngất ngưởng mà mình chủ quan, liều quá!

Tác phong nhanh nhẹn, không ai nghĩ Bí thư chi bộ Phú An đã ngoài bảy mươi. Ông Chu Văn Chờ bảo, Phú An vẫn còn nghèo và khó khăn lắm, đường giao thông trong thôn 90% vẫn là đường đất, ngày nắng là đường nhưng ngày mưa là vũng. Cả thôn có 106 hộ, thì 34 hộ nghèo và dù đã giảm được 6% so với năm 2009 nhưng toàn thôn vẫn có 34% hộ nghèo, trên 20% hộ cận nghèo. Phú An - cái tên thật đẹp nhưng bao năm qua vẫn là thôn khó khăn nhất xã, buồn lắm. Ông Chu Văn Chờ bảo, cái nghèo ở Phú An không phải do dân lười nhác hoặc không có tư duy tổ chức làm ăn. Đồng đất Phú An cằn là thế mà có khi nào đất và người được nghỉ đâu, mỗi năm 3 vụ với đủ các loại lúa, ngô, đậu tương, lạc năng suất cao. Nguyên nhân người Phú An nghèo là do hoàn cảnh bệnh tật, neo đơn và phải nuôi đông con ăn học. Ông bộc bạch, thôn giờ toàn người già, trung tuổi, đám trẻ bẻ gãy sừng trâu thì đang "cày" ở các trường ĐH, CĐ dưới trung tâm thành phố hết, nên sắp Tết rồi mà làng vắng hơ vắng hoắc.

Đầu tư cho sự học

Dân Phú An làm được một đồng thì phải tiêu hai đồng thành thử cứ chạy ăn quanh năm, cuối tháng là cả thôn căng như dây đàn vì sinh viên về hậu phương nhận tiếp tế. Các ông bố bà mẹ dành từng chục trứng, mớ rau cho con. Nhiều nhà không đủ tiền cho con "một cục" để tiêu cả tháng, đành chi theo tuần, mà không phải khoản nào cũng bằng tiền mặt, có khi phải quy đổi ra đủ loại, từ trứng, rau, gạo, ngô, khoai… Ông Chờ tính mỗi tháng, dù chi tiêu dè xẻn thì cộng tất cả các khoản từ điện nước, thuê trọ, sách vở, học phí với mức độ trượt giá phi mã như hiện nay, mỗi cháu ăn học ở trung tâm phải có 2 đến 2,5 triệu đồng/tháng. Nhà đông con đi học thì hết ngót ngét 10 triệu, nếu chỉ làm nông nghiệp thuần túy, lấy đâu ra. Giải pháp thường là vay ngân hàng chính sách, đi làm công, thiếu lại tiếp tục đi vay. Biết làm sao, bởi bán cả tấn thóc được vài triệu, mà có phải nhà ai cũng có cả tấn thóc để bán đâu. Do đó, nhiều người mẹ neo đơn phải bán cả nhà cửa, đất đai, đi ở nhờ để nuôi con ăn học.

Chúng tôi đề nghị ông Chu Văn Chờ đưa đến một vài hộ tiêu biểu, ông rút điện thoại di động ra, vừa bấm vừa bảo bà con ở đây chịu khó làm lắm, giờ này nếu không gọi trước đố mà có ở nhà, ngay cả trưởng thôn Phùng Văn Viên cũng đang đi làm mộc để nuôi 3 con ăn học đại học. Chúng tôi đến nhà ông Phùng Văn Viên. Dù đã được hẹn trước nhưng khi khách tới, ông Viên vẫn đang tranh thủ vớt từng xô nước dưới cái giếng khô không khốc lên để dùng. Lấy tay quệt mồ hôi chảy thành dòng giữa mùa đông lạnh cắt, ông cười dân Phú An nghèo về vật chất đã đành, nhưng nghèo nhất là nguồn nước sạch. Phụ nữ giờ vẫn phải còng lưng ra gánh nước, leo qua vài cái dốc về tới nhà chỉ còn quá nửa. Giờ, bà con khát nhất là nước sạch và đường giao thông. Dân muốn đóng góp để làm đường nhưng ngặt nỗi đường nội bộ dài quá, tới 4km, kinh phí lớn nên đành chịu.

Nói về chuyện nuôi con ăn học ở Phú An, ông Viên cho hay, từ năm 2005 tới nay, phong trào học tập ở thôn rất sôi nổi, tuy nghèo khó nhưng nhà nào cũng động viên các con học tập. 100% học sinh sau khi tốt nghiệp cấp ba đều thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng chính quy như, Đại học Tài chính Kế toán, Y Hà Nội, Sư phạm Hà Nội, Xây dựng… Riêng vay cho con ăn học, toàn bộ số tiền vay mượn, người cho vay không hề đòi, khi họ có điều kiện thì trả. Do có truyền thống chăm chỉ nên ở đây người nào vay mượn đều chí thú làm ăn, học hành và nhanh chóng trả nợ. Từ đó, người dân trong làng có một luật bất thành văn, hễ nhà nào có việc là cả làng xúm vào giúp, mỗi người góp một tay. Chính vì tình người nhân ái mà không khí nơi đây rất đầm ấm, yên bình. Ông Phùng Văn Viên cho biết, dù kinh tế gia đình còn khó khăn nhưng cái vui mừng nhất đối với ông là con cái đều được ăn học đến nơi đến chốn. Ở Phú An có rất nhiều tấm gương sáng về nuôi dạy con cái thành người. Như bà Phùng Thị Thái có chồng mất sớm, một mình nuôi 2 con thành đạt, hiện các cháu vừa ra trường, một đang làm nghiên cứu sinh tại Nhật Bản, một đang làm giảng viên Trường Cao đẳng Việt Hung. Hộ ông Phùng Hữu Khiên hiện có 3 con học đại học… Phú An có câu cửa miệng khi đưa con đi thi đại học: Thi là đỗ.

Người nông dân ở đây đang chuẩn bị đón một cái Tết mà như cách nói dí dỏm của họ, "cái Tết của thời kỳ quá độ". Chứ vài năm nữa thôi, Phú An thành làng kỹ sư, bác sỹ, kế toán… rồi thì cái nghèo sẽ không còn nữa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sự hiếu học ở Phú An

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.