(HNMO) - Theo thống kê của Bộ Xây dựng, để sản xuất 1 tỷ viên gạch đất sét nung có kích thước tiêu chuẩn sẽ tiêu tốn khoảng 1,5 triệu m3 đất sét, tương đương 75ha đất nông nghiệp, và 150.000 tấn than, thải ra khoảng 0,57 triệu tấn khí CO2, gây hiệu ứng nhà kính và các khí thải độc hại khác gây ô nhiễm môi trường.
Theo đó, nếu cứ kéo dài tình trạng trên, Việt Nam sẽ bị mất đất canh tác, tiêu tốn hàng triệu tấn than mỗi năm, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Do đó, việc từng bước triển khai thay thế gạch đất sét nung bằng vật liệu xây không nung sẽ đem lại nhiều hiệu quả tích cực về mặt kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường, đồng thời sẽ hạn chế các bất lợi trên, ngoài ra còn giúp tiêu thụ một phần đáng kể phế thải các ngành khác như: nhiệt điện, luyện kim, khai khoáng… góp phần tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, giảm chi phí xử lý phế thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hướng tới một đất nước phát triển bền vững.
Ngày 5/5, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng, Hội Vật liệu xây dựng và Viện Vật liệu xây dựng đã phối hợp tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề: Các giải pháp đầu tư, sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung thay thế gạch đất sét nung.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, tại Hội nghị Berlin - Đức năm 2000, các chuyên gia đã thống nhất khái niệm phát triển đô thị bền vững là: “Nâng cao chất lượng cuộc sống đô thị bao hàm việc phát triển kinh tế, văn hoá, chính trị, xã hội và hài hoà môi trường sinh thái mà không để lại gánh nặng cho thế hệ mai sau. Gánh nặng ở đây được hiểu là hậu quả của các khoản nợ khổng lồ và cạn kiệt tài nguyên. Mục tiêu là nhằm hướng tới sự cân bằng trong sử dụng tài nguyên và năng lượng với tiềm năng tài chính thể hiện vai trò quan trọng của nó trong việc ban hành các chính sách về phát triển đô thị của mỗi quốc gia”.
Do vậy chính sách phát triển bền vững đối với ngành vật liệu xây dựng đã được xác định trong Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 121/2008/QĐ-TTg ngày 29/8/2008. Để thực hiện quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ đã nêu trong Quyết định, Bộ Xây dựng đã xây dựng “Chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung đến năm 2020” và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010.
Mục tiêu chung của chương trình là phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung để thay thế gạch đất sét nung, tiết kiệm đất nông nghiệp, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, giảm thiểu khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm môi trường, giảm chi phí xử lý phế thải của các ngành công nghiệp, tiết kiệm nhiên liệu than, đem lại hiệu quả kinh tế chung cho toàn xã hội.
Chương trình cũng đặt ra mục tiêu cụ thể phát triển sản xuất và sử dụng loại vật liệu này thay thế gạch đất sét nung đạt tỷ lệ 20-25% vào năm 2015 và 30-40% vào năm 2020.
Hằng năm sử dụng khoảng 15-20 triệu tấn phế thải công nghiệp để sản xuất vật liệu xây dựng không nung, tiết kiệm được khoảng 1.000ha đất nông nghiệp và hàng trăm ha diện tích đất chứa phế thải.
Nội dung chương trình nêu rõ, sẽ có 3 chủng loại vật liệu xây dựng không nung được phát triển sản xuất và sử dụng gồm gạch xi măng cốt liệu, gạch nhẹ và các loại gạch khác, trong đó, tỷ lệ gạch xi măng cốt liệu trên tổng số vật liệu xây không nung khoảng 74% vào năm 2015 và 70% vào năm 2020.
Gạch nhẹ chiếm tỷ lệ vào khoảng 21% vào năm 2015 và 25% vào năm 2020 trên tổng số vật liệu xây không nung. Gạch khác đạt tỷ lệ khoảng 5% từ năm 2015 trên tổng số vật liệu xây không nung.
Để chương trình được thực hiện đúng kế hoạch, Chính phủ quy định, các dự án chế tạo thiết bị sản xuất vật liệu xây không nung nhẹ và sản xuất gạch xi măng cốt liệu công suất từ 7 triệu viên/năm trở lên ngoài các chính sách ưu đãi về thuế nhập khẩu, thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi và hỗ trợ khác theo quy định hiện hành còn được hưởng ưu đãi như đối với các dự án thuộc chương trình cơ khí trọng điểm.
Từ năm 2011, các công trình nhà cao tầng (từ 9 tầng trở lên) sử dụng tối thiểu 30% vật liệu xây dựng không nung loại nhẹ trong tổng số vật liệu xây.
Để triển khai kịp thời chương trình, dưới sự bảo trợ của Bộ Xây dựng, Hội Vật liệu xây dựng, Viện Vật liệu xây dựng đã phối hợp tổ chức Hội thảo này. Nội dung chủ yếu của Hội thảo là nhằm công bố Quyết định của Thủ tướng phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung và các bài giới thiệu của các diễn giả trong nước và quốc tế.
Hội thảo là cơ hội tốt cho các đại biểu cùng chia sẻ kinh nghiệm trong và ngoài nước về công nghệ, thiết bị mới sản xuất vật liệu xây dựng không nung như: bê tông khí AAC, bê tông bọt, các tấm thạch cao, vật liệu 3D, gạch không nung từ đất bằng polymer hoá và phế thải… Thông qua hội thảo, sẽ cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý, các nhà đầu tư, tư vấn nghiên cứu thiết kế và các nhà sản xuất những thông tin mới nhất về công nghệ cũng như thiết bị mới sản xuất vật liệu xây dựng không nung hướng tới sự phát triển bền vững của ngành vật liệu xây dựng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.