(HNM) - 88% số thuốc kháng sinh tại nhà thuốc ở các thành phố được bán không theo đơn. Gần một nửa người dân thành thị mua thuốc kháng sinh mà không cần đơn của bác sĩ.
Việc mua thuốc kháng sinh cần tuyệt đối có sự chỉ định của bác sĩ.Ảnh: Thanh Hải |
Số liệu đáng báo động này cũng như phân tích của các chuyên gia y tế tại hội thảo "Probiotics trên các bệnh lý tiêu hóa - hiện tại và tương lai" vừa được tổ chức tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cho thấy, việc tự ý sử dụng kháng sinh không đúng cách của người dân dẫn tới nhiều hậu quả ngoài mong muốn, trong đó có bệnh tiêu chảy.
49,7% người dân thành thị "tự kê đơn" kháng sinh
Có một thực tế dễ thấy là người Việt Nam có thói quen sử dụng kháng sinh không đúng cách, hễ ốm là tự ra hiệu thuốc mua kháng sinh về để uống, không nhiễm khuẩn cũng dùng. Tình trạng dùng kháng sinh không phù hợp, không đúng liều lượng, hàm lượng diễn ra khá phổ biến.
Tại chuỗi hội thảo giới thiệu thuốc Enterogermina do Công ty TNHH Sanofi Anventis Việt Nam tổ chức với chủ đề " Probiotics trên các bệnh lý tiêu hóa - hiện tại và tương lai", PGS.TS.BS Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ nhiệm bộ môn Nhi - Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh cho biết, theo kết quả khảo sát được thực hiện tại 2.953 nhà thuốc trên phạm vi toàn quốc, số kháng sinh được bán ra mà không có đơn thuốc do bác sĩ kê chiếm tỷ lệ 88% ở khu vực thành thị và 91% ở nông thôn. Số liệu khảo sát phần nào cho thấy tình trạng lạm dụng kháng sinh ở nước ta đã ở mức đáng báo động. Cũng theo kết quả khảo sát nói trên, có 3 loại kháng sinh được bán và mua nhiều nhất, bao gồm ampicillin/amoxicillin (chiếm 29,1%), cephalexin (12,2%) và azithromycin (7,3%).
Tình trạng lạm dụng kháng sinh đã gây ra nhiều hậu quả, tạo ra gánh nặng không chỉ đối với người bệnh, mỗi gia đình mà còn cho toàn xã hội. Những hậu quả và gánh nặng có thể kể đến ở đây là vi khuẩn kháng thuốc ngày càng nhiều, kháng sinh "thế hệ một" gần như không còn được sử dụng, thậm chí, một số loại kháng sinh "thế hệ mới" cũng mất dần hiệu lực… Điều đáng nói là theo các chuyên gia y tế, hiện tượng tiêu chảy liên quan tới kháng sinh là một trong những gánh nặng khó nhận biết. Đây cũng là một trong những tác dụng ngoài ý khá phổ biến của hầu hết các loại kháng sinh, trong đó, tác động đáng kể nhất của việc dùng kháng sinh vô tội vạ là gây rối loạn hệ vi khuẩn bình thường tại đường ruột.
Làm gì để phục hồi hệ vi khuẩn đường ruột?
Tiêu chảy liên quan đến kháng sinh không chỉ gây khó chịu cho người bệnh, ảnh hưởng đến sự hấp thụ các chất dinh dưỡng mà còn khiến thời gian điều trị bị kéo dài, làm tăng chi phí chăm sóc y tế, tăng nguy cơ nhiễm khuẩn trong tương lai và tăng tỷ lệ tử vong. Biện pháp điều trị thông thường với bệnh tiêu chảy do kháng sinh là ngừng sử dụng loại thuốc này nếu bệnh nhân vẫn đang trong giai đoạn dùng chúng. Tuy nhiên, điều này có thể làm gián đoạn lộ trình điều trị, ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị bệnh lý nhiễm khuẩn nền, dẫn đến kéo dài thời gian nằm viện và gia tăng chi phí điều trị.
Những khó khăn nói trên tạo ra thách thức đối với ngành Y tế và giới chuyên gia, đặt ra câu hỏi là làm thế nào để khắc phục tình trạng tiêu chảy liên quan đến kháng sinh trong điều trị bệnh. Liên quan đến việc này, ngày càng có nhiều nghiên cứu cũng như bằng chứng cho thấy lợi ích của việc bổ sung probiotics, hay còn gọi là men vi sinh đối với các bệnh lý đường tiêu hóa này, đặc biệt là về khả năng của probiotics trong việc gây ức chế các vi khuẩn gây bệnh, tăng cường hoạt động cho hệ vi khuẩn bình thường tại ruột.
Chia sẻ về điều nói trên, GS Antonio Gasbarrini, Giám đốc Phân khoa Nội và Tiêu hóa (Bệnh viện Đại học Gemelli - Italia) cho biết, trong đường ruột của chúng ta, hệ vi khuẩn đường ruột hoạt động giống như một cơ quan. Hệ vi khuẩn đó có thể bị tổn thương bởi một số yếu tố, đặc biệt là kháng sinh. Với sự tổn thương của hệ vi khuẩn đường ruột do sử dụng kháng sinh, probiotics có vai trò giúp phục hồi lại hệ vi khuẩn đường ruột. Khi đó, hệ vi khuẩn đường ruột sẽ khôi phục chức năng làm khỏe mạnh hệ miễn dịch và chống được sự xâm nhập của vi khuẩn gây bệnh.
Tuy nhiên, sử dụng loại probiotics nào, sử dụng ra sao là vấn đề cần được phân tích thấu đáo. Theo TS.BS Phạm Hùng Vân, Chủ tịch Hội Sinh học phân tử Việt Nam, tiêu chuẩn quan trọng nhất của probiotics là số lượng vi khuẩn phải đạt 2 tỷ bào tử cho một lần uống. Và cũng cần xem xét nhà sản xuất có thực sự nghiêm túc trong việc bảo đảm các tiêu chuẩn này như những tuyên bố đã được đưa ra hay không.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.