(HNM) - Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Quyết định số 206/QĐ-TTg ngày 11-2-2021 phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số ngành Thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Đây là bước đi chiến lược, nhằm nâng cao năng lực hoạt động của các thư viện, thúc đẩy phát triển hệ thống thư viện thông minh, sử dụng hiệu quả nguồn tri thức số hỗ trợ học tập, nghiên cứu và giải trí cho người dân.
Để đạt được mục tiêu này, những người hoạt động trong lĩnh vực thư viện phải vượt qua không ít thách thức, như việc đầu tư công nghệ thông tin, trang thiết bị để số hóa tài liệu chính xác, bài bản, nhất là các tài liệu cổ, quý hiếm và bộ sưu tập tài liệu có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học…
Song, theo những người trong nghề, khó khăn nhất là đưa được tài liệu số phục vụ hiệu quả cho cộng đồng. Đơn cử như việc có nhiều tài liệu, sách, truyện… chỉ được các đối tác, đơn vị xuất bản cung cấp bản quyền phục vụ bản in, chưa phục vụ bản điện tử; hay nguy cơ nguồn tài nguyên thư viện bị sao chép lậu…
Những điều này đòi hỏi hệ thống thư viện phải có sự phát triển đồng bộ, có chương trình tích hợp, kết nối, liên thông, chia sẻ cơ sở dữ liệu, trao đổi tài nguyên thông tin số, mua bán bản quyền số giữa các thư viện, người cung cấp dữ liệu trong nước và nước ngoài, đồng thời tăng cường ứng dụng và phát triển hệ thống bảo mật, bảo đảm an toàn, an ninh mạng trong quá trình khai thác tài liệu số…
Cùng với đó, những người làm công tác thư viện cần được đào tạo, đào tạo lại, phải cập nhật kiến thức, kỹ năng vận hành thư viện hiện đại, đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin của người dân, đồng thời quản lý tốt kho dữ liệu thư viện... Có như vậy mới thực hiện tốt chương trình chuyển đổi số ngành Thư viện.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.