Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sự đột phá trong cải cách hành chính

Hiền Chi| 01/01/2010 10:58

(HNM) - Năm 2009, TP Hà Nội tiếp tục có nhiều biện pháp thúc đẩy công tác cải cách hành chính (CCHC). Trong đó, việc kiểm tra đột xuất công tác giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) thông qua bộ phận "một cửa", "một cửa liên thông" được tiến hành liên tục, có "hậu kiểm", đã phát huy tác dụng tốt. Nhân dịp năm mới, ông Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng đoàn kiểm tra công tác giải quyết TTHC của TP đã trao đổi với phóng viên báo Hànộimới về vấn đề này.

- Việc kiểm tra đột xuất công tác giải quyết TTHC trên địa bàn TP đã phát huy tác dụng ra sao, thưa ông?

- Kiểm tra đột xuất, không báo trước thời gian và đơn vị kiểm tra đã tránh được tình trạng các đơn vị có sự chuẩn bị trước, vì vậy phản ánh đúng thực chất công tác CCHC của các đơn vị và mặt bằng CCHC của TP. Việc kiểm tra đã góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ các cơ quan hành chính nhà nước, được công luận và các cơ quan, đơn vị được kiểm tra đồng tình, ủng hộ.

Tiếp nhận và giải quyết hồ sơ tại bộ phận “một cửa” quận Tây Hồ. Ảnh: Linh Tâm

- Ông đánh giá thế nào về mặt bằng CCHC của TP hiện nay?

- Việc thực hiện CCHC ở một số đơn vị xa trung tâm TP bị chậm so với mặt bằng chung và không phải là tất cả những đơn vị thuộc TP đã làm tốt. Có những đơn vị chỉ tốt bề nổi. Thời gian tới, đơn vị nào đã được đánh giá là làm tốt công tác CCHC phải tiếp tục làm tốt hơn, đi sâu vào bản chất công việc. Những đơn vị chậm hơn phải có những biện pháp thúc đẩy để tương xứng với mặt bằng chung. Sở Nội vụ sẽ cử chuyên gia giúp hoặc mời trưởng phòng nội vụ các đơn vị lên tư vấn cách triển khai bài bản. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất để kéo các đơn vị chậm về CCHC tiến lên với mặt bằng chung của TP phải là nhận thức, sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các đơn vị đó.

- Qua kiểm tra, việc thực hiện trách nhiệm của cán bộ, công chức các cơ quan hành chính thuộc TP trong chấp hành chính sách, pháp luật, các quy định liên quan đến việc giải quyết TTHC đã có chuyển biến như thế nào?

- Trước tiên, phải khẳng định, từ cuối năm 2008 và trong năm 2009 TP vẫn cho thành lập đoàn kiểm tra liên ngành (Sở Nội vụ, Sở Tư pháp, Thanh tra, Thi đua - Khen thưởng…) với phương pháp kiểm tra đột xuất việc giải quyết TTHC trên địa bàn là một chủ trương đúng, cần duy trì thường xuyên để khắc phục thiếu sót, nhược điểm và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân.

Qua kiểm tra gần 30 đơn vị quận, huyện, xã, phường và sở, ngành cho thấy: hầu hết đơn vị đều đã tổ chức thực hiện cơ chế "một cửa" khá nghiêm túc, bố trí địa điểm thuận lợi; bố trí cán bộ thường trực tiếp dân; lập sổ theo dõi việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ hành chính; niêm yết công khai các danh mục, quy trình giải quyết TTHC, phí và lệ phí... Tuy nhiên, vẫn có đơn vị thực hiện còn hạn chế và hình thức. Đoàn đã phát hiện nhiều nội dung liên quan đến CCHC thông qua bộ phận "một cửa", "một cửa liên thông" cần chỉnh sửa và rút kinh nhiệm để làm tốt hơn. Kết thúc mỗi buổi kiểm tra, đoàn đều có kết luận ngay, chỉ ra những sai sót, yêu cầu đơn vị kiểm điểm, nghiêm túc rút kinh nghiệm, sớm chỉnh sửa và có báo cáo lại với Sở Nội vụ để đề nghị các cấp xem xét. Đây chính là động lực để cán bộ làm tốt hơn nhiệm vụ của mình.

- Hầu hết các đơn vị đều kiến nghị cho tăng biên chế để đáp ứng yêu cầu công việc, trong khi TP đang thực hiện tinh giản bộ máy hành chính nhà nước ở các cấp. Theo ông, phải điều chỉnh thế nào để giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa nhân sự với hiệu quả công việc?

- Biên chế công chức hành chính là do Bộ Nội vụ giao. Theo Quyết định số 93/2007/QĐ-TTg ngày 22-6-2007 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" trong giải quyết công việc của tổ chức, cá nhân tại các cơ quan quản lý hành chính nhà nước thì các đơn vị phải lấy biên chế có sẵn, còn nếu sử dụng cán bộ hợp đồng phải tiếp tục đào tạo, nâng cao trình độ. Việc các đơn vị luôn kêu vướng mắc, thiếu nhân sự gần như đã trở thành việc "muôn thuở", nhưng nếu thực sự biết bố trí cán bộ thì sẽ không thiếu nhân sự làm việc. Càng không phải vì thiếu biên chế mà ảnh hưởng tới chất lượng "một cửa". Điều cốt yếu là lãnh đạo cấp ủy và chính quyền đơn vị phải quan tâm thì CCHC mới có thể là khâu đột phá.

- Nét mới của việc kiểm tra đột xuất trong năm qua là đã tiến hành "hậu kiểm". Vậy các đơn vị tiếp thu như thế nào sau khi đoàn có kết luận trong lần kiểm tra trước?

- Đoàn đã tiến hành "hậu kiểm" 2 phường Cống Vị và Thành Công (Ba Đình). Kết quả cho thấy, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các đơn vị có thái độ tiếp thu nhanh và đáp ứng được yêu cầu. Cơ bản 2 phường đã khắc phục được những nhược điểm đoàn chỉ ra trong lần kiểm tra trước. Cụ thể: phường Thành Công đã thực hiện được 5/5 điều đoàn kiểm tra yêu cầu trong lần kiểm tra trước; phường Cống Vị đã nghiêm túc thực hiện tất cả các lĩnh vực thuộc thẩm quyền tại "một cửa"… Đặc biệt, trong việc kiểm tra đột xuất và "hậu kiểm" đoàn luôn nhắc các đơn vị cập nhật quy định mới và niêm yết công khai, tránh để người dân phải đi lại nhiều lần. Chẳng hạn như trong quy định của Nghị định 79/CP về chứng thực đã quy định là nhận hồ sơ trong buổi trả trong buổi nhưng nhiều nơi vẫn niêm yết thông tin từ quy định cũ là trả sau 4 tiếng. Đoàn đã yêu cầu các đơn vị bỏ niêm yết của quy định cũ và cố gắng giải quyết cho người dân trong một buổi theo đúng quy định mới.

- Ông đánh giá như thế nào về việc báo chí tham gia cùng đoàn kiểm tra đột xuất trong thời gian qua?

- Thực tế cho thấy, báo chí thời gian qua đã tích cực đăng tải thông tin về các lĩnh vực nói chung và đặc biệt là thông tin về CCHC để các đơn vị và người dân nắm được. Từ đó, các cấp chính quyền đã quan tâm, chỉ đạo các đơn vị khắc phục ngay những hạn chế, khuyết điểm. Điều đó cho thấy báo chí không những thông tin nhanh nhạy, kịp thời mà còn là công cụ đắc lực góp phần nâng cao chất lượng CCHC. Đoàn đang kiến nghị TP năm 2010 tiếp tục cho duy trì đoàn kiểm tra theo Kế hoạch số 26/KH-UBND ngày 9-3-2009 của UBND TP về kiểm tra công tác giải quyết TTHC để thúc đẩy, nâng cao hiệu quả CCHC. Sang năm, đoàn sẽ kiện toàn để bảo đảm đầy đủ thành phần, đồng thời chủ trương mời rộng các báo cùng tham gia.

- Xin cảm ơn ông!

Năm 2009, đoàn kiểm tra theo Kế hoạch số 26/KH-UBND, ngày 9-3-2009 của UBND TP về kiểm tra công tác giải quyết TTHC đã tiến hành kiểm tra 27 cuộc: 8 UBND cấp quận, huyện (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đông Anh, Thạch Thất, Hà Đông, Sơn Tây, Mê Linh, Thanh Xuân), 16 UBND cấp phường, xã (trong đó thực hiện "hậu kiểm" 2 phường) và bộ phận "một cửa liên thông" giải quyết TTHC đăng ký kinh doanh, cấp mã số thuế, đăng ký sử dụng con dấu của Sở Kế hoạch Đầu tư - Cục Thuế - Công an TP Hà Nội tại 16 Cát Linh, Hà Nội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sự đột phá trong cải cách hành chính

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.