(HNM) - Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước khi đổi mới nền kinh tế nước nhà. Có không ít thành tựu đạt được, bài học kinh nghiệm "xương máu" cũng như những thay đổi thích nghi với tình hình mới là việc làm cần thiết trong bối cảnh chúng ta đang tổng kết thành tựu của 30 năm đổi mới.
Về vấn đề này, Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với GS - TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.
Điều hành chính sách chưa linh hoạt
- Thưa Giáo sư (GS), sau gần ba thập kỷ nước ta mở cửa thu hút FDI, với tư cách là một trong những người đầu tiên tham gia soạn thảo, trực tiếp chỉ đạo thực hiện các chủ trương của Nhà nước về đầu tư nước ngoài - ĐTNN (tính từ khi Luật ĐTNN có hiệu lực từ năm 1987), theo ông, chúng ta đã thu được những kết quả quan trọng gì?
|
GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. |
- Thực chất chúng ta bắt đầu đẩy mạnh thu hút vốn FDI từ năm 1991 vì giai đoạn 1988 - 1990 là quãng thời gian "khởi động" nên quá trình hút vốn FDI thực chất chỉ là 24 năm và chúng ta cũng đạt những kết quả khả quan.
Theo Bộ KH&ĐT, tính đến ngày 20-7-2014, tổng vốn đăng ký các dự án FDI còn hiệu lực trên cả nước là 242 tỷ USD. Tính bình quân số vốn đăng ký mỗi năm là 10 tỷ USD, tương đương các nước trong khu vực. Vốn thực hiện trên thực tế quãng thời gian này là 120 tỷ USD/năm (5 tỷ USD/năm), trong đó giai đoạn 1991-2000 chỉ đạt khoảng 2,5 tỷ USD/năm và thời gian gần đây đã lên tới 8-10 tỷ USD/năm, dự báo có thể đạt 12 tỷ USD vào năm nay. Điều đáng quan tâm là dòng vốn ấy chiếm tới 25% tổng vốn đầu tư xã hội và nếu không có nguồn này thì cũng sẽ khó có 75% tổng vốn đầu tư xã hội trong nước chi cho phát triển bởi sẽ không kích hoạt được đầu tư tư nhân và thu ngân sách nhà nước để tham gia đầu tư công. Dòng vốn FDI cũng giúp hình thành một số ngành công nghiệp mũi nhọn mới, gồm: Lọc hóa dầu, ô tô, xe máy, điện tử, hóa chất... Sản xuất của khối FDI đã chiếm tới 45% tổng sản phẩm xã hội, 60% kim ngạch xuất khẩu với chất lượng tốt hơn các khu vực kinh tế khác, góp phần đáng kể thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gia tăng kim ngạch xuất khẩu và bắt đầu xuất siêu. Xét trên bình diện địa phương thì các tỉnh, thành phố có vốn FDI lớn như Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh… đã thay đổi rất nhanh cơ cấu kinh tế trên địa bàn, nâng cao đời sống dân sinh.
- Nhìn lại chặng đường thu hút FDI hơn hai thập kỷ qua, GS có cho rằng đôi khi vì sự chậm trễ trong các quyết sách, đặc biệt là thủ tục hành chính (TTHC) mà chúng ta đã bỏ lỡ cơ hội thu hút các dòng vốn lớn?- Khuyết điểm lớn nhất là giữ quá lâu chính sách thu hút FDI. Thời kỳ đầu còn khó khăn, chúng ta thu hút vào bất kỳ ngành nghề gì, kể cả những dự án có vốn 100.000USD. Cách đây khoảng 10 năm, rõ ràng chúng ta có tiềm lực khá hơn nhưng chậm thay đổi vì mới chú trọng vào số lượng chứ chưa phải chất lượng các dự án FDI. Ngoài ra, chúng ta làm rất nhiều về môi trường nhưng các chỉ số sau đánh giá rất không tốt.
Hai hạn chế trên đây theo tôi không phải là do thể chế kinh tế thị trường mà là cách tiếp cận của nền hành chính không theo kịp xu hướng phát triển. Chúng ta cứ hô hào chung chung là cắt giảm 30% TTHC nhưng cắt thủ tục này thì người ta sẵn sàng "đẻ" thêm các thủ tục tương tự. Mới đây, Thủ tướng đã phải đưa ra mệnh lệnh cắt giảm thời gian nộp thuế, làm thủ tục hải quan xuống ngang bằng các nước ASEAN vào năm 2015 là rất cần thiết.
- Góp phần quan trọng vào tiến trình phát triển đất nước, nhưng các doanh nghiệp (DN) FDI cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế, trong số đó điều gì theo GS là đáng ngại nhất?- Tôi đã phát biểu rất nhiều trên các diễn đàn rằng, toàn bộ các hạn chế nói cho cùng là con người. Trong đó, tôi thấy nổi lên ba vấn đề quan trọng cần phải làm rõ, làm quyết liệt. Trước hết là các "tư lệnh ngành" không chọn được một êkíp làm việc tin cậy, có tư duy hành động phù hợp với xu thế hiện đại thì vô phương. Bạn có thể thấy nhiều vị bộ trưởng trước đây bị "chê" nhưng nay hiệu quả công việc đã minh chứng ngược lại. Tiếp đến, các vị Chủ tịch UBND cấp tỉnh mà quan liêu, không có tầm nhìn chiến lược thì cũng khó thay đổi. Cuối cùng, đội ngũ công chức nhà nước, thủ trưởng các cơ quan đừng vô cảm với người dân, DN. Nếu ai không làm được việc thì cần phải kỷ luật và công bố công khai.
Xem lại khâu phân cấp phê duyệt dự án FDI- Tại nhiều cuộc họp, GS cho rằng, việc phân cấp thẩm định và cấp giấy phép các dự án FDI đã hạn chế. Cụ thể điều đó là gì?- Vừa rồi nhiều địa phương rất dễ dãi trong việc lựa chọn dự án, nhà đầu tư nào vào cũng tiếp đãi trọng thị nhưng không tính đến các khả năng có thể hấp thụ từ cả hai phía (địa phương, nhà đầu tư) và cuối cùng có dự án 4-5 tỷ USD chỉ mấy tháng sau phê duyệt đã bị rút giấy phép, ảnh hưởng lớn đến uy tín của môi trường đầu tư của Việt Nam với thế giới. Cho nên, quyền lựa chọn dự án là điều không bao giờ chúng ta được bỏ qua. Chúng ta tôn trọng nhà đầu tư nhưng không có nghĩa bằng mọi giá, nhất là trong điều kiện hiện nay chúng ta cần chất lượng đầu tư chứ không phải số lượng.
- Vậy theo GS, hướng giải quyết vấn đề phân cấp ra sao để việc thu hút FDI hài hòa lợi ích quốc gia và lợi ích địa phương?- Vấn đề phân cấp quản lý đối với FDI được đặt ra để xem xét nhưng không dễ thay đổi bởi các lý do. Trước hết, về tâm lý lãnh đạo địa phương muốn mở rộng phân cấp, không muốn "trả lại" Chính phủ quyền hạn và trách nhiệm đã được giao từ năm 2006. Ngoài ra, từ khi được phân cấp mặc dù đã xảy ra nhiều vụ vi phạm của một số địa phương do vượt quá thẩm quyền, nhưng chỉ được "nhắc nhở", chưa có cá nhân nào bị xử lý. Ở chiều ngược lại, lãnh đạo trung ương thường "chiều lòng" các tỉnh, thành phố, nhất là trong dịp đi thăm các địa phương, dễ chấp nhận và quyết định tại chỗ kiến nghị về xin thêm vốn, kinh phí, quyền hạn mà chưa cân nhắc lợi ích toàn cục. Kết quả là "lạm phát" cảng hàng không, cảng biển, trường đại học và cao đẳng, dẫn tới đầu tư dàn trải, kém hiệu quả.
Để bảo đảm lợi ích quốc gia trong thu hút FDI thì cần tiến hành điều tra về chủ trương phân cấp thực hiện từ năm 2006 đến nay để có phương án điều chỉnh hợp lý, nhằm phát huy được tính sáng tạo của địa phương, bảo đảm tính thống nhất luật pháp, nâng cao hiệu năng quản lý nhà nước. Do đó, tôi đề xuất ba phương án. Trước hết là cần điều chỉnh hợp lý quy định phân cấp cho chính quyền địa phương. Đối với những dự án quan trọng như: Điện năng, giao thông, công nghiệp chế tạo có vốn đầu tư từ 50 triệu USD trở lên thì Bộ KH&ĐT sẽ cấp phép sau khi có ý kiến của các bộ, ngành. UBND tỉnh, thành phố, ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất cấp phép các dự án quy mô vừa dưới 50 triệu USD. Tiếp đến là điều chỉnh một phần quy định phân cấp cho địa phương, có cơ chế đặc thù cho Hà Nội và TP Hồ Chí Minh theo hướng giữ nguyên quy định phân cấp hiện tại. Còn các tỉnh, thành phố thì thực hiện theo phương án đầu tiên. Cuối cùng là giữ nguyên quy định hiện hành với điều kiện quy hoạch ngành, lĩnh vực gắn với quy hoạch vùng và địa phương được công bố công khai.
- Có thực tế là rất ít DN nước ngoài hài lòng với vấn đề xây dựng ngành công nghiệp hỗ trợ ở nước ta. Theo GS, tình trạng này có nguyên nhân từ đâu dù bất cập này đã được nêu ra từ hàng chục năm trước?- Hiện 85% vốn FDI vào Việt Nam dưới dạng DN 100% vốn nước ngoài. Đây vừa là xu hướng tất yếu, đồng thời cũng là nhược điểm vì sức lan tỏa của khu vực DN này tới xã hội chậm. Ví dụ: Chỉ có 7/93 DN trong nước, chủ yếu là sản xuất bao bì, tham gia vào chuỗi sản xuất của Samsung tại Việt Nam. Con số ít ỏi đó cho thấy chính sách liên kết giữa DN FDI và DN trong nước đang khiếm khuyết và thời gian dài chúng ta nói khuyến khích nhưng vấn đề vẫn không thay đổi. Công nghiệp hỗ trợ kém đồng nghĩa với việc không đạt mục tiêu tiếp cận và làm chủ công nghệ. Vì vậy, theo chủ trương Chính phủ là phải quyết liệt khắc phục nhược điểm này càng sớm càng tốt.
Cải cách để đón "làn sóng" FDI mới- Vừa rồi GS có nhắc đến vấn đề không nên đánh giá thấp môi trường đầu tư của Việt Nam. Ông có thể phân tích rõ hơn quan điểm này được không?- Một số người căn cứ vào con số đăng ký qua 7 tháng năm 2014 chỉ đạt 80% so với cùng kỳ năm 2013 để nói vốn FDI đang chững lại và môi trường đầu tư của chúng ta "có vấn đề". Tôi thì không nghĩ vậy vì vốn thực hiện 7 tháng qua tăng 2% so với cùng kỳ, dự báo vốn thực hiện cả năm sẽ khoảng 10-12 tỷ USD, tăng 5-7% so với năm 2013.
Tôi không đồng quan điểm với một số người rằng chúng ta chỉ có lợi thế nhân công dồi dào, giá rẻ, mức chi trả thấp. Tất cả các động thái trong hai năm 2013, 2014 cho chúng ta thấy đánh giá về tiềm năng lao động Việt Nam khác xa so với trước. Gần đây, tôi có làm việc với Samsung, Intel trong các dự án lớn ở Thái Nguyên, Bắc Ninh, TP Hồ Chí Minh thì thấy họ đánh giá khác. Tổng Giám đốc Samsung cho biết, có hơn 40.000 công nhân đang làm việc cho DN này tại Việt Nam nhưng số người bị đuổi việc mấy năm qua chỉ đếm trên đầu ngón tay. Intel cũng vừa chuyển nhà máy ở Costa Rica về Việt Nam, đưa nước ta trở thành công xưởng lớn nhất của hãng này trong thời gian tới. Nói vậy để thấy, các nhà đầu tư đang đánh giá cao trình độ lao động Việt Nam.
- Người ta đã nói đến các "siêu dự án" được cấp phép trong thời gian tới, GS có chia sẻ thêm gì về vấn đề này?- Đúng là chúng ta cần nhìn nhận có một số sự dịch chuyển nhất định. Cụ thể: Năm 2006, Intel - nhà đầu tư công nghệ cao hàng đầu tại Mỹ - rót vốn vào dự án 1 tỷ USD tại TP Hồ Chí Minh. Lúc đầu rất băn khoăn về khả năng người Việt có thể tiếp cận với công nghệ cao, nhưng đến nay họ đã có cái nhìn khác và việc chuyển nhà máy từ Costa Rica về Việt Nam là minh chứng rõ nhất. Tiếp đến, Samsung vào Việt Nam từ năm 2007 với số vốn 650 triệu USD, hiện là 4,5 tỷ USD, gần đây họ mới thêm dự án 1 tỷ USD tại Bắc Ninh và sắp tới 1 tỷ USD nữa cũng sẽ được rót vào TP Hồ Chí Minh. Samsung có trao đổi với tôi về khả năng đầu tư vào Nha Trang (Khánh Hòa) dự án đóng tàu, vào Đồng Nai dự án sân bay và bệnh viện, nâng vốn đầu tư của Samsung tại Việt Nam lên 13 tỷ USD trong giai đoạn 2016-2017, tạo việc làm trực tiếp cho khoảng 130.000 lao động. Với nền chính trị ổn định, thời gian cấp phép, triển khai dự án rất nhanh rõ ràng chúng ta đang được đối tác đánh giá cao.
Tiếp đến, tiềm năng của lao động Việt Nam cũng đang được tin cậy và Samsung sẽ đầu tư một trung tâm nghiên cứu lớn nhất của họ tại nước ngoài (hiện nay nằm tại Ấn Độ) vào Hà Nội với quy mô lao động khoảng 2.000 người. Sự dịch chuyển dòng vốn từ thương mại truyền thống sang lĩnh vực công nghệ cao rất đáng để suy nghĩ.
- Việt Nam sẽ phải làm gì để đón "làn sóng" này?- Chúng ta phải thừa nhận thực tế là thế giới đang thay đổi rất nhanh và Việt Nam ngày càng hội nhập sâu với kinh tế khu vực cũng như toàn cầu. Do đó, những công việc phải đề cập đến trước tiên là có những điều chỉnh chính sách phù hợp, trong đó có vấn đề thu hút FDI, trước ngưỡng cửa một cộng đồng kinh tế ASEAN hình thành vào năm 2015, khả năng đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) và một số đối tác lớn khác kết thúc. Chúng ta phải tiếp cận tư duy phát triển mới, tức là phải biết lựa chọn dự án FDI nào cần cho đất nước, cho địa phương. Đã qua lâu rồi thời kỳ dự án nào cũng duyệt mà phải biết lựa chọn phần việc nào DN trong nước làm được thì phải để họ làm. Thứ hai: Bộ máy công quyền từ trung ương tới địa phương và mỗi người trong hệ thống đó cũng phải nhìn nhận việc thay đổi là phải hằng ngày, thường xuyên chứ không phải là "trên ép, dưới thay đổi" để chuyển sang nền hành chính phục vụ thì mới có thể thích hợp với xu hướng của một xã hội phát triển. Một điểm quan trọng khác là làm thế nào để người dân được thụ hưởng những thành quả của hội nhập quốc tế, trong đó có thu hút FDI.
- Xin trân trọng cảm ơn giáo sư!