Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sự cố và văn hóa ứng xử của nhà cung cấp nước

Trung Nguyên| 04/04/2014 05:50

(HNM) - Chiều 1-4, đường ống nước sạch sông Đà về Hà Nội lại bị vỡ. Sự cố làm gián đoạn việc cung cấp nước cho khoảng 70.000 hộ dân tại các quận Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Từ Liêm. Ngoài ra, các hộ dân khu vực quận Đống Đa cũng chịu ảnh hưởng do Công ty Nước sạch Hà Nội - nhà cung cấp nước cho địa bàn này - sử dụng khoảng 60.000m3/ngày đêm từ hệ thống cấp nước sông Đà.

Đây đã là lần thứ năm đường ống nước sạch sông Đà bị sự cố và cũng từng đó lần có hàng vạn hộ dân bị đảo lộn cuộc sống.

Khác với ở nông thôn, tại khu vực đô thị, mỗi lần có sự cố nước là một lần người dân phải chịu một cuộc "khủng hoảng" ngắn ngày. Ngay sau khi xảy ra sự cố lần thứ năm, cũng như bốn lần trước, các hộ dân đều phải tự xoay xở tìm kiếm nước để phục vụ nhu cầu sinh hoạt: Nhiều gia đình phải "di tản" đến nhà họ hàng, người quen; cũng không ít hộ phải đặt xe chở nước về nhà... Sinh hoạt của người dân bị ảnh hưởng đã đành, các nhà hàng, cơ sở làm dịch vụ cũng khổ sở bởi thiếu nước, không thể kinh doanh. Và cũng như những lần trước, nguyên nhân ban đầu được doanh nghiệp quản lý phân trần là tại nền đất yếu gây lún sụt dẫn đến vỡ đường ống. Tuy nhiên, cách giải thích này của nhà cung cấp dường như không thỏa đáng và không được dư luận chấp nhận. Rất nhiều người đã đặt câu hỏi nghi vấn về chất lượng toàn bộ công trình, đặc biệt có ý kiến nghi ngờ về tính hợp lý của vật liệu làm đường ống. Ngày 3-4, Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) đã kiểm tra hiện trường xảy ra sự cố để làm rõ nguyên nhân.

Điều đáng nói ở đây là ứng xử của nhà cung cấp - Công ty CP Nước sạch Vinaconex. Ngay trong chiều 1-4, công ty đã có văn bản thông báo sự cố, song thông tin này đã không được chuyển đến người sử dụng nước - là khách hàng của họ - một cách đầy đủ. Rất nhiều hộ dân không hề hay biết về sự cố, dẫn đến không có nước để phục vụ những nhu cầu tối thiểu như đánh răng, rửa mặt, nấu nướng... Theo đại diện của công ty, đến ngày 2-4 việc cấp nước đã trở lại bình thường. Trên thực tế, đến cuối ngày 3-4, nhiều khu vực, người dân vẫn "dài cổ" ngóng nước. Với những nhà hàng, quán ăn, nhiều chủ cơ sở thậm chí phải đóng cửa, tạm dừng hoạt động.

Về mặt pháp lý, khách hàng hoàn toàn có thể khởi kiện Công ty CP Nước sạch Vinaconex để đòi bồi thường, đặc biệt là công ty đã ứng xử thiếu chuyên nghiệp khi xảy ra sự cố. Tuy nhiên, ở nước ta, dường như đây vẫn là điều mới mẻ. Nếu các hộ dân sử dụng nước cho mục đích sinh hoạt chỉ phải chịu chi phí vừa phải và sự xáo trộn đời sống trong một vài ngày thì thiệt hại của các cơ sở kinh doanh không thể đong đếm được. Ở góc độ nhà cung cấp, Công ty CP Nước sạch Vinaconex cần có lời xin lỗi tới khách hàng. Không những thế, công ty cần tìm cách để bồi thường theo "cơ chế" mềm dẻo cho người tiêu dùng. Bởi một thực tế ai cũng biết là, chỉ cần chậm nộp tiền nước, người dân sẽ dễ dàng bị ngừng cung cấp dịch vụ ngay. Vậy thì không lẽ gì công ty lại không bồi thường cho người dân khi sự cố đường ống gây mất nước, khiến sinh hoạt của người dân, các hoạt động kinh doanh, dịch vụ bị gián đoạn. Ngay cả khi "nền đất yếu sụt lún" thì nguyên nhân khách quan này cũng thuộc về phía công ty bởi khi thi công, đơn vị này phải khảo sát kỹ lưỡng địa chất và trên hết phải bảo đảm việc cung cấp nước cho khách hàng.

Mùa nóng đã cận kề. Dù nguyên nhân xảy ra sự cố vỡ đường ống là gì thì Công ty CP Nước sạch Vinaconex phải có trách nhiệm bảo đảm không để xảy ra sự cố tương tự khiến khách hàng khốn đốn. Là nhà cung cấp mặt hàng thiết yếu với đời sống người dân đô thị là nước sạch, doanh nghiệp bán hàng rất cần xác lập cung cách ứng xử chuyên nghiệp, có văn hóa kinh doanh theo cơ chế thị trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sự cố và văn hóa ứng xử của nhà cung cấp nước

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.