(HNM) - Đó là tuyên bố của Nhà Trắng ngay sau khi Thống đốc bang Louisiana (Mỹ), Bobby Jindal ban bố tình trạng khẩn cấp (ngày 29-4) trong bang vì giàn khoan dầu Deepwater Horizon ở ngoài khơi bang này - trên vịnh Mexico - bị nổ và chìm khiến hàng triệu lít dầu tràn ra biển suốt hơn một tuần qua.
Thống đốc bang B.Jindal cảnh báo phải mất hàng tỷ USD để khôi phục khu sinh thái dọc bờ biển bang Louisiana và Mississippi vì có ít nhất 10 khu vực là nơi trú ẩn của các loài động vật hoang dã đang bị dầu tràn tàn phá.
Giàn khoan bốc cháy sau khi phát nổ. |
Trong khi đó, nguy cơ lượng dầu tràn, diện tích khoảng 1.550km2, sẽ trôi thẳng vào các bờ biển lân cận bên vịnh Mexico đang ngày một tăng, do gió tại khu vực này đã bắt đầu mạnh dần lên. Cơ quan Khí quyển và Hải dương học quốc gia Mỹ (NOAA) cho biết, hình ảnh vệ tinh cho thấy phía Tây của đám dầu loang chỉ còn cách châu thổ sông Mississippi khoảng 10-11km. Bộ Y tế bang Louisiana nhận định, sức khỏe người dân sống dọc bờ biển có thể sẽ bị ảnh hưởng do hít phải mùi dầu, vì vậy, cơ quan này sẵn sàng hành động nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Ngày 21-4, giàn khoan dầu Deepwater Horizon bất ngờ phát nổ và chìm, làm ít nhất 11 công nhân thiệt mạng, gây ra sự cố tràn dầu nghiêm trọng nhất tại Mỹ trong khoảng nửa thế kỷ qua, đe dọa hệ sinh thái ở khu vực vốn đã chịu nhiều tác động của tình trạng bão lũ và xói mòn tại vùng bờ biển này. Giàn khoan bốc cháy dữ dội suốt 36 giờ trước khi chìm. Trước khi vụ nổ xảy ra, có khoảng 2,6 triệu lít dầu trên giàn khoan Deepwater Horizon với công suất 8.000 thùng dầu/ngày. Giàn khoan này dài 120m, rộng 78m, được Tập đoàn Hyundai, Hàn Quốc xây dựng năm 2001 và do Tập đoàn Dầu lửa BP (Anh) thuê khai thác.
Phó Đô đốc Mary Landry thuộc Lực lượng Bảo vệ bờ biển Mỹ ước tính, sau khi sự cố này xảy ra, mỗi ngày có tới 5.000 thùng dầu tràn ra biển, cao gấp 5 lần so với dự báo trước đây. Tuy nhiên, Giám đốc điều hành phụ trách thăm dò và khai thác của BP, ông Doug Suttles cho rằng dự báo của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Mỹ có thể không chính xác và không tin rằng lượng dầu tràn ra biển sẽ cao hơn so với dự đoán trước đó là 1.000 thùng dầu/ngày. Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ra lệnh sử dụng tất cả các nguồn lực hiện có, bao gồm cả phương tiện của quân đội, để làm sạch khu vực. Chính phủ Mỹ cho rằng, Tập đoàn Dầu lửa BP thuê giàn khoan trên phải "chịu trách nhiệm" trong thảm họa tràn dầu này và yêu cầu BP thực thi các "biện pháp ứng phó (thảm họa) mạnh mẽ nhất có thể". Quân đội Mỹ và BP đã triển khai các thiết bị xử lý dầu tràn, nhằm đẩy nhanh tiến độ khắc phục hậu quả. Tập đoàn BP khẳng định kế hoạch sử dụng công nghệ mới, rải hóa chất dưới mặt nước, sẽ làm giảm đáng kể diện tích dầu tràn; đồng thời sử dụng một tàu ngầm robot để ngăn chặn vụ rò rỉ. Nhưng tới hôm nay (3-5), BP vẫn chưa đóng được van khóa dầu tự động - chỗ dựa cuối cùng trong trường hợp giàn khoan bị hỏng. Thêm vào đó, hai ngư dân bang Louisiana đã đệ đơn kiện và đòi BP phải bồi thường cho họ hàng triệu USD thiệt hại. Như vậy, BP đang phải đối mặt với hàng loạt vụ kiện trong thời gian tới do thảm họa nổ giàn khoan dầu.
Các cơ quan cứu hộ Mỹ đang cố ngăn chặn đám dầu loang đang dạt vào đất liền. Hệ sinh thái bờ biển các bang Louisiana, Alabama và Mississippi đang bị đe dọa nghiêm trọng. Giới chức Mỹ cho rằng, nếu tình hình không được kiểm soát tốt, sự cố tràn dầu này sẽ là thảm họa "thủy triều đen" tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ (với khoảng 15,8 triệu lít dầu bị tràn ra biển) kể từ sau vụ tàu chở dầu của Hãng Exxon Valdez năm 1989 bị mắc cạn ngoài khơi Alaska và đổ hơn 40 triệu lít dầu xuống biển.
Sự cố nổ giàn khoan dầu ở một quốc gia có kỹ thuật khai thác dầu hàng đầu thế giới gióng lên hồi chuông báo động về các giàn khoan dầu trên khắp các vùng biển khi các nhà khai thác đặt "năng suất" khai thác lên trên sự an toàn của các giàn khoan.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.