(HNM) - Trong những năm gần đây, Việt Nam học là một từ khóa
Một giờ học của sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: Như Ý |
Trăm hoa đua nở
Trong năm học 2013-2014, có 85 trường CĐ và ĐH tuyển sinh ngành Việt Nam học với hơn 6.000 chỉ tiêu, trong đó có 3.000 chỉ tiêu ĐH và 3.000 chỉ tiêu CĐ; khu vực phía Bắc có 43 trường (với 3.000 chỉ tiêu), khu vực phía Nam có 42 trường (3.000 chỉ tiêu). Những trường có chỉ tiêu tuyển sinh lớn nhất là ĐH Công nghiệp Hà Nội và ĐH Văn hóa TP Hồ Chí Minh - 330 chỉ tiêu/trường; thấp nhất là CĐ Văn hóa nghệ thuật du lịch Yên Bái (25 sinh viên/năm). ĐH Đà Lạt là trường đầu tiên đào tạo Việt Nam học, đã qua 19 khóa kể từ năm 1994 tới nay, với hàng nghìn sinh viên tốt nghiệp. Mới nhất, từ năm 2009, Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG HN) bắt đầu đào tạo ngành này ở bậc cử nhân, với chuyên ngành A dành cho người Việt Nam và chuyên ngành B dành cho người nước ngoài. Đây cũng là một trong số ít cơ sở duy trì đào tạo ngành Việt Nam học cho cả sinh viên Việt Nam và người nước ngoài.
Việc đào tạo chuyên ngành Việt Nam học hiện có nhiều vấn đề nảy sinh: Cơ sở đào tạo chưa nhận diện đúng đối tượng nghiên cứu và yêu cầu đào tạo của ngành Việt Nam học, không có sự kiểm soát chặt chẽ về chất lượng đào tạo, đào tạo không thật sự xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, nhiều trường chưa có mục tiêu đào tạo rõ ràng, chưa đủ điều kiện về nguồn giảng viên, không có nghiên cứu phục vụ đào tạo, hạn chế về giao lưu quốc tế…
Theo GS, TS Đinh Văn Đức (nguyên Chủ nhiệm Khoa Tiếng Việt, nay là Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt, Trường ĐHKHXH& NV - ĐHQGHN), việc mở ngành Việt Nam học ở ta khá ngẫu hứng, tự phát, khiến "Việt Nam học nội địa" manh mún, "ai hiểu kiểu gì thì làm kiểu ấy" dù có chương trình khung của Bộ GD-ĐT. Mỗi cơ sở đào tạo tự định vị chương trình một cách chủ quan, tiếng là đào tạo Việt Nam học nhưng thực chất là đào tạo theo hướng chuyên ngành như Hướng dẫn viên du lịch, Văn hóa - Du lịch, Du lịch học, Văn hóa dân tộc.
PGS, TS Lê Quang Hưng (Khoa Việt Nam học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng, chương trình đào tạo Việt Nam học ở các trường ĐH và CĐ hiện đang "lệch pha", nguyên nhân là xuất phát điểm xây dựng ngành ở các trường rất khác nhau. Phần lớn xây dựng chương trình đào tạo từ một ngành gốc nào đó của mình, dựa vào lực lượng cán bộ chuyên môn sẵn có và dựa trên nhu cầu việc làm, tức "đầu ra" ở từng địa phương.
GS, TS Nguyễn Quang Ngọc (nguyên Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, ĐHQGHN) nhấn mạnh rằng, nhiều cơ sở đào tạo không hề nghiên cứu, đào tạo về KHXH&NV mà vẫn đào tạo Việt Nam học. Ông cho rằng con số hơn 80 trường CĐ và ĐH đang đào tạo Việt Nam học là đáng báo động, phản ánh sự biến dạng ngành Việt Nam học. Có những cơ sở đào tạo ghi trên văn bằng tốt nghiệp là cử nhân Việt Nam học nhưng thực chất là đào tạo người làm du lịch theo nhu cầu của địa phương bởi ngành Du lịch học hiện chưa có mã ngành đào tạo chính thức của Bộ GD-ĐT.
Bắt đầu từ hiểu đúng khái niệm
Theo PGS, TS Trần Lê Bảo (Khoa Việt Nam học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội), sự phát triển "nóng" của Việt Nam học đã dẫn đến cái nhìn chưa đúng về khoa học này. Trong thực tiễn, nhận thức về Việt Nam học có sự đa dạng và phức tạp. Về phía chủ quan, phải kể đến cách nhận thức khác nhau của người soạn thảo đề án mở mã ngành Việt Nam học tại cơ sở của Bộ GD-ĐT. Những người mở mã ngành không "sinh ra" từ ngành Việt Nam học mà thường từ các chuyên ngành hẹp khác chuyển sang nên quan niệm về Việt Nam học có những hạn chế.
GS, TS Nguyễn Quang Ngọc cho rằng, nhất thiết phải bắt đầu từ việc hiểu đúng về khái niệm Việt Nam học và quá trình vận động phát triển của ngành khoa học này nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Trên thực tế, tất cả các ngành khoa học nghiên cứu về đất nước, con người, văn hóa Việt Nam để tìm ra các giá trị đặc trưng của Việt Nam đều thuộc địa hạt Việt Nam học. Việt Nam học theo quy luật phát triển của nó đều bắt đầu từ các chuyên ngành cụ thể như: Lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ, kinh tế, xã hội… Các khoa học chuyên ngành ngày càng phát triển, tạo thế mạnh nhận thức nhưng cũng tạo sự hạn chế, vì khi nghiên cứu quá sâu, quá kỹ thì cái nhìn tổng thể lại yếu. Trên cái nền đó, dần dần, do nhu cầu của nhận thức mà các khoa học chuyên ngành có xu hướng liên kết trở lại. Các nghiên cứu tổng thể và liên ngành đã trở thành nhu cầu bức thiết, vì thế Việt Nam học chuyển dần từ Việt Nam học chuyên ngành sang Việt Nam học liên ngành. Do đó, Việt Nam học hiện nay phải được coi là khoa học liên ngành, trên cơ sở tích hợp, liên kết các khoa học chuyên ngành lại để tìm ra những giá trị chung, mang tính đặc trưng chung của văn hóa, xã hội. Hiểu đúng khái niệm thì Việt Nam học mới được nhận diện đúng cả về đối tượng và phương pháp nghiên cứu. Các trường đề ra hướng mục tiêu đào tạo đúng, dựa trên tính đặc thù, bản sắc của từng cơ sở đào tạo. Trên cơ sở đó, cơ quan quản lý sẽ có sự "căn chỉnh" cần thiết, tiến tới loại bỏ những cơ sở đào tạo không đủ năng lực đào tạo ngành học này.
Theo PGS, TS Lê Quang Hưng, liên ngành không đơn giản là dạy về nhiều lĩnh vực của đất nước, con người Việt Nam. Bản chất đích thực của liên ngành là mỗi vấn đề cụ thể cần được phân tích, giải thích, đánh giá từ nhiều chiều và bằng tri thức của nhiều bộ môn. Để phát triển bền vững ngành Việt Nam học thì nhất thiết phải xây dựng chương trình chuẩn của ngành học này, trong đó xác định rõ mục tiêu là đào tạo các cử nhân Việt Nam học có kiến thức tương đối toàn diện, hệ thống về đất nước, con người Việt Nam, đồng thời phải có kỹ năng hoạt động ở một số lĩnh vực cụ thể.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.