(HNMCT) - Staycation (du lịch tại chỗ) đang là xu hướng thịnh hành hiện nay, khi du khách bị dịch Covid-19 “trói chân” tại nhà. Với những ưu thế vượt trội, xu hướng này được dự đoán sẽ còn phát triển hơn nữa trong tương lai, ngay cả khi dịch Covid-19 lắng xuống.
Bắt kịp trào lưu
Theo từ điển Oxford, “Staycation” có nghĩa là: “Một kỳ nghỉ tại quê hương của mình, không cần xuất ngoại, hoặc dành thời gian ở nhà và có những chuyến du lịch ngắn đến các điểm thú vị trong vùng”. Xuất hiện lần đầu tiên tại Mỹ vào năm 2008 sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, xu hướng du lịch staycation được nhiều gia đình ưa chuộng nhờ những ưu thế vượt trội mà hình thức này mang lại. Đó là tiết kiệm chi phí, dễ dàng lên kế hoạch và có nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn. Vì vậy, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, staycation đã trở thành xu hướng phổ biến và ngày càng lan tỏa rộng rãi.
Trào lưu phổ biến nhất của xu hướng du lịch tại chỗ đang diễn ra tại Hà Nội là cắm trại tại nhà, thu hút sự hưởng ứng của nhiều gia đình, nhất là giới trẻ. Anh Bùi Công Kiên (phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa) chia sẻ: “Không muốn các con giải trí bằng các thiết bị điện tử, tôi đã thiết kế cho gia đình một “chuyến dã ngoại” ngay tại ban công nhà mình. Có sẵn vườn hoa của vợ và view (tầm nhìn) nhìn ra hồ Đống Đa, lại có cà phê tự pha, các thành viên trong gia đình tôi đều cảm thấy như đang trong kỳ nghỉ dài ngày ở một nơi nào đó”.
Vốn là một tín đồ du lịch, mỗi năm “xách ba lô” đi khoảng 5 - 7 chuyến cả trong nước lẫn nước ngoài, thế nên việc phải hạn chế đi lại trong thời gian dịch dã ban đầu cũng khiến chị Hoàng Diệu Trang, 30 tuổi (Khu đô thị Times City, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng) cảm thấy không thoải mái. Tuy nhiên, để thỏa mãn chứng “nghiện xê dịch”, chị đã tìm cách “du lịch tại gia” thông qua những bức ảnh của các chuyến đi trước. Chị chia sẻ: “Việc đi du lịch thường xuyên đã trở thành thói quen, lối sống của tôi. Vì thế, trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, tôi chọn cách hồi tưởng về những chuyến đi qua những bức ảnh cũ để khơi nguồn cảm hứng sáng tạo trong công việc”.
Còn gia đình chị Trịnh Thục Trinh (Khu đô thị The Manor, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm) thì trước thời điểm thực hiện giãn cách xã hội đã chọn cách nghỉ dưỡng tại căn biệt thự của gia đình ở xã Tản Lĩnh (huyện Ba Vì). Với khuôn viên rộng rãi, thoáng mát, có đủ các tiện ích như khu vui chơi cho trẻ em, bể bơi ngoài trời, khu vực nướng BBQ..., gia đình chị có ngay một kỳ nghỉ thoải mái, an toàn mà không phải đi xa.
Không “sang chảnh” như vậy nhưng gia đình bà Lê Khánh Thiện (phố Mai Hắc Đế, quận Hai Bà Trưng) hồi đầu tháng 7 cũng chọn cách du lịch tại ngôi nhà thứ hai của mình ở phường Phú Thượng (quận Tây Hồ). “Đây là dịp để tôi nghỉ ngơi, chăm sóc vườn rau và trồng thêm nhiều loài hoa mới. Chuyến đi này tôi không phải tốn chi phí cho việc thuê khách sạn, vé máy bay... Với tôi, đây là chuyến du lịch đáng nhớ”, bà Thiện chia sẻ.
Xu hướng của tương lai
Nhìn nhận Hà Nội có nhiều tiềm năng để phát triển loại hình du lịch staycation hơn nhiều địa phương khác, Giám đốc Công ty TNHH du lịch AZA Nguyễn Tiến Đạt chia sẻ: “Du lịch tại chỗ đòi hỏi địa phương phải có tiềm năng du lịch phong phú. Hà Nội hoàn toàn đáp ứng được điều kiện này nhờ sở hữu hệ thống di sản văn hóa, làng nghề lớn nhất cả nước cùng hệ thống cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí hiện đại. Hơn nữa, ở Hà Nội hiện đang nổi lên loại hình lưu trú villa, homestay rất thích hợp với xu hướng du lịch trong mùa dịch bởi đáp ứng được nhu cầu của các nhóm nhỏ. Nhiều gia đình chọn loại hình này vì tính riêng tư, bảo đảm an toàn, hạn chế khả năng lây nhiễm Covid-19. Chắc chắn, khi dịch bệnh được kiểm soát, xu hướng staycation sẽ vẫn tiếp tục phát triển”.
Với những lợi thế như: Tiết kiệm chi phí, chủ động về thời gian và kế hoạch cũng như dễ dàng đáp ứng nhu cầu trải nghiệm, khám phá và linh hoạt trong cách tiếp cận, du lịch tại chỗ sẽ phát triển ngày càng mạnh mẽ trong thời gian tới với độ bao phủ lớn. “Xu hướng này không chỉ đáp ứng nhu cầu của các bạn trẻ mà còn là lựa chọn của đối tượng khách lớn tuổi. Dịch Covid-19 khiến xu hướng du lịch của du khách thay đổi rất nhiều. Vì thế, các doanh nghiệp lữ hành buộc phải thích nghi, nắm bắt cơ hội để xoay chuyển hình thức kinh doanh, tìm kiếm cơ hội trở lại hậu dịch Covid-19, bắt đầu từ chính xu hướng staycation này”, ông Đoàn Ngọc Tùng, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội, Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch quốc tế MTV Việt Nam đánh giá.
Trong “nguy” luôn có “cơ”, và vì thế, xu hướng du lịch tại chỗ - staycation được xem là lựa chọn hợp lý cho doanh nghiệp và du khách trong thời gian dịch bệnh này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.