(HNMO) - Nếu dốc hết trái tim, sức lực vào những điều mình làm, bạn có thể thu được kết quả như màn thử nghiệm nhỏ của Starbuck tại Nhật Bản và Viettel tại Mozambique.
Hàng người dài chờ mua sim Movitel tại Mozambique dù công ty chưa thực hiện quảng cáo cho dịch vụ của mình. |
Sau khi mở một chuỗi cửa hàng rất thành công tại nhiều bang của Mỹ, các nhà lãnh đạo Starbuck quyết định mở thử một cửa hàng ở châu Á. Địa điểm được lựa chọn là Nhật Bản. Tại đây, họ có một thử nghiệm nhỏ với việc không tiến hành quảng cáo và truyền thông mà cứ thử âm thầm mở cửa hàng, chờ xem sự đón nhận của người Nhật – những người ở cách xa nửa vòng trái đất, có văn hoá rất khác Mỹ.
Ngay sáng đầu tiên mở hàng, một hàng dài người Nhật đứng xếp hàng một cách trật tự để đợi đến lượt mua cốc cafe nóng hổi. Starbuck đã vượt khỏi biên giới quốc gia và châu lục một cách ngoạn mục.
Vào một ngày giữa tháng 5, những người Việt Nam có mặt tại tỉnh Tete (vùng khó khăn nhất tại Mozambique) cũng chứng kiến một cảnh tượng tương tự. Từng hàng dài người xếp hàng trong trật tự để được mua sim Movitel (mạng di động của Viettel tại quốc gia này) dù cho cửa hàng hay điểm bán hàng lưu động không có một hoạt động quảng bá nào.
Thậm chí, cửa hàng còn chưa có bất kỳ một chữ Movitel nào xuất hiện vì còn 4 ngày nữa mới tới lễ chính thức khai trương. Chưa hết, điểm bán hàng lưu động còn không thể bật nhạc thu hút mọi người vì không có điện.
Hôm đó, đoàn nhà báo Việt Nam đi cùng, say sưa chụp cảnh tượng này. Họ ngạc nhiên vì ở một đất nước nghèo khó, người ta lại có văn minh xếp hàng, không hề chen lấn, xô đẩy. Họ ngạc nhiên vì ở một đất nước mà chi phí viễn thông chiếm tới 20% thu nhập nhưng người dân vẫn xếp hàng để mua sim điện thoại.
Và điều khiến họ khó hiểu nhất là không cần quảng cáo, không cần lôi kéo, người dân vẫn đến với Movitel, dù bên kia con phố là cửa hàng của Mcel – mạng di động đã hiện diện nhiều năm trên đất nước Mozambique và nhan nhản trên các dãy phố là logo của Vodacom. Người dân Mozambique vẫn chấp nhận đến đây, nhích từng bước để mua một chiếc sim Movitel.
Thế nhưng, khi rong ruổi suốt một ngày trên những con đường của tỉnh Tete,những người Việt Nam đến đây đã hiểu tại sao Movitel có được điều đó. Suốt dọc con đường đi, cáp quang của Movitel luôn là người bạn đồng hành – điều mà không một mạng di động nào ở Mozambique có được. Đoạn nào có điện, dây cáp quang sẽ được treo trên cột điện lực; đoạn nào không có điện, dây cáp quang lại được treo trên những cây cột do chính người Movitel trồng; và đã có hàng ngàn km cáp quang được kéo.
Riêng tại tỉnh Tete - tỉnh khó khăn nhất của Mozambique, hơn 700km cáp đường trục, và 1000km cáp nhánh đã được kéo. Hơn 1 năm qua, những người Movitel đã kiên trì và cần mẫn dựng nên một hệ thống hạ tầng viễn thông bền vững cho Mozambique, đưa quốc gia này từ chỗ gần như không có gì về hạ tầng cáp quang trở thành 1 trong 3 quốc gia có hạ tầng cáp quang lớn nhất khu vực châu Phi (cùng với Nam Phi và Nigieria). Movitel chiếm tới 80% hạ tầng cáp quang và 60% hạ tầng di động của toàn Mozambique.
Người dân Mozambique đã quen với hình ảnh những người châu Á bé nhỏ xuất hiện trên khắp mọi nẻo đường, dựng nên những chiếc cột cao vút trên nền trời xanh thẳm. Thông qua đó, Movitel đã len lỏi vào cuộc sống người dân Mozambique một cách lặng lẽ, tự nhiên và gần gũi nhất. Cảnh tượng từng hàng dài người xếp hàng chờ mua sim Movitel ở một tỉnh nghèo nhất Mozambique là một sự đền đáp cho những nỗ lực phi thường của những người Việt Nam tại quốc gia này.
Tương tự như thương hiệu Starbuck trong lĩnh vực cà phê, Viettel từng làm nên những điều thần kỳ về thông tin di động ở cả trong nước và quốc tế. Tại Haiti – quốc gia vừa trải qua thảm họa động đất khiên hơn 500.000 người chết, từng đoàn người cũng xếp hàng để chờ mua sim Natcom (mạng di động của Viettel tại đây) dù mạng chưa khai trương. Kỳ tích về xây dựng hạ tầng sau thảm họa động đất, cùng cam kết kiên định đầu tư của Viettel đã thấm vào người dân nước này trước khi khai trương.
Có lẽ cả người dân Haiti, lẫn Mozambique đã cảm nhận được điều gì đó rất đặc biệt từ những người Việt Nam đến đất nước họ để xây dựng và cung cấp dịch vụ thông tin di động. Những cam kết đầu tư bất chấp thảm họa và khó khăn, cùng những chương trình xã hội lớn, đem lại lợi ích cho những người kém may mắn nhất khi còn chưa kinh doanh… là những tín hiệu của một công ty muốn đem lại những điều tốt đẹp nhất cho người dân sở tại. Đó là những điều làm lay động trái tim.
Sự giống nhau giữa Starbuck và Viettel cũng là đây. Ở cả 2 thương hiệu, dốc hết trái tim cho những điều mình làm và đem tới những sản phẩm vượt trội so với đối thủ, cùng những trách nhiệm xã hội đúng nghĩa là điều khách hàng có thể thấy rõ. Và dốc hết trái tim cũng là điều đã làm nên hàng dài người chờ mua café Starbuck ở Nhật Bản, cũng như sim Movitel tại Mozambique dù cả 2 công ty này chưa hề quảng cáo cho sản phẩm, dịch vụ của mình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.