Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sốt xuất huyết vào chu kỳ dịch: Lo ngại bùng phát

Thu Trang| 12/09/2015 05:26

(HNM) - Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH), sáng 11-9, Bộ Y tế tổ chức họp báo về công tác phòng, chống dịch bệnh SXH. PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) lo ngại, thời tiết năm nay diễn biến thất thường, nóng bức, mưa nhiều tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển. Thêm vào đó, năm nay vào chu kỳ dịch nên dự báo những tháng cuối năm, số ca mắc sẽ tăng cao.


Nhiều týp sốt xuất huyết - khó sản xuất vắc xin

Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trong 8 tháng đầu năm 2015, cả nước đã ghi nhận gần 30.000 trường hợp mắc SXH tại 50 tỉnh, thành phố trên cả nước, tập trung chủ yếu ở các tỉnh phía Nam, là nơi có tập quán trữ nước, khu đô thị, công trường xây dựng và khu dân cư đông đúc (như: Bình Dương, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu), trong đó có 18 trường hợp tử vong. Riêng tại Hà Nội cũng đã ghi nhận hơn 1.530 trường hợp mắc SXH (tăng 3,5 lần so với cùng kỳ), phân bố trên diện rộng tại 29/30 quận, huyện, thị xã. Các quận, huyện gồm Thanh Trì, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng và Hà Đông là 4 đơn vị "dẫn đầu" về số mắc SXH.

Để phòng dịch bệnh sốt xuất huyết, nhiều gia đình đã phun thuốc diệt muỗi.


Lo ngại về dịch bệnh SXH có nguy cơ bùng phát, PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết, tại Việt Nam số mắc SXH trung bình hằng năm dao động từ 50.000 đến 100.000 trường hợp. Chu kỳ dịch lớn thường xuất hiện từ 4 đến 5 năm một lần. Năm 2015 là năm chu kỳ của dịch SXH. Tại miền Nam, số mắc thường tăng cao vào mùa mưa và miền Bắc từ tháng 4 đến tháng 10 là thời gian có điều kiện thuận lợi về nhiệt độ và có nhiều dụng cụ chứa đọng nước mưa tạo điều kiện cho muỗi sinh sản, phát triển. PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng, để giải quyết dứt điểm SXH thì bài toán duy nhất đó là phải có vắc xin phòng bệnh. Tuy nhiên, SXH có 4 týp nên rất khó để sản xuất vắc xin. Do đó, nếu bệnh nhân mắc týp trước hoàn toàn có thể mắc týp sau và khi đã mắc týp sau thì rất nguy hiểm, thường xảy ra sốc xuất huyết, chảy máu nội tạng...

Trước đó, tại hội nghị triển khai công tác phòng chống SXH 4 tháng cuối năm 2015 trên địa bàn thành phố, Giám đốc Trung tâm Y tế (TTYT) dự phòng Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm yêu cầu tăng tần suất giám sát phát hiện ca bệnh nghi SXH tại các cơ sở y tế, phòng khám đa khoa, trạm y tế đã được phân cấp, bảo đảm tần suất 4-5 lần/tuần. TTYT các quận, huyện bố trí nhân viên trực dịch hằng ngày tại các đơn vị để tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo cho các đơn vị, các khoa, phòng có liên quan để triển khai các biện pháp đáp ứng cần thiết. TTYT dự phòng Hà Nội tiếp tục chuyển giao kỹ thuật xét nghiệm nhanh SXH cho các quận, huyện, thị xã, bảo đảm 100% các đơn vị có thể thực hiện chẩn đoán nhanh dịch bệnh SXH. Khi phát hiện ca bệnh phải thông báo ngay cho TTYT dự phòng Hà Nội.

Tăng cường ý thức cộng đồng


Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về những khó khăn trong công tác phòng chống SXH, nhiều chuyên gia y tế cho rằng, khó khăn trước hết là vấn đề di biến động dân cư lớn. Số bệnh nhân mắc SXH chủ yếu tập trung ở các khu trọ. Thêm vào đó là vấn đề đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ, nhiều khu đô thị nằm xen kẽ các bãi đất trống không có người ở tạo thuận lợi cho các ổ bọ gậy, muỗi gây bệnh tồn tại, khó kiểm soát. Cùng với đó, ý thức phòng, chống dịch bệnh của người dân chưa cao.

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, mới chỉ có khoảng 64% hộ gia đình hợp tác với cán bộ y tế trong việc phun hóa chất diệt muỗi phòng bệnh. Đây là khó khăn lớn cản trở công tác phòng chống dịch bệnh này. Bởi vì trong cùng một khu vực nếu còn một số hộ không phun hóa chất diệt muỗi thì muỗi từ những hộ này vẫn sinh sôi nảy nở, bay sang các hộ bên cạnh lây truyền bệnh. Thậm chí, muỗi SXH sống từ tầng trệt đến tầng thượng, chung cư cao đến 12 tầng vẫn có, vì thế phun hóa chất cho tất cả các tầng rất quan trọng. Từ nay đến cuối năm, Hà Nội sẽ tổ chức 140 chiến dịch vệ sinh môi trường và 100 chiến dịch phun hóa chất phòng dịch.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền nhấn mạnh, phải kiên quyết phòng, chống dịch, trong đó tập trung vào các quận trọng điểm, đồng thời kiểm soát tình trạng lây nhiễm tại các bệnh viện. Cùng với đó, tổ chức truyền thông về phòng chống dịch bệnh SXH tại các cụm dân cư có ổ dịch hoặc nguy cơ bùng phát dịch dưới hình thức họp tổ dân phố hoặc họp trưởng các ban, ngành, đoàn thể, đồng thời phát tờ rơi cùng tuyên truyền trực tiếp tận hộ gia đình với mục tiêu tăng cường ý thức của người dân trong phòng dịch, từ đó khống chế không để dịch bệnh lan rộng.

Mặt khác, các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy phải tập trung chú ý tới các hộ gia đình có phòng cho thuê trọ (với khu vực nội thành), có người đi học, công tác, làm ăn tại nội thành về (đối với khu vực ngoại thành) và những nhà không có người ở, các khu công trường xây dựng, trường học, nhà trẻ mầm non hoặc nơi thiếu nước sạch, vệ sinh môi trường kém… Bên cạnh đó, các đơn vị phải rà soát, sẵn sàng hóa chất, máy móc, nhân lực để đáp ứng phòng chống dịch.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo, SXH có nhiều dạng khác nhau, nhẹ thì nổi ban, nặng nề nhất là SXH nội tạng, đây là biến chứng nặng nề nhất gây tử vong khi mắc bệnh.

Thời kỳ ủ bệnh sớm khoảng 2 ngày, muộn khoảng 14 ngày, trong thời kỳ này, bệnh nhân không có triệu chứng nên rất khó phát hiện. Trong khi đó, SXH có những triệu chứng dễ nhầm lẫn với bệnh sốt virus thông thường nên nhiều người dân có tâm lý chủ quan, không tới các trung tâm y tế khám bệnh, dẫn tới bệnh nặng, có biến chứng như xuất huyết não, xuất huyết tiêu hóa… đe dọa tới tính mạng.

Để tránh tình trạng bệnh nặng hoặc có biến chứng mới vào viện điều trị, những bệnh nhân bị sốt đột ngột, kèm theo triệu chứng đau đầu, đau mỏi toàn thân, cơ thể có chấm đỏ ở ngoài da, chảy máu răng lợi hoặc chảy máu cam… thì nên đến các bệnh viện để được khám và chẩn đoán kịp thời.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sốt xuất huyết vào chu kỳ dịch: Lo ngại bùng phát

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.