Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sốt ruột với dịch tay chân miệng

Trúc Linh| 24/10/2011 06:38

(HNM) - Gần hai tháng trước, Bộ Y tế tuyên bố "dịch tay chân miệng (TCM) đang được kiểm soát và có chiều hướng giảm". Thế nhưng đến thời điểm này, dịch đã bao phủ khắp nước với hơn 71.000 ca mắc, cướp đi sinh mạng của 130 trẻ nhỏ.



Trong khi Bộ Y tế giữ quan điểm kiểm soát được dịch thì từ giữa tháng 9 đến nay, số ca mắc luôn dao động từ 2.000 đến 2.500. Dịch TCM lây lan với tốc độ chóng mặt không chỉ khiến người dân hoang mang, mà ngay cả những chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực dịch tễ cũng sốt ruột.

Khó kiểm soát

Theo nhận định của các chuyên gia dịch tễ, số mắc và tử vong do TCM cao nhất từ xưa đến nay đã khiến dư luận liên tục đặt câu hỏi tại sao các địa phương lại "lấn cấn" trong việc công bố dịch. Những người làm công tác dịch tễ lâu năm như GS Phạm Song, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam cũng sốt ruột đặt câu hỏi: Có thực sự là bệnh đã được kiểm soát hay các địa phương đang "mắc bệnh" thành tích, sợ "mang tiếng" là có dịch?

Chăm sóc một trường hợp mắc bệnh tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi trung ương. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN

Đến thời điểm này, lý do mà ngành y tế không công bố dịch là phải tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật. Quyết định 64/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ việc công bố dịch chỉ được thực hiện khi có số người mắc vượt quá dự tính ban đầu của cơ quan y tế tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ. Đồng thời, quy mô, tính chất của bệnh dịch vượt quá khả năng kiểm soát của cơ quan y tế tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ; bệnh dịch được Bộ trưởng Bộ Y tế xác định có sự biến đổi tác nhân gây bệnh, có nguy cơ làm tăng tỷ lệ tử vong cao mà chưa xác định rõ tác nhân gây bệnh, chưa có biện pháp khống chế hiệu quả...

Chiểu theo quy định trên, ông Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho rằng, không phải cứ gia tăng số mắc so với dự kiến là sẽ tiến hành công bố dịch. Mặc dù điều kiện này đã có ở nhiều địa phương nhưng chưa đủ, nhiều cơ quan y tế địa phương đã khống chế, kiểm soát được quy mô, tính chất dịch bệnh. Hơn nữa, TCM thuộc bệnh truyền nhiễm nhóm B nên thẩm quyền công bố dịch thuộc về chủ tịch UBND tỉnh - theo đề nghị của Giám đốc Sở Y tế. Bộ Y tế chỉ công bố dịch khi có từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ đã công bố dịch. Tuy nhiên, nếu như tuyến xã, huyện không kiểm soát và khống chế được bệnh TCM thì có thể đề nghị chủ tịch UBND tỉnh công bố dịch tại xã đó.

Trao đổi với báo giới mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Việt Nam đang có dịch TCM và giải thích việc không công bố dịch là do các nước xung quanh có số mắc cao cũng chưa công bố dịch. Đây là việc cần thận trọng bởi việc công bố dịch có thể dẫn đến hệ lụy xã hội không đáng có.

Giải mã nguyên nhân

"Mổ xẻ" nguyên nhân dẫn đến số mắc và tử vong do dịch TCM tăng cao, tại buổi tập huấn bệnh TCM mới đây, nhiều ý kiến cho rằng ngành y tế đang lúng túng trong việc chống dịch. Chẩn đoán nhầm, đánh giá không đúng mức độ bệnh TCM của trẻ là một trong những lỗi thường gặp ở cả tuyến cơ sở và trung ương. Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP Hồ Chí Minh) cho biết: "Tại bệnh viện tuyến cuối, đã có trường hợp bác sĩ khám xác định TCM và phân độ lâm sàng bệnh nhân là độ 2a, thế nhưng chỉ 5 phút sau khi được chuyển vào khoa điều trị thì bệnh nhi đã ở độ 4, mức nặng nhất của phân độ lâm sàng. Lúc ấy, bệnh nhi đã bị sốc, phù phổi cấp, tím tái… việc điều trị phải áp ngay theo phác đồ dành cho mức độ nặng nhất mà Bộ Y tế ban hành". Chẩn đoán nhầm bệnh chính là căn nguyên của nhiều ca tử vong do TCM thời gian qua, bởi nhiều ca bệnh không có biểu hiện lâm sàng đặc trưng như các nốt phỏng ở TCM hay mông, gối… khiến bác sĩ thiếu kinh nghiệm có thể điều trị bệnh nhân theo hướng bệnh khác. Khi xác định được đúng bệnh thì bệnh đã chuyển nặng.

PGS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ cho biết, trong mùa dịch này, 80% bệnh nhân lây bệnh tại gia đình, 41% lây từ mẹ sang con, rất nhiều ca mắc không tìm được đường lây. Điều này đồng nghĩa rằng dịch đã lan rộng ra môi trường và tiềm ẩn ở những người lành mang vi trùng. Chính vì thế, việc khống chế dịch trở nên khó khăn, nhất là khi người dân chưa có ý thức vệ sinh cá nhân, thực hiện đúng các biện pháp phòng bệnh. Thực tế là tại nhiều vùng dịch, người dân vẫn không hiểu gì về dịch TCM, cho rằng chỉ cần phun thuốc Cloramin B là có thể phòng bệnh. Ngay cả cán bộ dịch tễ địa phương hay giáo viên ở một số nơi cũng còn thiếu kiến thức về bệnh TCM, dẫn đến hướng dẫn phòng bệnh sai cho học sinh...

Bộ Y tế cho biết, đến thời điểm hiện tại chưa có địa phương nào kêu thiếu kinh phí chống dịch, địa phương không đề xuất Chính phủ hỗ trợ kinh phí tức là vẫn có thể lo liệu được. Bộ Tài chính cũng đã cam kết tất cả các dự trù kinh phí cho chống dịch đều sẽ được giải quyết. Thuận lợi là vậy, tại sao đã nhiều tháng trôi qua mà dịch TCM vẫn hoành hành phức tạp?

TCM là bệnh lây nhiễm do virus, nhiều trẻ có thể tự khỏi. Hiện nay, nhiều trường hợp bệnh được xét nghiệm có virus EV71 nhưng không phải tất cả trường hợp mang virus này đều ở thể bệnh nặng. Tại miền Bắc, từ đầu năm đến nay có hơn 100 ca bệnh dương tính với EV71 nhưng hầu hết là thể nhẹ, ở giai đoạn 1, chỉ có hai trường hợp tử vong do EV71 được báo cáo.

Tuần qua, một bệnh nhi mắc TCM cấp độ 4 (thể nặng nhất), nhập viện trong tình trạng sốt cao liên tục, xuất hiện nhiều nốt mụn nước ở miệng. Bệnh nhi được lọc máu liên tục và hồi sức tích cực, đã qua cơn nguy kịch, sức khỏe bình phục tốt. Biện pháp lọc máu cho những trường hợp TCM nặng trên y văn chưa hề có, đây là trường hợp đầu tiên áp dụng ở miền Bắc.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sốt ruột với dịch tay chân miệng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.