(HNM) - Hiện nay, nhiều vùng chăn nuôi bò sữa quy mô lớn của các huyện như Tản Lĩnh, Yên Bài, Vân Hòa (Ba Vì), Tân Dân (Sóc Sơn), Trung Mầu, Phù Đổng (Gia Lâm)... giá bê sữa giống đang tăng
Giá bò sữa giống "nhảy múa"
Chăm sóc đàn bò sữa tại Ba Vì. Ảnh: Bá Hoạt
Theo Trung tâm Phát triển chăn nuôi gia súc lớn Hà Nội: Đàn bò sữa đang phát triển mạnh ở một số huyện thuộc khu vực ngoại thành với tổng đàn lên tới 8.200 con, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2009. Chỉ tính riêng trong tháng 8 năm 2010, số lượng bò sữa đã tăng lên 500 con chủ yếu là do nông dân mua bò giống mới về nuôi. Hiện nay, việc tiêu thụ sữa bò tươi khá thuận lợi, người chăn nuôi có lãi do đó ngày càng nhiều nông dân muốn đầu tư chuồng trại, mua thêm giống bò sữa mở rộng quy mô chăn nuôi. Đây là nguyên nhân khiến giá bê sữa giống hoặc bò tơ có thai, bò đang cho khai thác sữa trên địa bàn tăng cao và có lúc còn khan hiếm. Hiện, một con bê sữa giống khoảng 3 tháng tuổi giá từ 10 đến 12 triệu đồng/con, cao hơn hơn 3 triệu đồng/con so với cùng thời điểm năm 2009; giá một con bò tơ có thai lên tới 27-30 triệu đồng/con, cá biệt có những con bò sữa tốt, đẹp có thể lên tới 40 triệu đồng/con, (cao hơn cùng thời điểm năm 2009 từ 5 đến 6 triệu đồng/con).
Anh Nguyễn Văn Bưởi, một nông dân nuôi bò sữa ở xã Yên Bài (Ba Vì) cho biết: Những năm gần đây nghề nuôi bò sữa phát triển mạnh nhưng chưa bao giờ giá lại cao như hiện nay, nhiều hộ chăn nuôi muốn mở rộng quy mô trang trại bò sữa nhưng hiện gặp khó khăn về vốn. Một vấn đề nữa, một số hộ chăn nuôi ở xã Yên Bài sẵn sàng chấp nhận giá cao, nhưng không phải cứ có tiền là mua được, bởi có lúc không có bê sữa để mua. Một số hộ dân đã phải tìm đến Nghệ An, TP Hồ Chí Minh… để mua bê giống. Nguyên nhân là do nhu cầu nuôi bò sữa tăng mạnh, người có bò lại không muốn bán, đã tạo ra sự khan hiếm đẩy giá lên cao.
Người nuôi bò nên cẩn trọng
Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết: Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra cơn sốt giá giống bò sữa, cách đây 6-7 năm trước, nông dân ở các huyện ngoại thành Hà Nội cũng "chóng mặt" với giá bò sữa giống "nhảy múa" liên tục. Thời “hoàng kim”, giá một con bò sữa giống, nhập khẩu có thể lên tới 40 triệu đồng/con, bò nội lai cũng có giá cao ngất ngưởng từ 28-30 triệu đồng/con. Nhưng chỉ sau một thời gian có những tác động khách quan, "cơn sốt" hạ nhiệt, giá sữa bán ra không đủ cho chi phí chăn nuôi, giá bò sữa giống đã "xuống dốc" không phanh. Nếu như người chăn nuôi bò sữa không tính toán kỹ lưỡng sẽ dễ lại lặp lại "vết xe đổ" của những năm về trước.
Ông Tạ Văn Tường, Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi gia súc lớn Hà Nội cho biết: Giá thu mua sữa tươi đã tăng từ 2.500 đồng (năm 2004) lên từ 8.800 đồng/lít - 9.000 đồng/lít (năm 2010), ngoài ra còn lãi là bò đẻ ra bê, một con bê cái hiện cũng đang có giá từ 12-15 triệu đồng. Như vậy người nuôi bò đang có lãi và đợt "sốt" giá giống bò sữa lần này bản chất khác hoàn toàn với năm 2003-2004, tuy nhiên nông dân cũng không nên thấy lãi mà ồ ạt nhập đàn, mà phải cẩn trọng, cân nhắc. Mặc dù, giá bê giống tăng cao nhưng chất lượng con giống ra sao người nông dân vẫn chưa thể nắm chắc bởi họ mua vẫn chủ yếu dựa vào kinh nghiệm. Thêm nữa, hầu hết người nuôi đều mua giống bò sữa từ các thương lái.
Thực tế, từ đầu năm đến nay giá thức ăn tinh đã tăng 30% so với cùng kỳ năm 2009, trong đó chi phí thức ăn chiếm 60% tổng chi phí trong chăn nuôi bò sữa. Do vậy, nhập giống ồ ạt lúc này đối với nhiều hộ dân cần phải tính toán, cân nhắc kỹ.
Trung tâm Phát triển chăn nuôi gia súc lớn Hà Nội khuyến cáo người nuôi bò sữa không nên nôn nóng nhập quá nhiều giống bò vào thời điểm đang sốt giá. Hiện nay, Trung tâm đang triển khai các hoạt động hỗ trợ người chăn nuôi trên địa bàn thụ tinh nhân tạo để nhân giống, phát triển đàn bò đáp ứng nhu cầu mở rộng quy mô chăn nuôi bò sữa của nông dân. Đồng thời, xúc tiến cùng các doanh nghiệp thu mua sữa xây dựng chương trình nâng cao chất lượng giống đàn bò sữa. Doanh nghiệp sẽ nhập khẩu các giống bò sữa tốt từ các nước, sau đó cho nông dân vay bò về nuôi và sẽ khấu hao dần vào sản lượng sữa hằng năm. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.