Theo dõi Báo Hànộimới trên

SOS - Tội phạm áo trắng

Triệu Dương| 16/12/2011 07:11

(HNM) - Thời gian gần đây, tình trạng học sinh (HS) tụ tập thành băng nhóm, dùng dao, kiếm… để giải quyết các mâu thuẫn đang có chiều hướng gia tăng.

Nghìn lẻ một lý do dẫn đến phạm tội

Thượng tá Dương Văn Giáp, Phó Trưởng phòng CSHS - CATP nhận định, không chỉ gia tăng về số lượng, tính chất, mức độ của tội phạm ở lứa tuổi HS-SV ngày càng nghiêm trọng hơn. Các em tham gia hầu hết các loại hành vi phạm tội như cướp tài sản, bán dâm, cờ bạc, đua xe... Tính từ năm 2008 lực lượng công an đã phát hiện, xử lý 968 đối tượng trong lứa tuổi còn ngồi trên ghế nhà trường vi phạm pháp luật hình sự, riêng năm 2011, phát hiện, xử lý 110 đối tượng.

Hai học sinh THPT bị cơ quan chức năng bắt quả tang giả danh CSCĐ.


Mới đây, dư luận còn chưa quên vụ Nguyễn Duy Anh (SN 1993) ở Mỹ Đình, học sinh lớp 12E Trường PTTH Lômônôxốp và Nguyễn Quang Nhật (SN 1995) ở 20 Lê Đại Hành, học sinh lớp 10D2 Trường PTTH dân lập Đinh Tiên Hoàng, tự trang bị đồng phục cảnh sát và dùi cui để lừa đảo gây án, khiến dư luận xôn xao về mức độ liều lĩnh của các đối tượng "nhất quỷ, nhì ma…" này. Các đối tượng bị bắt khi Tổ công tác Đại đội 4 Trung đoàn CSCĐ - CATP tuần tra nhận thấy hai người còn rất trẻ, tuy mặc trang phục CSCĐ nhưng tác phong, cử chỉ làm việc có nhiều lúng túng, thiếu thuần thục. Khai về hành vi phạm tội của mình, hai cậu học sinh hồn nhiên cho biết, do một lần đi chơi "kẹp" 3 bằng xe máy, Duy Anh và Quang Nhật bị CSCĐ xử phạt vì nhiều lỗi vi phạm giao thông. Thấy các anh CA "oai" quá, Quang Nhật và Duy Anh đã bàn nhau vay tiền bạn, đến phố Lê Duẩn sắm 2 bộ đồng phục CSCĐ, mũ cứng, dùi cui, phù hiệu và mua đề can về tự ý cắt dán chữ CSCĐ màu vàng (viết tắt của cảnh sát cơ động) lên mũ cho giống thật. Để rồi vào các buổi tối Quang Nhật và Duy Anh giả danh cảnh sát lượn lờ quanh khu vực Mỹ Đình tìm ai có sơ hở là dọa dẫm cưỡng đoạt tài sản.

Hay như trường hợp cô học trò Nguyễn Thị Phương Dung (SN 1993) thủ lĩnh băng cướp nhí. "Dung hoa hậu" là biệt danh mà đám đệ tử dành cho Phương Dung, là "thủ lĩnh" cầm đầu một băng cướp "tuổi teen" chuyên chặn xe, đánh người, cướp tài sản. Dung là "đại ca" từ năm học hết lớp 6 sau khi chán sách vở, bỏ theo đám bạn chát lên Hà Nội. Chốn phồn hoa đô hội đã dạy Dung nhiều mánh khóe, nhất là lúc bắt đầu tập tọe qua lại với đám anh chị, Dung đổi tên là Nguyễn Tú Linh cầm đầu băng nhóm chỉ có hai nữ, còn lại là nam trong đó có đồng bọn hơn Dung tới 5-6 tuổi. Một đêm nọ, "đại ca Tú Linh" tổ chức một phi vụ cướp xe máy của một đôi nam nữ trên địa bàn xã Trung Hòa, huyện Yên Mỹ, Hưng Yên. Dưới sự chỉ đạo của cô bé mới 14 tuổi, phi vụ trót lọt, nạn nhân bị thương. Có được 10 triệu đồng khi đi cắm chiếc xe máy, Linh dẫn đầu cả nhóm đi tiêu xài. Một thời gian ngắn sau, vụ án bị triệt phá, với vai trò chủ mưu, Dung bị kết án 4 năm rưỡi tù giam.

...và bạo lực

Một cuộc khảo sát do Khoa Xã hội học, Trường ĐHKH XHNV (ĐHQG HN) thực hiện tại 2 trường THPT thuộc quận Đống Đa (Hà Nội) về tình trạng bạo lực nữ sinh mới đây cho thấy, có đến 96,7% số học sinh được hỏi cho rằng, ở trường các em có xảy ra hiện tượng nữ sinh đánh nhau. Mức độ bạo lực trong nữ sinh là 44,7% rất thường xuyên; 38% thường xuyên và 17,3% không thường xuyên. Có tới 64% các em nữ được hỏi thừa nhận là đã từng có hành vi đánh nhau với các bạn khác. Đáng chú ý, hầu hết những chuyện đánh nhau lần đầu tiên đều diễn ra trong khuôn viên trường học và những lần đánh nhau tiếp theo thì đa số lại diễn ra ngoài trường học. Việc nữ sinh đánh nhau có lẽ đã trở nên quen thuộc với nhiều học sinh, vì vậy khi được hỏi "suy nghĩ về hiện tượng đánh nhau giữa các học sinh nữ" thì có đến 45,3% cho rằng, điều đó là "bình thường"; 30,7% trả lời có thể chấp nhận được và chỉ có 24% học sinh "không chấp nhận" hành vi bạo lực trong nữ sinh.

Vậy lý do gì khiến các em đánh nhau? Có những lý do rất đơn giản nhưng cũng là cớ gây ra xung đột, như không ưa thì đánh (24%); bị khiêu khích nên đánh (16%); đánh vì lý do tình cảm (13,3%). Đáng lo ngại là, có những lý do không thể hình dung được, ví dụ: người khác nhờ đánh (20%), chẳng có lý do gì cũng đánh (12%). Hỏi: "Khi đánh nhau với học sinh khác, bạn thường dùng hình thức nào là chủ yếu?", có tới 1/2 số em cho biết, thường "đánh tập thể". Thậm chí, nhiều em còn đứng ngoài xem và cổ vũ đánh nhau, như là cổ vũ bóng đá. Các vụ đánh nhau có thể không gây nên những thương tích nghiêm trọng về thể chất, nhưng lại gây ra những tổn thương về tâm lý, tinh thần đối với nạn nhân. Tuy nhiên, trong một số vụ việc, có những nữ sinh sử dụng hung khí trong khi hành hung bạn. Vật hành hung có thể là dép, guốc (28%); gậy gộc (8%), gạch đá (4%), thậm chí là dao lam, ống tuýp nước (0,7%)... Những phương tiện này, tùy mức độ mà có thể gây nên thương tích, thậm chí gây tàn phế hoặc cướp đi mạng sống của bạn học cùng trường.

Biết "bệnh" nhưng thiếu... "thuốc" trị

Tại cuộc hội thảo "Vi phạm pháp luật và đạo đức trong học sinh Thủ đô - thực trạng và giải pháp" do Thành đoàn Hà Nội vừa tổ chức, đa số ý kiến của chuyên gia đã chỉ ra căn nguyên của tội phạm và bạo lực học đường là do một bộ phận HS-SV có hành vi lệch chuẩn xã hội, xuống cấp về đạo đức và lối sống, có biểu hiện nhận thức và hành động đi ngược lại với giá trị truyền thống về nhân cách, đạo đức, văn hóa, lối sống… từ đó dẫn đến có hành vi thực hiện, tham gia thực hiện các tệ nạn xã hội. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, trước hết xuất phát từ gia đình, do cha mẹ chiều chuộng, thỏa mãn vô nguyên tắc những đòi hỏi của con cái hoặc thiếu trách nhiệm, không quan tâm trong việc quản lý và giáo dục con cái, ỷ lại cho nhà trường và xã hội. Một số gia đình có hoàn cảnh đặc biệt như bố mẹ ly hôn; bố mẹ đang chấp hành án phạt tù... khiến các em bị tổn thương về tâm lý, thiếu điều kiện học tập, vui chơi, thiếu quản lý, giáo dục, dẫn đến mất phương hướng khi hành động, dễ bị lôi kéo vào những hành vi tiêu cực, phạm tội. Bên cạnh đó, việc quản lý HS trong các nhà trường còn nhiều thiếu sót, thường chỉ giao khoán cho thầy, cô giáo phụ trách, còn thiếu cơ chế kiểm tra trách nhiệm thầy, cô giáo, đặc biệt là để tồn tại HS cá biệt, lưu ban, bỏ học. Đáng chú ý, vấn đề kỷ luật học đường hiện nay chưa nghiêm. Ngoài ra, sự phối hợp trao đổi thông tin, liên lạc giữa gia đình và nhà trường thiếu chặt chẽ nên nhiều HS tự ý bỏ học đi lang thang hoặc tìm niềm vui qua các trò chơi điện tử, phim ảnh bạo lực, khiêu dâm mà nhà trường và gia đình không hay biết...

Về sâu xa, bạo lực học đường ngày càng gia tăng là do 3 nguyên nhân chính: Trong quá trình giáo dục, cả gia đình và nhà trường chưa tạo cho HS những nhận thức đúng về giá trị của văn hóa ứng xử giữa người với người. Kỹ năng sống của HS rất kém, các em không có cách giải quyết vấn đề thích hợp mà chủ yếu sống theo bản năng của mình. Hiện vẫn chưa có cách xử lý kỷ luật đủ mạnh để HS biết sợ, chính vì vậy cần phải xử lý theo pháp luật, có những hình thức kỷ luật thích đáng, phải coi việc đánh nhau là hành vi xâm phạm thân thể người khác và xử nghiêm theo Bộ luật Hình sự... Nói chung là qua các cuộc hội thảo, có nhiều giải pháp đã được nêu ra nhưng sau đó, tình trạng bạo lực học đường dường như không giảm.

Có một khẩu hiệu chung để thực hiện các biện pháp ngăn chặn tình trạng phạm tội và bạo lực trong học đường, đó là "Bảo vệ, chăm sóc thanh, thiếu niên là trách nhiệm của gia đình, nhà trường và toàn xã hội". Rõ là như thế. Nhưng lạ nỗi, quyết tâm có thừa, biết rõ căn nguyên, vậy mà sao tội phạm và bạo lực học đường vẫn gia tăng?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
SOS - Tội phạm áo trắng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.