Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sống ra sao các phim trường Hollywood?

Tường Nguyễn| 15/10/2010 10:30

Ai cũng biết không có các phim trường thì sẽ không có Hollywood. Không có một người Do Thái gốc Đức di cư sang Mỹ sẽ chẳng có phim trường. Ngày 8/6/1912, Carl Laemmle cùng với 3 nhân vật tiên phong về phim ảnh thành lập nên một phim trường đặt tại California với cái tên Universal. Và Hollywood đã ra đời! Gần 100 năm đã trôi qua.


Ngay từ quan điểm của mình, Hollywood có liên quan chặt chẽ với khái niệm studio system, được phát triển trên nguyên tắc “chiều dọc”, tức phim trường kiểm soát tất cả, từ khâu sản xuất phim cho đến trình chiếu ra công chúng. 100 năm sau, hệ thống này vẫn được duy trì, nhưng trong vòng một thế kỷ vận hành, nó đã có nhiều biến đổi. Và biến đổi lớn nhất đến sau khi có quyết định của Tòa án Tối cao vào năm 1948, cấm các phim trường sở hữu các phòng chiếu phim, dẫn đến hồi kết của thời hoàng kim Hollywood. Và một khi việc sở hữu các phim trường đã nằm trong tay các tập đoàn lớn như Coca - Cola chẳng hạn, thì bắt buộc các hãng phim phải phục vụ cho phố Wall hơn là phục vụ cho nghệ thuật thứ bảy đích thực.

Hệ thống này cũng đã là tấm gương phản chiếu lịch sử của Hoa Kỳ: cuộc đại suy thoái, các cuộc chiến, các cuộc thanh trừng, sự xuất hiện của truyền hình, và cùng với nhiều biến cố bước ngoặt khác, đã gây nhiều tác động lớn đến hoạt động của Hollywood. Rồi khủng hoảng kinh tế cũng đã dẫn đến việc áp dụng các chính sách thắt lưng buộc bụng rộng lớn, và internet ra đời cũng đã tạo nên một cuộc cách mạng về các nguyên tắc phát hành và marketing. Song, cho đến hiện nay, hệ thống studio system vẫn biết thích nghi tốt với tình hình.

6 hãng phim ra đời trong thời kỳ vàng son của Hollywood vẫn tiếp tục “trị vì” Hollywood: Warner Bros, Universal, Paramount, Columbia (được đổi tên thành Sony Picture Entertainment), 20th Century Fox và Walt Disney.

Có sự khác biệt lớn so với trước đây, là hiện nay, các phim trường trước hết là những nhà tài chính và kiêm luôn vai trò phát hành. Điều này khiến các phim trường vẫn có quyền hạn rộng rãi trong việc quyết định nội dung của những gì mà họ phát hành, nhưng họ không còn giữ vị thế độc quyền về mặt sáng tạo, ngay cả khi họ hợp tác với những nhà sản xuất nào có ý định làm hài lòng họ.

Sẽ không hoài công khi điểm qua hoạt động của các hãng phim này, để xem các phim trường Hollywood đang sống ra sao.

Warner Bros (Time Warner)


Warner là một “nhân vật“ được tôn kính số một. Đây là hãng phim cởi mở nhất được các diễn viên hay các ngôi sao thượng thặng thích hợp tác mà Clint Eastwood là một ví dụ điển hình. Mặc dù gặp khủng hoảng với hơn 100 người lao động bị sa thải và kinh phí hoạt động bị cắt đi 10% vào năm 2009, Warner vẫn đạt được nhiều thành công, tiếp tục giữ được vị trí “người hùng của Hollywood“ (năm thứ 10 liên tục). Mùa Hè năm nay hãng thông báo doanh thu đạt hơn 1 tỷ từ các rạp chiếu ở Mỹ. Alan Horn, ông chủ lớn của hãng này từ năm 1999, được kính trọng bởi tính điềm đạm và có khiếu kinh doanh, đã phát biểu: “Nếu bạn là một hãng phim độc lập, thì có thể bạn sẽ không chọn Warner để làm phim“. Và đỉnh cao danh vọng của phim trường này chính là Harry Potter. Sắp tới đây, có nhiều dự án của Warner sẽ tiếp tục trở thành bom tấn như Green Lantern, Sucker Punch, Sherlock Holmes 2, và Superman mới.

Walt Disney

Ánh hào quang luôn tỏa sáng trong vương quốc trẻ em, vương quốc này có 140.000 lao động và lợi nhuận thu về khoảng 36 tỷ USD mỗi năm. Nhưng những lao đao và khủng hoảng vào năm 2009 đã khiến doanh thu giảm 25% rồi đến 46% lợi nhuận. Bob Iger, ông trùm, một trong những nhà điều hành cự phách nhất Hollywood, đã góp phần bình ổn lại tình hình và tái cấu trúc lại Walt Disney, giúp hãng sở hữu thêm một chuỗi của những thương hiệu đang thuộc loại “dữ dằn“ nhất: Pixar, Marvel, DreamWorks, Jerry Bruckheimer. Disney chỉ nuôi tham vọng trở thành một “cỗ máy sản xuất những bộ phim bom tấn“, nhằm chứng minh Hollywood luôn phải nương nhờ Disney. Mùa Hè năm nay, nguồn tài chính của Walt Disney đã tăng và các xuất phẩm sẽ lại càng có trọng lượng.


Một góc phim trường của Warner Bros ở Los Angeles (Mỹ)

Universal

Đây là hãng phim “lủng củng“ nhất hiện nay. Vào năm 2009, hai ông chủ Marc Shmuger và David Linde đã phải ra đi. Nhưng ban lãnh đạo mới của hãng cũng chẳng làm gì khá hơn khi phải chịu thất bại với dự án phim Green Zone hay Wolfman. Theo Patrick Goldstein của tờ Los Angeles Times, việc chọn những nhà lãnh đạo giỏi để cho ra đời những bộ phim hay sẽ tốt hơn là để duy trì quan hệ với những ngôi sao điện ảnh. Những lời đồn thổi về việc mua lại hãng phim này đã có từ nhiều năm nay cũng khiến không khí bất ổn luôn rình rập Universal.

Paramount


Năm nay, hãng phim này đã vượt qua con số tỷ USD từ các rạp phim trên thế giới và tại Mỹ, đó là một thành công lớn trong kinh doanh. Lợi thế của Paramount là những hợp tác với DreamWorks Animation và Marvel (Iron-Man, Captain America, The Avengers, Thor). Song, ông chủ “ngạo nghễ“ của hãng là Brad Grey vừa mới đây đã bị chỉ trích khi “phủi tay“ với DreamWorks khi thương hiệu này đã giúp Paramount thu được lợi nhuận khá cao. Song song đó, Paramount cũng đã giảm sản xuất phim so với các đối thủ khác: chỉ có 13 phim trong năm 2009, nhưng trong số đó có Transformers 2, một bộ phim nổi đình nổi đám. Từ lâu nay luôn bị chỉ trích là hãng phim tệ hại nhất Hollywood, nhất là do thay đổi nhân sự thường xuyên, nay thì Paramount đang lấy lại phong độ nhờ vào Sumner Redstone, một ông chủ đáng kính của Viacom, và từ đó hãng hy vọng sẽ đi lên.

Sony Picture Entertainment


Đây là hãng phim hoạt động ổn định nhất Hollywood, với sự điều hành của Amy Pascal từ 20 năm nay. Với đầu óc phóng khoáng, bà chủ hãng này đã tạo ra một không khí chan hòa và giúp dẹp tan nhiều cuộc đấu đá nội bộ. Bà bảo vệ ý tưởng về một nền “điện ảnh đại chúng“ và chuộng các bộ phim với ngân sách khiêm tốn như Julie và Julia hay Zombieland. Mùa Hè vừa qua, những The Karate Kid, Salt, hay Very Bad Cop đã mang đến cho hãng những thành công đáng kể. Tuy nhiên, mặc dù có được thành công kỷ lục từ các rạp chiếu trong năm 2009 và hè năm nay nhưng Sony Picture Entertainment lại vẫn tiếp tục sa thải 6,5% việc làm tính đến tháng 10/2010.

20th Century Fox

Hãng này đã trao toàn quyền cho James Cameron làm bộ phim nổi tiếng Avatar nhưng cũng là hãng chịu phê phán nhiều nhất. Theo nhận định chung, các đạo diễn ở đây chỉ là những nhân viên được tuyển dụng và đa số các bộ phim của hãng là "tầm thường". Nhưng dù sao, Fox cũng đã thu được khá nặng túi: 2 tỷ từ các rạp chiếu trên thế giới và 1 tỷ trên đất Mỹ. Một trong số những thuận lợi của hãng là có được một ban lãnh đạo ổn định để sắp tới đây, hãng sẽ cho ra đời một Titanic bằng kỹ thuật 3D.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sống ra sao các phim trường Hollywood?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.