Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sóng ở đáy sông

Vân Khanh| 20/05/2013 06:15

(HNM) - Hơn hai tháng sau khi nhậm chức, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã tới Ấn Độ (ngày 19-5) trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên.

Hơp tác kinh tế là nội dung quan trọng trong chuyến công du Ấn Độ của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường.


Không có chút nghi ngờ nào về chuyến công cán của Thủ tướng Lý Khắc Cường đến "người hàng xóm" bên kia dãy Himalaya sẽ thành công rực rỡ như một tiếp nối tầm nhìn chung về ngoại giao từng được lãnh đạo hai nước chia sẻ từ những năm 1950. Quan trọng hơn, hai quốc gia đông dân nhất thế giới đều nhận thức rõ những lợi ích chung và thắt chặt quan hệ trên cả bình diện song phương lẫn quốc tế. Chung đường biên giới dài hơn 3.200km, đều là những quốc gia đang trỗi dậy mạnh mẽ, là đối tác thương mại khổng lồ của nhau, Trung Quốc và Ấn Độ là cặp song hành đặc biệt mà sự nổi lên của cả hai trên sân khấu địa - chính trị và kinh tế thế giới đã trở thành một trong những đặc trưng tiêu biểu của lịch sử đối ngoại toàn cầu những năm đầu thế kỷ XXI. Trấn giữ hai vị trí chiến lược, thực lực kinh tế, quân sự trong thời toàn cầu hóa đã góp phần cải thiện nhanh chóng vị thế của hai nước trên trường quốc tế. Vai trò đang lên của Trung Quốc và Ấn Độ đã đóng góp đáng kể vào nỗ lực cân bằng hệ thống chính trị toàn cầu, góp phần quyết định cấu thành hành trình chuyển dịch trọng tâm quyền lực thế giới về phía đông đang diễn ra.

Tuy nhiên, sự mạnh lên đồng thời của cả hai người khổng lồ Châu Á cũng tạo ra những áp lực vô hình cho cả Trung Quốc và Ấn Độ trong cuộc đua tìm kiếm ảnh hưởng trong khu vực và toàn cầu. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của hai nước cùng tăng ngoạn mục với nhiều yếu tố gắn kết tưởng chừng đã quá đủ để gắn kết hai nền kinh tế đang phát triển làm kinh ngạc cả thế giới. Thế nhưng, có một thực tế không thể phủ nhận là việc chung "bức vách" Himalaya chưa đủ để làm bền vững không gian hữu nghị với những ám ảnh của một quá khứ đầy trắc trở. Đánh giá về mối quan hệ Trung - Ấn, các chính khách và học giả của cả hai nước đều thừa nhận dù hơn 5 thập kỷ đã đi qua, ký ức cay đắng từ cuộc chiến tranh biên giới chớp nhoáng năm 1962 tại nóc nhà thế giới khiến hai bên tổn thất đến gần 2.000 nhân mạng vẫn chưa thực sự ngủ yên.

Bất chấp những nỗ lực cải thiện quan hệ song phương trên bàn ngoại giao, nguyên nhân chính trị dẫn tới cuộc xung đột chóng vánh gần như vẫn chưa được giải quyết. Không thừa nhận tính hợp pháp của đường biên giới được người Anh và người Tây Tạng ấn định năm 1914, bản đồ của Trung Quốc vẫn có bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ trong khi New Delhi đòi chủ quyền khu vực Askai Chin do Bắc Kinh kiểm soát. Bất đồng lãnh thổ khiến đường biên giới giữa hai láng giềng nhiều duyên nợ vẫn là đường biên giới dài nhất hành tinh duy nhất trên bộ còn chưa được phân định. Các hoạt động quân sự tại đường biên gần đây giữa hai nước cho thấy cả hai vẫn hướng về vùng đất mà cựu Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru từng mô tả là "không có tới một ngọn cỏ mọc" với sự cảnh giác cao độ. Đáp lại việc láng giềng Trung Quốc thiết lập một cơ sở hạ tầng quân sự hiện đại như mở rộng đường sá, xây mới sân bay và triển khai tên lửa tầm trung…, Ấn Độ cũng điều động 180.000 quân, thành lập hai phi đội Su-30 và điều động tên lửa hành trình Brahmos... Quyết định rút quân khỏi khu vực Ladakh sau gần một tháng căng thẳng chỉ vài ngày trước khi Ngoại trưởng Ấn Độ Salman Khurshid đến Trung Quốc ngay trước chuyến thăm của Thủ tướng Lý Khắc Cường phản ánh rõ những thách thức còn tồn tại giữa hai nước.

Không chỉ những lợi ích trực tiếp và cốt lõi, mọi động thái từ đối tác đều trở nên cực kỳ nhạy cảm. Ấn Độ vẫn chưa thôi nghi ngại khi Trung Quốc ngày càng gần gũi với Pakistan, quốc gia sát vách mà New Delhi đã có tới 3 cuộc chiến tranh. Các kế hoạch "Tây tiến" của Bắc Kinh với những dự án lớn ở Sri Lanka, Bangladesh, Nepal đang được nước láng giềng dõi theo với sự thận trọng hiếm thấy. Trong khi đó, chiến lược "Đông tiến" của Ấn Độ qua sự hợp tác toàn diện với nhiều quốc gia Đông Nam Á, sự xích lại với Nhật Bản hay Ấn Độ được xem như một trọng tâm trong chiến lược trở lại Châu Á của Mỹ khiến Trung Quốc không thể không lưu tâm.

Vì vậy, những khúc mắc của quá khứ và thử thách trong hiện tại đang như những con sóng ở dưới đáy sông tiềm ẩn những nguy cơ tạo nên các con nước có thể gây sóng gió cho quan hệ Trung - Ấn. Như vậy, không có nghĩa tiềm năng hợp tác giữa hai quốc gia chiếm tới 1/3 dân số thế giới và đều hứa hẹn là những nền kinh tế dẫn đầu thế giới vào cuối thế kỷ này bị lu mờ. Chuyện Trung Quốc và Ấn Độ có thể bắt tay để lập lại trật tự thế giới như Thủ tướng quốc gia Nam Á Manmohan Singh từng nhắc đến không phải là giấc mộng viển vông. Có điều, phía trước không chỉ là dãy Himalaya cao ngất mà còn là những khác biệt không dễ thỏa hiệp.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sóng ở đáy sông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.