(HNMCT) - Sông nước là đề tài đặc sắc của thơ ca, nghệ thuật. Nhiều câu ca dao, đặc biệt là ca dao về tình yêu đôi lứa, người Việt thường sử dụng hình ảnh thiên nhiên quen thuộc để thể hiện cảm xúc của họ, trong đó có hình ảnh sông nước.
Rất nhiều câu ca dao tình yêu của người Việt mở đầu bằng hình ảnh ở bến sông, bờ ao: “Chiều chiều ra đứng bờ ao/ Tay vin cành quế tay trao lượng vàng”, “Cô kia đứng ở bờ sông/ Có muốn ăn nhãn thì lồng sang đây”, “Cách nhau có một con đầm/ Muốn sang anh bẻ cành trầm cho sang”... Bờ sông, bến sông, bờ ao là những không gian trữ tình thân thuộc, bình dị, phù hợp với việc bày tỏ tình cảm đôi lứa. Không gian sông nước quen thuộc, gần gũi đem lại sự tự nhiên trong lời nói: “Này người đứng ở bờ sông/ Tay đeo nhẫn bạc có chồng hay chưa?”. Sự quen thuộc cũng giúp các chàng trai, cô gái thêm táo bạo: “Ước gì sông rộng một gang/ Bắc cầu dải yếm cho chàng sang chơi”. Có thể nói, trên không gian bờ sông, bến nước, chàng trai, cô gái đã bạo dạn đối diện với lòng mình, không ngại ngần bày tỏ lời chân thành của trái tim đang rạo rực cảm xúc và khao khát mãnh liệt về hạnh phúc lứa đôi.
Trong các câu ca dao tỏ tình, sông nước được miêu tả với “độ trong”: “Nước trong cá bống giỡn sao/ Đôi ta bận bịu ngày nào hiệp chung”, “Nước trong cá lội bên bờ/ Hỏi em mấy tuổi mà chưa lấy chồng”... Hình ảnh “nước trong” không chỉ gợi dòng nước trong veo, mát lành mà còn là sự trong trẻo, tinh khôi, cảm xúc xao xuyến tình yêu trong giây phút đầu tiên. Cùng với độ trong của nước, ca dao người Việt còn viết về trạng thái “lên” của nước: “Nước lên lắp xắp bờ biền/ Người ta sang cả, em cắm sào đợi ai”, “Nước lên lai láng vồng khoai/ Ta thương thầm nhớ trộm biết cùng ai tỏ tường”... Trạng thái nước lên dù lắp xắp hay lai láng cũng đều gắn với cảm xúc tâm lý của người bày tỏ. “Tình anh như nước dâng cao/ Tình em như dải lụa đào tẩm hương”, gợi tình cảm đang trào dâng, mỗi lúc một nhiều hơn, thắm thiết hơn và mãnh liệt hơn.
Hơn nữa, trong ca dao tỏ tình, nước còn được miêu tả ở trạng thái “chảy”: “Nước sao nước chảy tràn đồng/ Tơ duyên còn đó tơ hồng chưa xe”, “Nước trên khe chảy về sông Vịnh/ Trời trên đã định nên chi con nước nọ mới chảy vòng cung”... Nước chảy là trạng thái động, với dòng chảy mạnh, chủ yếu là với hướng cao xuống thấp: Từ “trên khe”, “trên nguồn”, “chảy về sông Vịnh”, “chảy xuống ngọn nguồn", “chảy xuống đồng bằng”, “chảy xuống ruộng xanh”, “chảy tràn đồng”. Hình ảnh nước chảy rất phù hợp cái tình đang cháy bỏng mãnh liệt, khát khao khiến lời tỏ bày tình cảm càng nồng nhiệt, tha thiết. Bên cạnh đó, có những câu ca dao miêu tả dòng chảy nhẹ nhàng: “Cái ngọn sông Đào vừa trong vừa chảy/ Anh đi kén vợ mười bảy năm nay”, “Nước chảy riu riu, lộc bình kêu ríu ríu/ Anh thấy em nhỏ xíu anh thương”... Dòng nước sông ở trạng thái chảy nhẹ êm là sự tương đồng với cảm xúc êm ái, lắng dịu nhưng chắc chắn, bền bỉ, sâu sắc. Dễ nhận thấy, dòng nước khi mạnh mẽ, khi nhẹ nhàng như cảm xúc của người đang yêu khi dữ dội, ồn ào, lúc dịu êm, lặng lẽ; khi dào dạt, dâng cuốn, lúc lắng lại, thủ thỉ, tâm tình.
Hình ảnh sông nước trong ca dao tình yêu đôi lứa thường đi kèm với các hiện tượng thiên nhiên như mây, mưa, sấm, chớp: “Sấm đông chớp bể mưa nguồn/ Anh chưa có vợ có buồn không anh”, “Trời vần vũ mây giăng bốn phía/ Nước biển đông sóng dợn tứ bề/ Biết làm sao cho trọn nghĩa phu thê/ Đó chồng đây vợ đi về có đôi”... Hình ảnh của các hiện tượng mây, mưa, sấm chớp đã tạo nên không gian nghệ thuật sông nước đối lập với không gian phẳng lặng, bình yên của con người. Đó là cách tạo tình huống để nhân vật bày tỏ khát vọng có đôi, bởi họ cần thiết phải có thêm sức mạnh để đối chọi lại với hoàn cảnh. Vì vậy, dòng đầu câu ca gợi ra không gian “chớp bể mưa nguồn” để tạo thử thách, gợi sự cô đơn, nhỏ bé của con người để dòng dưới lại như xoáy sâu vào tình cảnh của đối tượng, khơi dậy khát vọng lứa đôi, và vì thế lời tỏ bày dễ dàng được chấp thuận hơn: “Sấm đông chớp bể mưa ngang/ Anh chưa có vợ muốn sang chung tình”...
Đọc ca dao tình yêu đôi lứa, ta như được ngắm nhìn bức tranh tươi đẹp sông nước quê hương. Có những bài ca dao chỉ thuần túy là bức tranh phong cảnh, miêu tả vẻ đẹp của sông nước Việt Nam. Nhưng có những bài ca dao sông nước là bối cảnh cho cái tình bộc lộ. Trong lời tỏ tình, sông nước luôn gắn với tâm trạng, với nỗi niềm tình yêu, với chân dung tinh thần những người đang yêu. Vì vậy, sông nước không chỉ là một tín hiệu về không gian nghệ thuật, mà còn là tín hiệu đặc sắc mang đậm dấu ấn tư duy trí tuệ và cốt cách con người Việt.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.