Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sông nước miền Tây nuôi dưỡng đam mê

Minh Quang| 26/12/2010 07:30

(HNM) - Cách đây hơn chục năm, khi dạy Võ Thanh Tùng bơi lội, chắc bố cậu không nghĩ rằng con trai mình sẽ có ngày được thi bơi ở một giải đấu thể thao cấp châu lục dành cho người khuyết tật. Nhưng điều đó đã đến và thật kỳ diệu, Võ Thanh Tùng còn đoạt HCV, một thành tích làm nức lòng đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam tham dự ĐH Thể thao người khuyết tật châu Á (ASIAN Para Games) lần thứ I - năm 2010.


Tập bơi để phòng thân

Năm 2 tuổi, sau một trận sốt, cậu bé Võ Thanh Tùng phải đối mặt với nguy cơ bị liệt. Quả thực, sau đó Võ Thanh Tùng không còn chạy nhảy được như chúng bạn. Nhiều lúc cậu chỉ có thể buồn bã nhìn bạn chơi đùa mà không thể tham gia.


VĐV bơi lội Võ Thanh Tùng với tấm HCV ASIAN Para Games 2010.

Gia cảnh cậu lại khó khăn, trông cả vào nghề rèn của bố nên từ bé, Võ Thanh Tùng đã phải phụ cha, làm những việc phù hợp với thể trạng. Gia đình Tùng nay đây mai đó trên chiếc ghe từ quê nhà An Giang đi làm khắp miền Tây Nam bộ. Chính trong những ngày phiêu bạt trên sông nước miền Tây mà người cha của Tùng đã nghĩ đến việc phải dạy bơi cho con, phòng khi bất trắc. Thế rồi ông thả Tùng xuống nước, cho cậu bé biết thế nào là bơi lội. Đó cũng chính là một trong những quyết định sáng suốt nhất của người cha bởi sau đó cậu bé đã mê mẩn bơi lội. Cứ hễ rảnh là nhảy ùm xuống nước cho thỏa cơn khát bơi lội, để lại tìm thấy mình, biết rằng mình có thể không chạy nhảy như chúng bạn nhưng lại có thể bơi được, chẳng kém ai. Đối với Tùng bơi lội không còn là giải pháp giúp cậu nhỡ khi bị rơi xuống nước mà còn là một thế giới khác, đầy quyến rũ.

Khi cả nhà chọn Cần Thơ để an cư cũng là lúc Thanh Tùng phải tìm hướng đi để tồn tại trong quãng đời phía trước. Không biết cái cảm giác chinh phục dòng nước, thả mình trong dòng nước sông có giúp gì cho Tùng không, chỉ biết cậu dần dần đứng vững trên đường đời. Tốt nghiệp cấp 3, cậu học lớp trung cấp điện tử. Đến khi thấy nghề sửa chữa điện thoại di động có đất làm ăn, Tùng lại xin theo học nghề này. Có nghề trong tay, hằng tháng Tùng cũng có nguồn thu nhập ổn định, có thể nuôi bản thân và người mẹ già.

Bơi để thành nhà vô địch

Cơ duyên đưa Tùng đến với thể thao người khuyết tật vào năm 2005 khi anh tham gia thi đấu cho đội thể thao người khuyết tật Cần Thơ. Dự giải toàn quốc, Tùng đoạt thành tích cao và được các HLV đội tuyển quốc gia để ý. Cũng vì muốn có điều kiện phát triển thành tích, Võ Thanh Tùng đã lên TP Hồ Chí Minh, nơi HLV bơi đội tuyển người khuyết tật quốc gia Đổng Quốc Cường đang sinh sống. Tại đây, vừa làm việc ở cửa hàng điện thoại Nokia, Tùng vừa tham gia tập luyện bơi lội để mơ có ngày bước lên ngôi cao tại giải quốc tế.

Cái tên Võ Thanh Tùng chỉ được nhắc đến nhiều vào năm 2009 khi chàng trai sinh năm 1985 đầy nghị lực này đoạt 3 HCV tại ĐH Thể thao người khuyết tật Đông Nam Á tại Malaysia. Trước ASIAN Para Games ở Quảng Châu (Trung Quốc), khi so sánh với thành tích của các VĐV hàng đầu thế giới, châu lục, ông Đổng Quốc Cường đã nhận ra rằng cậu học trò của mình hoàn toàn có thể làm nên chuyện. Ông bảo rằng: "Nhiều người khác nếu biết phải thi đấu với các cao thủ thế giới có khi đã thua từ ngay lúc tập luyện, chán nản, bỏ bễ chứ không đợi đến lúc thi đấu. Trong khi đó ý chí tập luyện của cháu Tùng thì miễn chê. Tôi chỉ nói với cháu rằng, những VĐV hàng đầu thế giới, châu lục kia cũng là con người. Người ta làm được thì mình cũng có thể làm được những điều tương tự. Tùng nhận thấy điều ấy, chuyên tâm tập luyện, nhất là khi được tập trung tập huấn và hứa với thầy, với mẹ sẽ giành huy chương. Thời gian tập trung tập huấn, một ngày bơi gần 3km mà cháu chẳng kêu ca gì, cố nuốt trọn khối lượng bài tập". Nhắc lại chuyến thi đấu tại ASIAN Para Games vừa rồi ông Đổng Quốc Cường, từng có thời làm Chủ nhiệm CLB bơi lội Hà Nội, vẫn đầy tiếc nuối: "Nếu Tùng có nhiều kinh nghiệm thi đấu hơn thì tại kỳ vừa rồi cháu không chỉ đoạt 1 HCV, 1 HCB mà ít nhất phải là 2 HCV. Ở cự ly 100m tự do, nếu Tùng biết phân phối sức, đừng tung cú nước rút quá sớm dẫn đến nhanh chóng suy giảm thể lực thì còn lâu đối thủ Nhật Bản, trước đó bị bỏ lại khá xa, mới có thể về đích trước và giành HCV ngay trước mắt". Trong mắt ông Cường, cậu học trò vẫn còn phải chỉnh sửa nhiều về chuyên môn. Tùng có kỹ thuật tốt nhưng sức nhanh, mạnh, bền chưa tích lũy và được khai thác là bao vì thời gian tập theo kiểu chuyên nghiệp quá ít. Nếu làm được vậy thì Tùng phải có nguồn thu nhập ổn định từ luyện tập thể thao. Đáng tiếc, phát triển thể thao người khuyết tật chỉ ở mức nghiệp dư trong khi hoàn cảnh kinh tế của Tùng không phải khá khẩm gì. Ngay cả mỗi lần tập trung đội tuyển để đi thi đấu Tùng cũng phải vất vả thu xếp công việc với người quản lý cửa hàng sửa chữa điện thoại bởi giữ việc thì khó chứ mất việc thì dễ, nhất là với một người khuyết tật như Tùng. Biết vậy, nên ông Đổng Quốc Cường chỉ tiếc và mong một ngày nào đó, học trò của mình được chế độ ăn tập kiểu chuyên nghiệp để nâng cao thành tích.

Thành tích tại ASIAN Para Games đã mang lại cho Võ Thanh Tùng chút tiền thưởng. Ngay khi nhận tiền, Tùng đã nghĩ đến việc sửa nhà - điều mà cậu cũng không thể ngờ được từ những ngày lặn ngụp trong những dòng sông miền Tây Nam bộ, từ khi tham gia thể thao người khuyết tật. Nhưng nếu không có nghị lực thép, chắc gì Tùng đã làm được những điều có ích cho bản thân, gia đình đến vậy.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sông nước miền Tây nuôi dưỡng đam mê

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.