(HNM) - Trên 10 thế kỷ đã qua, Hà Nội thực sự xứng danh là một thành phố sông hồ. Đáng tiếc là gần đây, cùng với đẩy nhanh nhịp độ công nghiệp hóa, nhiều sông hồ nội đô không còn...
Sông ngòi Hà Nội - Mạng giao thông thủy vùng Bắc bộ
Trong công trình nghiên cứu sông ngòi vào thời Tự Đức (1874) của Đại học sĩ Trần Lưu Huệ, Thăng Long - Hà Nội xưa nằm trên miền đất trũng, là vùng đô thị sông hồ. Cuối thế kỷ XIX, địa hạt Hà Nội có một hệ thống sông ngòi dày đặc, gồm nhiều dòng chảy tạo thành những trục giao thông quan trọng kết nối toàn vùng Bắc bộ. Đó là mạng lưới của dòng chảy Nhĩ Hà, Mang Giang, Nhuệ Giang, Hát Giang, Tô Lịch, Kim Ngưu và nhất là Hát Giang gắn với nhiều chứng tích xưa (Trần Lưu Chung 2012).
Sông Hồng là con sông lớn chảy qua địa phận Hà Nội. Ảnh: Thái Hiền |
Dòng Nhĩ Hà (sông Mẹ) nhìn như một vành tai. Khởi nguồn từ phía Bạch Hạc, Sơn Tây cũ (nơi đón nhận dòng chảy đầu nguồn từ tỉnh Tuyên Quang); sông Mẹ hợp lưu cùng sông Đà, sông Lô và sông Thao ở thượng nguồn; phía hạ nguồn, sông hợp với dòng Vị Hoàng của Nam Định chảy đến Xuân Trường thì phân nhánh. Nhánh đông chảy đến cửa Ba Lạt, cửa Lân và phía tây là cửa biển Lịch. Nhĩ Hà tiếp dòng Lô Giang thuộc châu Hương Lang, rồi chảy qua các huyện, hạt Từ Liêm, Vĩnh Thuận, Thọ Xương, Thanh Trì, Thượng Phúc, Phú Xuyên, Nam Xương; bên tả ngạn là huyện Yên Lãng (Sơn Tây), tiếp đó là Đông Ngàn, Gia Lâm, Văn Giang thuộc tỉnh Bắc Ninh và các huyện Đông An, Kim Động, Tiên Lữ, Diên Hà, Hưng Nhân của tỉnh Hưng Yên…
Cùng với sông Mẹ, hệ thống sông nhánh chảy qua nhiều vùng trù phú của đồng bằng, tạo thành một hệ thống giao thông thủy thuận lợi, liên thông mật thiết đối với toàn vùng Bắc bộ. Dòng Mang Giang bắt nguồn từ thượng lưu Nhĩ Hà, theo hướng sông Mẹ chảy qua Nam Xương đến Bộc Giang (tục gọi là Lung Lạp) rồi xuôi xuống các huyện Thanh Liêm, Duy Tiên, Kim Bảng, sau đó hợp lưu với Châu Giang, Hát Giang để chảy vào sông Thanh Quyết (Ninh Bình). Qua Kim Sơn, dòng chảy hợp với Hoạch Giang, Hồ Giang và Càn Giang rồi thoát ra cửa biển Chính Đại.
Phía dưới sông Mang, Hát Giang là dòng chảy nối tiếp thượng lưu Nhĩ Hà ở huyện Yên Sơn; Đan Phượng (Sơn Tây) và Lô Giang thuộc châu Hương Lang. Khởi nguồn từ Hát Môn thuộc huyện Phúc Thọ, sông Hát chảy qua các huyện Đan Phượng, Từ Liêm, Thanh Oai rồi chuyển hướng về tây, hợp với sông Bùi chảy đến Phương Đình thuộc phủ Ứng Hòa, sau đó chảy qua huyện Hoài An đến huyện Kim Bảng thì hợp với Châu Giang. Khi đến Gia Viễn (Ninh Bình) dòng chảy hợp với sông Thanh Quyết, qua huyện Kim Sơn hợp lưu với sông Hoạch chảy vào Càn Giang rồi đổ ra cửa biển Chính Đại.
Theo hướng Hát Giang, có một dòng chảy đầu nhọn gọi là Nhuệ Giang. Nhuệ Giang bắt nguồn từ huyện Từ Liêm, đi qua các huyện Thanh Oai, Thanh Trì, Thượng Phúc, đến Phú Xuyên hợp với Ngưu Giang, Sa Giang, rồi chuyển hướng nam đến sông Mang thuộc Trác Bút (huyện Nam Xương) để đổ vào sông Nhĩ Hà. Nối với Nhuệ Giang là sông Tô Lịch, dòng Tô Lịch phát nguồn từ Nhĩ Hà, tả ngạn phân nhánh chảy vào Thọ Xương; sông chảy qua các huyện Vĩnh Thuận, Từ Liêm, Thanh Trì đến Cổ Hiền (huyện Thượng Phúc) sông hợp với Nhuệ Giang, sông Ngưu rồi hợp với Mang Giang để đến Nhĩ Hà.
Một dòng chảy khác gắn với nhiều truyền thuyết là sông Kim Ngưu. Tương truyền ở núi Lạn Kha (huyện Tiên Du, Bắc Ninh) có con trâu vàng từ trong hang núi ra ẩn ở Hồ Tây, những vết chân trâu chạy qua sau biến thành sông. Kim Ngưu bắt nguồn từ phía nam Hà Nội chảy qua Thọ Xương, Thanh Trì, Thượng Phúc đến Phú Xuyên hợp với sông Nhuệ qua ngã ba Lương rồi cũng đổ vào dòng Mang Giang (Trần Lưu Chung 2012).
Nét riêng gắn với lịch sử cội nguồn trên những dòng sông cổ
Nghiên cứu địa lý lịch sử cội nguồn, sử gia, giáo sư Trần Quốc Vượng từng chỉ ra, khoảng thế kỷ VI-VII TCN có ba khu vực quan trọng là Văn Lang (hay Mê Linh), Chu Diên và Tây Vu đều nằm trong vùng Hà Nội. Đây được cho là nơi chứng kiến toàn bộ quá trình phát sinh, phát triển của nền văn minh sông Hồng, một nền văn minh Việt cổ.
Hát Giang là dòng sông cổ gắn với những chiến tích lịch sử và những trận chiến hào hùng chống quân xâm lược trong cuộc khởi nghĩa giành độc lập của Hai Bà Trưng. Nằm ở tả ngạn sông Hát (nay gọi là sông Đáy), tại làng Do Lộ, Hát Giang xưa phân thành ba nhánh, trên cổng đình, tiền nhân đã lưu lại đôi câu đối, được Viện Hán Nôm dịch là: Đây là một trong 72 ngôi đền ở trời Nam lưu lại dấu thiêng của vua Hùng, nhiều đời phong tặng rạng rỡ điển chương; và đây là nơi phân ra ba nhánh sông Hát xưa, đất đẹp kỳ quan, rạng rỡ nghìn năm lưu dấu Hồng Lạc.
Tại Do Lộ, một nhánh của Hát Giang chảy qua Thắng Lãm rồi về Bảy Giỏ để hợp với Nhuệ Giang. Tương truyền khi dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long, vua Lý Công Uẩn đã theo đường thủy qua sông Nhuệ và Tô Lịch đến kinh thành. Để tạ ơn Đức Phật, Người lại ngược theo hướng này đến động Hương Tích. Trên đường đi, phát hiện thắng cảnh kỳ thú Thắng Nghiêm (trang Khúc Thủy), Người đã dừng chân và sau đó cho tu bổ lại ngôi chùa để thành nơi vãng cảnh của Hoàng tộc khi về Thăng Long.
Trong vùng, từ thượng chi Ao Vạc đến hạ chi Bảy Giỏ, tại bốn xã, phường Yên Nghĩa, Phú Lãm, Phú Lương và Cự Khê ngày nay, các nhà nghiên cứu đã ghi nhận được 32 di tích lịch sử văn hóa xếp hạng, trong đó có 30 ở cấp quốc gia. Có lẽ chưa nơi nào trên đất nước ta lại có mật độ di tích văn hóa lịch sử quốc gia cao như ở vùng này (Lê Thành 2009).
Để làm rõ thêm nhận xét của Giáo sư Trần Quốc Vượng, gần đây trong bộ sách "Nguồn gốc dân tộc Việt và nền văn minh Việt cổ", các nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Văn hóa người cao tuổi Việt Nam đã phân tích và đưa ra nhiều nội dung đáng quan tâm về chứng tích hiện còn ở hai bên bờ sông Hát cổ. Với địa hình trên đới đứt gãy sông Hồng, sông Hát gắn với vùng bán sơn địa, sau lưng là nguồn lâm sản phong phú, mặt trước là đồng bằng có hệ thống sông ngòi, thuận lợi cho nghề trồng lúa và đánh bắt thủy sản. Khảo sát điền dã trên chiều dài hơn 30km ở phía thượng nguồn (từ Hát Môn cho đến khu vực Thanh Oai), các nhà nghiên cứu đã thu nhận được nhiều thông tin liên quan qua những ghi chép về mộ chí, nơi chôn cất, ngày giỗ và tục lệ thờ cúng. Dựa vào nghi thức dân gian và việc cúng lễ trong ngày giỗ và lễ hội ở đình, chùa, đền, miếu; kết hợp với kiểm định về năng lượng tâm linh ngoại cảm; nhóm nghiên cứu đã rút ra nguồn tư liệu phong phú, đáng để suy ngẫm về những huyền thoại được truyền tụng lâu đời. Theo đó, chứng tích trên các địa danh hiện còn có thể phân thành 7 quần thể dưới đây:
Phía hữu ngạn sông Hát. Cụm đình, chùa, đền, miếu Cảnh Tiên ở Vân Lôi (Thạch Thất) có thể là nơi định cư đầu tiên của người Việt cổ. Tại đây lưu giữ được đôi voi tạc từ đá ong cổ với bức Đại tự còn ghi "Lịch Đại Đế Vương". Cụm cố đô Cực Lạc gồm đồi núi của chùa Tây Phương và Cực Lạc gắn với những truyền thuyết về Nữ Oa, có phần mộ Địa Mẫu, Đế Hòa ở Thạch Xá (Thạch Thất). Cụm Hoàng Xá, chùa Vàng gồm những hang động của chùa Thầy, chùa Vàng, động Hoàng Xá (Quốc Oai); tại đây còn miếu thờ và mộ vọng của Viêm Đế. Cụm đồi làng Sở, núi Trầm thuộc xã Tiên Phương (Chương Mỹ) được cho là kinh đô của Viêm Bang cũ; gồm nhiều đình, chùa, hang động chứa dấu tích của mộ Thần Nông, mộ Lưỡng Long Cát (thầy dạy Thần Nông), chùa Vô Vi, bia đá thờ mẹ Thần Nông, giếng nước và nhiều chứng tích liên quan đến truyền thuyết Thần Nông. Về phía tả ngạn dòng sông, những di tích đình, chùa, đền, miếu, mồ mả, tục lệ dân gian và đặc biệt là kết quả khảo cổ học năm 1984-1985 ở xã Phú Lương cho thấy, có nhiều chứng tích liên quan đến truyền thuyết về các vua Hùng, được coi là kinh đô nước Xích Quỷ (Tam Vương) từ xa xưa của dân tộc Việt (Tạ Việt Dũng, Nguyễn Mạnh Can 2012).
... Sông ngòi Hà Nội từng tạo nên vẻ đẹp huyền thoại của vùng Thủ đô sông nước; giá trị vĩnh hằng của dòng chảy không chỉ bồi đắp cuộc sống con người, cân bằng sinh thái để phát triển bền vững mà còn gắn bó với văn hóa tâm linh hướng về cội nguồn…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.