(HNM) - Người phụ nữ ấy năm nay đã 83 tuổi. Ở tuổi này, nhiều người đã yên phận tuổi già, vui vẻ sum vầy cùng con cháu. Nhưng với bà, mỗi năm thêm một tuổi lại càng thấy mình phải làm
Cô gái Tày lớn lên trong cách mạng
Người phụ nữ ấy là bà Lê Thu (tên thật là Đào Thị Đoan). Ở tuổi 83 nhưng vẫn minh mẫn lắm, với nụ cười đôn hậu, lối nói chuyện gần gũi, tự nhiên, bà kể cho tôi nghe về cuộc đời mình từ ngày còn là cô bé học trò 14, 15 tuổi ở nơi chôn rau, cắt rốn là xã Hưng Đạo, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng. Cô gái người dân tộc Tày ấy sinh ra trong gia đình giàu truyền thống, được cha mẹ cho học hành đến nơi đến chốn. Được người thân giác ngộ, bắt đầu công việc liên lạc cho các tổ chức cách mạng đến năm 1947, bà Lê Thu thoát ly, tham gia thiếu sinh quân Liên khu I ở Trung đoàn Sông Lô - Lao Hà, rồi sau đó tham gia lực lượng thanh thiếu niên tuyên truyền.
Bà Lê Thu với công việc thường ngày. |
Duyên dáng, có tài ca hát nên năm 1948, bà đã lọt vào "tầm ngắm" của đoàn cán bộ Nha Công an Trung ương (nay là Bộ Công an) đi tuyển người vào ngành công an. Sau một khóa học huấn luyện ngắn hạn, bà được bố trí làm việc ở văn phòng và là thư ký đánh máy cho Tổng Giám đốc Nha Công an Trung ương Lê Giản và chính ông đã đổi tên cho bà thành Lê Thu. Cái tên Lê Thu gắn với bà từ đó và cũng gắn với hàng loạt nhiệm vụ làm trinh sát ở nội thành Hà Nội. Để lọt vào vùng địch kiểm soát, bà phải làm giả căn cước và "vai diễn" người đi buôn chuyến từ Cao Bằng về Hà Nội đã giúp bà hoàn thành nhiều nhiệm vụ cam go. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, bà là một trong những thành viên nằm vùng ở Sân bay Bạch Mai để nắm thông tin của địch và đây là một trong những kỷ niệm đáng nhớ theo mãi cuộc đời bà.
Năm 1954, bà nhận nhiệm vụ mới tại Đài Tiếng nói Việt Nam. Cô gái Tày có giọng nói giàu sức thuyết phục đã trở thành phát thanh viên của chương trình binh vận. Bà còn thường xuyên hát những bài hát cách mạng và nghiệp hát đến với bà như một cơ duyên. Tình ca Tây Bắc, Cô giáo Tày, Cô gái Tày cầm đàn lên đỉnh núi… là những bài hát đầu tiên được thu trên làn sóng phát thanh, gắn liền với tên tuổi một thời của Lê Thu. Ghi nhận những cống hiến của bà, năm 2012, bà được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú.
Làm việc thiện để thấy lòng bình an
Những lần về thăm quê, lòng bà nặng trĩu khi nhìn những đứa trẻ chân trần, áo rách co ro trong tiết trời giá lạnh; những ngôi nhà tranh, vách đất thông thống gió bốn mùa. Nhìn người, ngẫm mình, năm 2002, bà đã vận động những người trong gia đình gom tiền để xây dựng nhà văn hóa cho thôn Bó Lếch, xã Hoàng Tung, huyện Hòa An (Cao Bằng) - nơi bà làm giao liên trong những ngày đầu hoạt động cách mạng.
Sau lần ấy, bà tiếp tục kêu gọi bạn bè cùng hướng đến những người có hoàn cảnh khó khăn. Những người con của bà đã cùng mẹ tham gia các chuyến đi từ thiện và là cánh tay đắc lực giúp bà thực hiện ước nguyện. Những ngày mới nghỉ hưu, được bạn bè của chồng giúp đỡ, bà học hỏi việc kinh doanh, xuất khẩu một số mặt hàng ra nước ngoài. Hơn 50 tuổi đời, Lê Thu vẫn vật lộn làm kinh tế với tâm niệm, muốn giúp đỡ được nhiều người, bản thân mình phải là người có điều kiện. Mất mát, được thua đều đã trải qua, bà tin vào quy luật "nhân quả" nên không so đo, tính toán khi bỏ công sức, tiền của cho những việc thiện nguyện. Năm đầu, bà tặng người dân ở xã Thịnh Vượng, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng một tấn bột giặt, một tấn dầu ăn... Sau đó, năm nào bà cũng có chuyến làm từ thiện ở các huyện trong tỉnh: Trà Lĩnh, Hà Quảng, Bảo Lâm, Bảo Lạc với việc tặng quà, tiền, xóa nhà dột nát cho người nghèo...
Được sự động viên của Hội Chữ thập đỏ TP Hà Nội, năm 2009, bà sáng lập Chi hội Tán trợ Chữ thập đỏ Thăng Long (Chi hội CTĐ Thăng Long). Chi hội gồm 30 người là những doanh nhân cựu chiến binh, lãnh đạo các doanh nghiệp cùng một số cán bộ đã nghỉ hưu của ngành công an. Trong chi hội CTĐ Thăng Long, bà đã vận động 5 người là các con, cháu trong gia đình cùng tham gia và gia đình của bà chính là gia đình CTĐ. Từ năm 2009 đến nay, 5 thành viên này đã nhận hỗ trợ thường xuyên cho 5 hộ nghèo ở TP Hà Nội với mức 2,4 triệu đồng/năm. Mỗi dịp lễ, tết, ngày thương binh, liệt sĩ… Chi hội CTĐ của bà lại vận động từ nhiều nguồn để tặng quà, tiền cho những gia đình có công với cách mạng, những người là thương binh, gia đình liệt sĩ, nạn nhân nhiễm chất độc da cam, các cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn. Không chỉ dừng lại ở đó, bà còn tìm nguồn kinh phí để giúp đỡ trẻ em nghèo, trẻ mồ côi và trẻ bị khuyết tật. Mỗi khi thiên tai, lũ lụt xảy ra ở đâu đó trên khắp các vùng của cả nước, bà lại vận động các doanh nghiệp, tổ chức ủng hộ đồng bào, chia sẻ những mất mát, đau thương. Bà và Chi hội còn tìm nguồn vận động để mua áo len, chăn ấm tặng cho cán bộ, chiến sĩ công an công tác ở tỉnh Cao Bằng...
Chỉ tính riêng tết Ất Mùi 2015, bà và Chi hội đã quyên góp được hơn 600 triệu đồng trợ giúp người nghèo. Số tiền quyên góp cho phong trào đền ơn đáp nghĩa cũng lên đến 1 tỷ đồng… Bà và Chi hội còn liên kết với Bệnh viện 19-8 và Bệnh viện Y học cổ truyền của Bộ Công an và Công ty cổ phần Dược phẩm Traphaco khám và cấp thuốc miễn phí cho hàng nghìn người ở các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Yên Bái, Lào Cai, Hà Nội, Quảng Bình, Quảng Trị.
Trong dịp 27-7-2015, bà và Chi hội đã đứng ra phối hợp tổ chức khám, tặng thuốc miễn phí cho các đối tượng chính sách ở tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và làm lễ cầu siêu cho các anh hùng liệt sĩ tại Thành cổ Quảng Trị với số tiền lên đến hơn 1 tỷ đồng. Chưa kể việc bà tạo lập chương trình ngân hàng bò, lập sổ tiết kiệm (10 triệu đồng/sổ) để trao cho những hộ nghèo ở tỉnh Cao Bằng...
Bà Lê Thu bảo, thành quả này là công sức của tất cả các thành viên trong Chi hội, đã nhiệt tình để kêu gọi, vận động và những doanh nghiệp nặng lòng với công tác từ thiện như: Công ty cổ phần Dược phẩm Traphaco, Công ty Daso group, Công ty Đầu tư Nam Dương… Tuổi mỗi ngày một cao, mỗi chuyến đi Cao Bằng hay Quảng Bình, Quảng Trị lại khiến các con lo lắng, song bà vẫn vui vẻ dặn dò để các con yên tâm: "Mẹ càng đi làm việc thiện, mẹ thấy lòng càng bình an, tâm không phiền muộn và có thêm sức khỏe". Hiện nay, số tiền lương hưu của mình, bà cũng dành trọn cho công tác này. Chia tay bà, nỗi băn khoăn của bà khiến tôi thật sự cảm động: "Cô lo lắm, tuổi mỗi ngày một cao mà cô còn bao dự định chưa làm nổi. Còn sống ngày nào cô còn tranh thủ làm từ thiện ngày đó".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.