Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sống lại những giá trị truyền thống

Vũ Quỳnh - Dương Hiệp| 24/09/2013 06:08

(HNM) - Nửa tháng trở lại đây, sân khấu Hà thành lại sáng đèn. Khán phòng các rạp chật cứng, dòng người hân hoan kiên nhẫn xếp hàng mua vé đi xem kịch Lưu Quang Vũ hệt những ngày xưa.

Cũng tạo nên hiện tượng khác lạ, ba ngày cuối tuần nhà thi đấu số 10, phố Trịnh Hoài Đức làm sống lại không khí của phong trào bóng bàn một thời len lỏi từng ngõ phố. Hình ảnh đông đảo người hâm mộ vượt cái nóng gay gắt tháng tám đến cổ vũ Giải Bóng bàn tranh Cúp Báo Hànộimới mở rộng lần thứ II - năm 2013 đã để lại ấn tượng đẹp với nhiều người...

Các CĐV vô cùng phấn khích sau mỗi sét đấu. Ảnh: Hoa Nam



Bất ngờ ở một sân chơi

Có lẽ, chỉ những người Hà Nội từng sống qua những năm tháng khó khăn của thế kỷ trước mới hiểu được giá trị của bóng bàn và sân khấu. Một thời, người Hà Nội từng say mê đón xem những vở kịch của Lưu Quang Vũ khiến sân khấu trở thành niềm đam mê hơn cả xem xinê và ca nhạc. Cũng một thời như thế, thanh niên Hà Nội mê đánh bóng bàn và chơi ghita. Tiêu chí chọn người yêu của con gái Thủ đô từ những năm 80 của thế kỷ trước là "anh trai Hà Nội vừa biết gảy đàn vừa đánh bóng giỏi".

Những năm 80, tầng lớp cán bộ trung, cao cấp của Hà Nội thường sinh sống trong những khu tập thể. Ở những cộng đồng này, luôn có một bàn bóng khiến thanh niên ngoài phố không có điều kiện chơi phải ghen tị. Khác với cảnh mình trần trùng trục lăn lê đầu đường, cuối bãi với trái bóng tròn, những thanh niên chơi bóng bàn có dáng bảnh bao của anh trí thức học rộng, hiểu nhiều. Hình ảnh chàng trai cầm vợt đi xe cuốc gióng ngang một thời luôn hấp dẫn người bạn khác phái.

Cho đến bây giờ, bóng bàn vẫn là môn thể thao quần chúng được nhiều người ưa thích. Ở môn thể thao này, không tồn tại yếu tố cạnh tranh khốc liệt và ăn thua dẫn đến cay cú. Tinh thần vô tư của bóng bàn kể từ thời hoàng kim đến bây giờ vẫn trung trinh. Điển hình, ngay từ vòng bảng giải đấu tranh Cúp Báo Hànộimới mở rộng lần thứ II - năm 2013, tay vợt đương kim vô địch quốc gia Dương Văn Nam đã bất ngờ thua 1-3 trước một tay vợt thuộc hàng "chiếu dưới" là Nguyễn Anh Tú (Hà Nội). Thua "bẽ mặt" là thế, vẫn thấy Nam vui vẻ bắt tay đối thủ và trò chuyện với những tay vợt khác sau trận đấu để thẳng thắn nhìn nhận cú sốc này…

Dạt dào cảm xúc…

Những ngày diễn ra giải, các tay vợt Công an (CA) Phú Thọ, nội dung phong trào hạng B, gây nhiều chú ý. Không được coi là ứng cử viên nặng ký nhưng đội CA Phú Thọ cứ lừ lừ vào đến trận chung kết đồng đội để rồi đoạt chức vô địch khi vượt qua CLB Nhà Quàn đầy thuyết phục. Đến ngay cả lãnh đội CA Phú Thọ cũng không dám tin vào chiến thắng của đội nhà, bởi cả đội hầu như quanh năm, suốt tháng tập tại căn phòng nhỏ chỉ có 1 bàn. Để tăng kinh nghiệm trận mạc, thỉnh thoảng vào ngày nghỉ, mấy anh em trong đội lại đi xe máy hoặc xe khách xuống Hà Nội để cọ xát. Trong thời gian dự giải, cả đội ở tại một khách sạn nhỏ trên phố Núi Trúc, ăn tại các quán cơm bình dân gần đó. Lãnh đội CA Phú Thọ kể rằng, đi thi đấu một giải ngoài ngành nên cả đội chủ yếu tự thân vận động về kinh phí. Đối với đội bóng này, được thi đấu ở một giải chính thống tại Hà Nội là cơ hội tốt để nhận biết mình đang ở đâu. Nhưng kết quả cuối cùng lại quá mĩ mãn. Đội giành 1 HCV, 1 HCB nên thầy trò vui như Tết. Trưởng đoàn Vũ Điểu nói rằng: "Đây có lẽ là chuyến thi đấu nhiều kỷ niệm đẹp nhất với đội chúng tôi! Sau giải này, tôi hy vọng phong trào bóng bàn của Công an tỉnh sẽ mạnh hơn, sôi động hơn".

Năm nay, việc BTC đưa thêm nội dung dành cho VĐV chuyên nghiệp vào chương trình thi đấu đã khiến giải trở nên hấp dẫn hơn. Trong ngày thi đấu đầu tiên của nội dung chuyên nghiệp, nhiều khán giả chỉ kịp chạy đi ăn vội bữa chiều để sớm vào Nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức chứng kiến vòng tứ kết. Sự khát khao được chứng kiến các tay vợt chuyên nghiệp thi đấu của khán giả Hà Nội là không cần phải bàn cãi. Thế nên mới có chuyện họ muốn BTC cho đấu từng trận bán kết nội dung đơn nam chuyên nghiệp để được theo dõi hết diễn biến cả hai trận. Cũng phải kể thêm rằng, trước đó, Tiểu ban chuyên môn định để trận bán kết 2 giữa Lê Tiến Đạt (Nha khoa Bảo Đức) với Nguyễn Anh Tú (Hà Nội) diễn ra sau trận bán kết giữa Đinh Quang Linh và Đào Duy Hoàng. Tuy vậy, tay vợt trẻ Lê Tiến Đạt đã đề nghị được thi đấu luôn với Anh Tú để xong sớm về sớm, vì "cháu còn trông con, vợ mới đẻ được mấy ngày". Vì vậy, BTC đành để trận bán kết 2 diễn ra song song với bán kết 1. Tuy nhiên, trước đề nghị của khán giả, Trưởng BTC Giải Tô Quang Phán quyết định xếp trận Lê Tiến Đạt - Nguyễn Anh Tú vào sau trận Đinh Quang Linh - Đào Duy Hoàng, "ông bố trẻ" Lê Tiến Đạt cũng đành nén lòng để đáp lại nhu cầu của khán giả. Những VĐV cựu trào bên ngoài đã nhận xét rằng, đề nghị của khán giả cũng là hạnh phúc cho Lê Tiến Đạt lẫn Nguyễn Anh Tú. Bởi nếu không yêu thích tài năng của cả hai, chưa chắc khán giả đã đề nghị như vậy. Còn BTC Giải cũng coi đó là sự may mắn lớn. Đó có thể coi là một trong những khoảnh khắc đẹp nhất tại giải năm nay, giúp những nhà tổ chức nghĩ đến nhiều giải pháp hơn, mang đến những gì tốt nhất cho người hâm mộ bóng bàn Hà Nội.

Nhà báo Nguyễn Hoàng Dũng, một người đam mê bóng bàn đã không bỏ sót trận đấu nào trong những ngày diễn ra giải đấu Cúp Báo Hànộimới mở rộng lần thứ II. Trước giờ thi đấu chừng 10 phút, anh lặng lẽ ngồi ở một góc khán đài chăm chú dõi theo từng cử chỉ của các tay vợt. Say mê bóng bàn từ nhỏ, nhà báo Hoàng Dũng thừa hưởng gen từ người cha làm bên ngành thể thao nên cũng được xếp là tay vợt "có chút số má". Giờ bận bịu công việc nhưng hiếm giải đấu lớn nào ở Hà Nội, Hoàng Dũng lại vắng mặt. Giải đấu năm nay, Hoàng Dũng cùng những người mộ điệu khác đã khiến Nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức thêm phần sôi động. Lẫn trong khán đài, nhiều người hâm mộ vẫn nhận ra những tay vợt phong trào nức tiếng Hà thành một thời như Tuấn zô, Tùng "Quán Thánh"… với niềm đam mê bất tận.

"Ngày ấy, bóng bàn là môn thể thao hấp dẫn, được nhiều người yêu mến. Người ta tôn sùng vận động viên giỏi như những thần tượng trong lòng mình. Còn nhớ tại Nhà thi đấu Bộ Công nghiệp nặng, nằm trên phố Quang Trung, (giờ không còn nữa) hay CLB Bóng bàn Long Biên, và sau này là Nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức, mỗi khi có giải đấu, người hâm mộ chen chân đến xem. Thậm chí, khi không còn chỗ trống, người ta còn phải công kênh nhau, miễn là không bỏ lỡ những pha bóng đẹp" - Trọng tài Trần Dự hoài niệm về một thời bóng bàn Hà Nội cách đây mấy chục năm. Thuộc lứa VĐV thành danh của thời kỳ "hoàng kim" bóng bàn miền Bắc những năm 60 thế kỷ trước, giờ ông Dự lại khoác lên mình chiếc áo trọng tài của Giải Bóng bàn tranh Cúp Báo Hànộimới mở rộng lần thứ II - năm 2013 trong niềm vui khó tả. Chỉ ở "sân chơi" này, ông mới gặp được nhiều người hâm mộ cuồng nhiệt của mình trước đây.

Chuyện với phóng viên, ông Dự ví von "Sức lan tỏa của Giải Bóng bàn tranh Cúp Báo Hànộimới mở rộng lần thứ 2 không chỉ dừng ở các tỉnh phía Bắc mà còn lan ra cả các tỉnh phía Nam. Phải nhen lên những "đốm lửa". Vị trọng tài kỳ cựu này cho rằng Báo Hànộimới đã khơi dậy và làm sống lại phong trào say mê bóng bàn của người dân Thủ đô.

Cũng trong suốt 4 ngày tác nghiệp tại Nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức, nhóm phóng viên của Hànộimới đã được chứng kiến đủ những cung bậc cảm xúc của người hâm mộ. Từ hình ảnh những cặp vợ chồng đã luống tuổi, cho đến những gia đình trẻ, những ông bố "mê" bóng bàn đến độ "cắp nách" cả hai con thơ đến nhà thi đấu. Vào buổi chiều diễn ra trận chung kết, trên khán đài A còn có một người hâm mộ tuổi đã ngoài 80. Khi phóng viên của Hànộimới phỏng vấn, cụ rất muốn trả lời, bộc bạch tâm sự của mình nhưng cũng chỉ phều phào dăm ba câu vì… không còn răng. Chúng tôi hiểu rằng, người Hà Nội đang có những giây phút thăng hoa cảm xúc từ những giải thể thao như thế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sống lại những giá trị truyền thống

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.