(HNM) - Liên minh châu Âu (EU) đang trải qua một mùa hè không bình lặng. Tro bụi núi lửa Iceland vừa bay qua, khủng hoảng nợ bắt nguồn từ Hy Lạp đang ùn ùn kéo tới. Trong khi đó, vị trí "đầu tàu" của "ngôi nhà chung" này chuẩn bị được giao phó cho Bỉ - một quốc gia đang có nhiều nguy cơ phải hứng "khủng hoảng kép".
Dù cuộc bầu cử trước thời hạn của Bỉ đã kết thúc với thắng lợi thuộc về Liên minh Flemish Mới (N-VA) nhưng điều này không có nghĩa bất ổn chính trị tại quốc gia này đã đến hồi kết. Ngược lại, thắng lợi lần đầu tiên của đảng công khai theo đuổi chủ trương đòi độc lập cho vùng Flander nói tiếng Hà Lan ở miền Bắc nước Bỉ sẽ khiến cho tiến trình thành lập liên minh cầm quyền gặp thêm nhiều khó khăn. Vì hầu hết các đảng phái đều lo ngại chủ nghĩa dân tộc Flemish sẽ ảnh hưởng tới sự tồn tại của nước Bỉ thống nhất. Thậm chí có người đã tính đến khả năng quốc gia có lịch sử 180 năm hình thành và phát triển này sẽ bị chia làm hai thực thể riêng rẽ - một của cộng đồng người nói tiếng Hà Lan và một của cộng đồng người nói tiếng Pháp.
Tuy nhiên, trên thực tế, "cơn địa chấn" ở Flander chưa thể khiến thể chế Bỉ sụp đổ; vì không phải tất cả cử tri thuộc cộng đồng nói tiếng Hà Lan tại Bỉ đều đồng ý với việc chia cắt đất nước. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy số người ủng hộ chủ trương đòi độc lập chỉ chiếm rất ít, khoảng 10%. Nhưng, chiến thắng của đảng N-VA có thể là cơ hội để vùng đất này tiến được một bước quan trọng trên con đường đòi thêm quyền tự chủ.
Ra đời năm 1831 dưới hình thức một Nhà nước Công giáo thống nhất với ngôn ngữ chính là tiếng Pháp (mặc dù rất nhiều người nói tiếng Hà Lan), nước Bỉ - sau một thế kỷ tranh chấp về ngôn ngữ và sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc Hà Lan - tin rằng, họ đã tìm thấy công thức thần kỳ. Và mô hình nhà nước theo chế độ liên bang đã ra đời vào năm 1992. Thế nhưng, điều này đã khiến xứ sở sôcôla phải thích nghi với cấu trúc nhà nước mới trong đời sống hằng ngày. Đó là, hệ thống bầu cử theo tỷ lệ. Tức là, Chính phủ Bỉ phải thành lập một liên minh gồm ít nhất 4 đảng với số ghế bộ trưởng chia đều cho các đảng phái đại diện cho cả người nói tiếng Hà Lan lẫn tiếng Pháp - khởi đầu những ngày tháng đấu tranh dường như không bao giờ chấm dứt giữa hai cộng đồng này.
Điều đáng lo ngại nhất hiện nay là bất đồng giữa các đảng phái có thể khiến Bỉ rơi vào khoảng trống quyền lực kéo dài như đã từng xảy ra vào năm 2007, khi đất nước được mệnh danh là "trung tâm của châu Âu" này phải mất hơn 6 tháng để thành lập chính phủ.
Nếu quá trình thương lượng giữa các đảng phái kéo dài, Bỉ sẽ bỏ phí thời gian khi lẽ ra đã phải "thắt lưng buộc bụng" để giải quyết khoản nợ công đang lên mức báo động - dự kiến vượt 100% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Brussels cũng sẽ đi sau các nước Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong mục tiêu cải cách cơ cấu nền kinh tế. Nghiêm trọng hơn, bất ổn chính trị sẽ ngăn cản các hoạt động đầu tư, đẩy nước Bỉ trở thành nạn nhân tiếp theo của cuộc khủng hoảng nợ công đang hoành hành trong khu vực. Những rắc rối bùng phát ở "ngã tư của các nền văn minh" hẳn là điều EU không hề trông đợi, nhất là trong bối cảnh Brussels sẽ tiếp quản chức Chủ tịch EU luân phiên từ ngày 1-7 tới. Nói cách khác, trong chưa đầy 2 tuần nữa, nếu Bỉ chưa có một nội các mới ra mắt, chiếc ghế Chủ tịch EU sẽ được trao cho một quốc gia không có chính phủ chính thức.
Bất ổn chính trị cộng thêm bất ổn về kinh tế của Bỉ - trong nhiệm kỳ tới - đang khiến Lục địa già sốt ruột về một "thuyền trưởng" đáng tin cậy để chèo lái khu vực vượt qua những sóng gió hiện nay. Bên cạnh đó, sự rạn nứt chưa thể hàn gắn ở ngay thủ đô của EU sẽ là một đòn giáng mạnh vào uy tín của "mái nhà" 27 thành viên này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.