Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sóng di động ở vùng sâu, vùng xa

Theo SGGP| 17/12/2015 18:51

Với những người dân ở xã nghèo chưa có điện lưới quốc gia và những chiến sĩ đồn biên phòng, sóng di động luôn cần thiết vì nó không đơn thuần chỉ là công cụ liên lạc…

Nằm giữa đại ngàn của dãy Trường Sơn, sát biên giới Việt - Lào, xã Chơ Chun (huyện Nam Giang, Quảng Nam) là một trong những xã khó khăn nhất cả nước với tỷ lệ hộ nghèo gần 80%. Tuy nhiên, những chiếc điện thoại di động là điểm sáng công nghệ hiếm hoi trong cuộc sống của bà con người Cơ Tu nơi đây. Chủ tịch UBND xã Chơ Chun, ông Pơloong A Đốc, giãi bày: Vì không có đường để giao lưu buôn bán, không có điện phục vụ phát triển kinh tế nên đa số người dân trong xã sống tự cung, tự cấp bằng nương rẫy. Chưa hết, do địa hình cách trở nên Chơ Chun thường xuyên bị cô lập vì mưa lũ, không thể liên lạc được với bên ngoài.

Các chiến sĩ đồn biên phòng có cuộc sống tinh thần phong phú hơn nhờ sóng di động và 3G
Ảnh: VĂN HẢI 


Cho đến khi sóng di động được Viettel đưa về với xã vùng cao nghèo khó này, tình hình đã dần cải thiện. Theo ông A Đốc, nhờ lợi dụng hệ thống tua-bin điện nước và sóng 2G từ trạm phát do Viettel lắp đặt, cán bộ xã Chơ Chun đã “số hóa” được công việc, điều mà trước đây không một ai dám mơ đến. Thay vì đi lại cả ngày trời, giờ đây chỉ cần một cú “nhấp chuột” là mọi công văn, thông báo có thể được tiếp nhận hoặc gửi đi chỉ trong trong tích tắc. Ngoài ra, nhờ liên lạc thuận tiện hơn, cán bộ xã cũng dễ dàng nắm bắt rõ tình hình của người dân để có thể chủ động hỗ trợ khi bà con cần. Anh Hiên Chín, nhân viên Trạm Y tế xã Chơ Chun, cho biết: “Nếu trước kia, người dân khi đau ốm phải lặn lội hàng chục kilômét đường rừng để đến được trạm y tế thì giờ đây, bà con chỉ cần gọi điện là nhân viên y tế đã biết và đến tận nơi để hỗ trợ”. Liên lạc là thiết yếu, giải quyết được nhiều vấn đề nên người Chơ Chun tuy còn nghèo nhưng ai cũng cố sắm riêng một chiếc điện thoại…

Tiếp tục lần theo những trạm phát sóng di động của Viettel trải dọc khắp vùng biên giới, chúng tôi đến thăm Gary, một xã điển hình khó khăn khác thuộc huyện Tây Giang của tỉnh Quảng Nam. Đại úy Đậu Phi Sơn, Phó trưởng Đồn Biên phòng Gary (Đồn 651), cho biết Đồn 651 phụ trách địa bàn hai xã Gary và Ch’ơm với gần 20km đường biên, giáp hai huyện Đắc Chưng và KàLừm của nước bạn Lào. Trước đây, trong nhiều trường hợp phát hiện bất thường, người dân phải “trèo đèo, lội suối” lên tận đồn để báo cáo và mỗi khi có việc cần thông báo, đồn cũng phải cử cán bộ lặn lội xuống tận các thôn, bản. Tuy nhiên, khi trạm phát sóng di động của Viettel tại Gary bắt đầu hoạt động, thông tin liên lạc được thông suốt giúp các cấp chỉ huy của đồn có thể nhanh chóng nắm bắt thông tin và đưa ra giải pháp xử lý kịp thời ngay khi có tình huống; công tác bảo vệ an ninh quốc phòng biên giới ngày càng được bảo đảm. Bên cạnh đó, nhờ có 3G, các chiến sĩ tại đồn biên phòng đã được tiếp cận với nhiều phương thức giải trí lý thú như đọc sách, nghe nhạc… giúp đời sống tinh thần của anh em phong phú hẳn.

Cũng thấy rằng, suất đầu tư cho mỗi trạm phát sóng di động tại khu vực biên giới thường cao hơn 2 - 3 lần so với thông thường, chưa tính đến gánh nặng về chi phí vận hành và bảo dưỡng. Trong khi đó, rất nhiều trạm chỉ phục vụ vài chục đến vài trăm thuê bao, đồng nghĩa với việc lợi nhuận là âm, nhưng Viettel vẫn đầu tư hàng trăm tỷ đồng để đưa sóng di động phủ kín khắp vùng biên giới trên đất liền.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sóng di động ở vùng sâu, vùng xa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.