Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sống chung với khói, bụi

Nguyễn Thị Tâm| 22/05/2010 07:39

(HNM) - Từ nhiều năm nay, 21 lò nung gạch, ngói thủ công trong khu dân cư xã Kim Quan, huyện Thạch Thất thải ra một lượng lớn khói, bụi, gây ô nhiễm môi trường. Thế nhưng để

Lò gạch, ngói đốt ngay trong khu dân cư.


Tận mắt chứng kiến những làn khói nghi ngút bốc lên từ những lò đốt gạch, ngói thủ công ở thôn 2, xã Kim Quan, chúng tôi thực sự lo ngại cho sức khỏe của người dân. Quanh khu vực này, gần như lúc nào cũng có thứ mùi hăng hắc của khói lò xộc vào mũi. Thế nhưng, hầu hết các hộ dân nơi đây đều chấp nhận sống chung với khói, bụi.

Theo báo cáo của UBND huyện Thạch Thất, trên địa bàn huyện hiện có gần 90 lò nung gạch, ngói với công suất khoảng 2 triệu viên/năm. Qua kiểm tra về trình tự, thủ tục, hầu hết các lò gạch, ngói không có giấy phép khai thác và cam kết bảo vệ môi trường. Đặc biệt, một số lò nằm sát khu dân cư, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống và sức khỏe nhân dân.

Do thiếu mặt bằng sản xuất nên hầu hết các hộ sử dụng diện tích đất của gia đình làm nơi sản xuất, xây lò đốt... Một số hộ chiếm mặt đê, cơ đê tả Tích (đoạn chạy qua thôn) làm nơi tập kết nguyên vật liệu, phơi gạch, ngói, thậm chí xây lò nung ngay trên triền đê, gây cản trở giao thông, ảnh hưởng đến sự an toàn của đê điều.


Ông Cấn Văn Thủy ở thôn 2 cho biết, cách đây 30 năm, gia đình ông đã có lò nung gạch, ngói thủ công và nay vẫn tồn tại ngay cạnh nhà ở. "Nhiều hộ cũng muốn di chuyển lò ra xa khu dân cư nhưng lấy đâu ra đất mà chuyển" - ông Thủy cho biết. Người dân cũng cho rằng, làm nghề sản xuất ngói vất vả song thu nhập ổn định (bình quân 50.000 đồng/người/ngày). Nếu tới đây, Nhà nước nghiêm cấm đốt gạch, ngói bằng lò thủ công thì không biết làm gì để có thêm thu nhập lúc nông nhàn. Hiện thu nhập chính của người dân nơi đây trông chờ vào sản xuất nông nghiệp và nghề làm ngói (bình quân đất nông nghiệp chỉ 12 thước/khẩu). Vì vậy, nếu nghề thủ công không còn, nhiều hộ sẽ gặp khó khăn.

Chủ lò ngói Cấn Văn Thiều, thôn 5 lo lắng: "Nếu cấm đốt gạch, ngói bằng lò thủ công thì hàng trăm lao động trong xã rơi vào tình cảnh thiếu việc làm. Chưa kể nhiều chủ lò đã ký hợp đồng cung ứng ngói cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn cả nước với số lượng lên tới trăm vạn viên. Vì vậy, nếu phải đóng cửa lò thì việc bồi thường cho khách hàng một khoản tiền khá lớn là rất khó khăn. Theo ông Khuất Khắc Sơn, đa số lượng ngói mũi, ngói lát lợp nhà của các hộ dân, đình, chùa, miếu trong huyện Thạch Thất đều mua từ xã Kim Quan.

Các chủ lò ở Kim Quan đều đồng tình với chủ trương dừng đốt lò thủ công nhưng họ có chung kiến nghị, Nhà nước sớm nghiên cứu quy hoạch điểm sản xuất vật liệu xây dựng tập trung để tránh ô nhiễm môi trường, đồng thời giải quyết việc làm cho lao động và duy trì, phát triển nghề truyền thống hàng trăm năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sống chung với khói, bụi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.