Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Sóng” Biển Đen loang rộng nguy cơ bất ổn

Lâm Phương| 10/03/2015 06:21

(HNM) - Cuộc xung đột kéo dài suốt một năm qua ở miền đông Ukraine vừa tạm lắng sau thỏa thuận ngừng bắn được ký kết lần thứ hai tại thủ đô Minsk - Belarus (ngày 15-2), thì Biển Đen lại



Có thể nói, kể từ chiến tranh Lạnh kết thúc, đây là thời điểm nóng nhất tại Biển Đen với ít nhất 3 cuộc tập trận trong vòng một tháng. Ngoài cuộc tập trận bắn đạn thật trên biển của Ukraine cách đây ít ngày, hiện tại, 6 tàu chiến của NATO trực thuộc Cụm Hàng hải thường trực số 2 (SNMG2) đang có mặt ở Biển Đen thuộc hải phận của Bulgaria và Romania để thực hiện cuộc thao luyện phòng không và chống ngầm, tấn công các mô hình tàu chiến và diễn tập khả năng xử lý các tình huống cơ bản trên tàu. Phía bờ bên này Biển Đen, Nga cũng đã điều động các máy bay chiến đấu đa năng Su-30 cùng các máy bay ném bom Su-24 trên bán đảo Crimea tham gia vào một cuộc tập trận mô phỏng nhiệm vụ tấn công các tàu chiến của NATO trong vùng biển của khu vực. Chưa thể khẳng định "bóng ma" chiến tranh Lạnh đã trở lại, song sức nóng ngày càng gia tăng tại Biển Đen là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy, cuộc tranh giành lợi thế địa - chính trị khốc liệt giữa Nga và phương Tây tại khu vực này rất khó "hạ màn".

Cuộc sáp nhập Crimea trở lại Nga đã khiến vị thế chiến lược của nước này tại Biển Đen tăng lên đáng kể. Từ góc độ quân sự, Crimea như một tiền đồn cho bất kỳ một hành động triển khai sức mạnh nào hướng tới miền nam Ukraine hay vùng Balkan và Thổ Nhĩ Kỳ. Hiện nay, sự hiện diện quân sự của Mátxcơva không còn bị ràng buộc bởi thỏa thuận pháp lý nào với Ukraine. Do vậy, Nga hoàn toàn có thể sử dụng tiềm năng địa - chiến lược của bán đảo này với hàng loạt các công cụ hỗ trợ mà không có địch thủ nào trong khu vực sánh kịp. Ví dụ, Nga có thể triển khai tên lửa đạn đạo chiến thuật đất đối đất Iskander tầm bắn 400km, bao phủ toàn bộ phần phía nam của Ukraine; trong đó có các thành phố công nghiệp quan trọng như Odessa, Kryvyi Rih và Dnipropetrovsk; phần lớn diện tích của Moldova; toàn bộ bờ biển Rumani và một phần bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ tại Biển Đen... Ngoài ra, Nga cũng có thể đặt thêm các hệ thống tên lửa chống tàu nổi, phòng không tầm xa để củng cố khả năng tấn công mục tiêu mặt đất, ngăn chặn giao thông hàng hải và áp đặt vùng cấm bay...

Trong khi đó, những động thái gần đây của Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) cho thấy, phương Tây sẽ tiếp tục theo đuổi mạnh mẽ tham vọng hướng Đông. Để thực hiện được chiến lược này, họ không thể không toan tính nhằm thu hẹp ảnh hưởng Nga trong không gian truyền thống. Trong đó, Biển Đen là một khu vực đặc biệt nhạy cảm, bởi đây là cửa ngõ duy nhất vào Nga mà không phải qua Ba Lan và các nước Bắc Âu khác, những con đường mà Napoleon và Hitler đã từng đi mòn. Vì Biển Đen gần với vùng Caucasus và nằm ngay dưới các khu vực sản xuất dầu Tatarstan và Bashkorostan của Nga, nên kiểm soát nó cũng đồng nghĩa với việc kiểm soát huyết mạch năng lượng của quân đội Nga. Vì thế, ngoài những chuyến thăm thường xuyên hơn của các tàu chiến tới Biển Đen, NATO sẽ mở rộng hỗ trợ các thành viên mới ở phía đông như Romania, Bulgaria, Thổ Nhĩ Kỳ.

Tóm lại, cuộc khủng hoảng Ukraine đang dẫn đến sự thay đổi đáng kể trật tự địa - chiến lược khu vực mà Biển Đen là sẽ là "tấm gương" phản chiếu sự khốc liệt giữa các bên nhằm tranh thế thượng phong. Hay nói một cách khác, đây sẽ là điểm nóng địa - chính trị giữa lòng Châu Âu trong những năm tới và hoàn toàn có thể trở thành một trong những điểm nổ đáng lo ngại nhất trên thế giới. Tuy nhiên, khác với sự đối đầu Đông - Tây trong thời chiến tranh Lạnh, cuộc đối đầu địa - chính trị hiện nay giữa Nga và Mỹ với các nước phương Tây luôn đan xen hai quá trình hợp tác và đấu tranh. Đáng nói là Nga, sau hơn 20 năm khủng hoảng đã khôi phục vị thế và đang khẳng định sự hiện diện trong khu vực và thế giới. Nếu các nước phương Tây không nhận ra một nước Nga đã bước qua bờ chiến bại trong chiến tranh Lạnh để tôn trọng các lợi ích địa - chính trị của họ, cùng hóa giải các thách thức và nguy cơ mang tính toàn cầu thì nguy cơ một cuộc đối đầu trực tiếp sẽ ngày càng hiện hữu. Điều này không chỉ dẫn đến những hậu quả khó lường mà còn làm loang rộng bất ổn từ Trung Đông tới Caucasus và cả vùng Trung Á.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Sóng” Biển Đen loang rộng nguy cơ bất ổn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.