(HNM) - Là quốc gia sản xuất gạo đứng thứ 5 thế giới, nhưng ngành lúa gạo Việt Nam còn nhiều hạn chế. Để phát huy thế mạnh là cường quốc về lĩnh vực này, Việt Nam cần nhanh chóng tái cơ cấu ngành sản xuất lúa gạo, đổi mới khoa học công nghệ; đổi mới chính sách và cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực các doanh nghiệp (DN), đồng thời sớm xây dựng thương hiệu gạo quốc gia...
Đây cũng là những nội dung chính được thảo luận tại hội nghị Hợp tác phát triển ngành lúa gạo Việt Nam do Bộ NN&PTNT và Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) tổ chức ngày 4-11 tại Hà Nội.
Chất lượng thấp, phương thức sản xuất lạc hậu
Năm vừa qua thị trường lúa gạo quốc tế chịu nhiều biến động, giá gạo Thái Lan giảm tới 25%, liên tục từ năm 2001 đến tháng 9 năm nay. Sản xuất gạo tại Ấn Độ, Việt Nam, Thái Lan đều chịu ảnh hưởng nặng nề do biến đổi khí hậu, nhưng sản lượng vẫn duy trì ổn định. Cùng với đó nhu cầu tiêu thụ gạo thế giới ngày một tăng. Theo điều tra của IRRI, nhu cầu này tăng 60 triệu tấn trong 10 năm qua, do đó, việc duy trì và phát triển ngành lúa gạo có ý nghĩa rất lớn. Chuyên gia kinh tế xã hội học của IRRI Sam Mohanty cho rằng: Thị trường thế giới hiện ưa chuộng gạo Ấn Độ, Thái Lan, Mỹ, Pakistan nhiều hơn gạo Việt Nam. Mặc dù là nước xuất khẩu gạo lớn của thế giới, nhưng gạo Việt Nam xuất khẩu chủ yếu ở loại trung bình và thấp, tỷ lệ gạo cấp cao (gạo ngon) tuy có tăng nhưng không đáng kể.
Bên cạnh đó, phương thức canh tác của Việt Nam còn lạc hậu. PGS.TS Chu Văn Thiện, Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch cho rằng: Tại Việt Nam, sản xuất lúa và ngành nông nghiệp nói chung còn lạc hậu, trang thiết bị cũ, lạc hậu chiếm 53%. Trang thiết bị hiện đại chỉ chiếm khoảng 5%, trang thiết bị tiên tiến đạt gần 42% nhưng chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc. Theo mục tiêu "Đề án cơ giới hóa" của Bộ NN&PTNT, đến năm 2020 để tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu cấy lúa đạt 75%, cả nước cần 67.080 máy cấy, nhưng hiện mới có khoảng 3.000 máy.
Như vậy, để đạt được mục tiêu này, cả nước cần thêm 64.080 máy cấy, tương đương với khoảng 5.126 tỷ đồng. Đây là nguồn kinh phí không nhỏ, do đó các địa phương trồng lúa cần đẩy mạnh cơ giới hóa và có chính sách hỗ trợ cơ giới hóa” - ông Thiện nhấn mạnh. Thực tế, trong điều kiện biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang diễn ra ngày càng phức tạp thì thời gian trồng lúa sẽ phải rút ngắn và cấy bằng máy sẽ khắc phục được hạn chế này. Bên cạnh đó, các địa phương cần đầu tư máy móc, hệ thống phơi sấy để giảm tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch.
Cơ cấu lại ngành sản xuất lúa gạo
Gạo vốn là một trong những sản phẩm nông sản xuất khẩu chính của Việt Nam, tuy nhiên gạo Việt Nam xuất khẩu đang có xu hướng giảm dần trong những năm gần đây. Để khắc phục tình trạng trên, tháng 5-2016, Bộ NN&PTNT đã phê duyệt Đề án tái cấu trúc ngành sản xuất lúa gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 với mục tiêu nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh nhằm phát triển bền vững, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người trồng lúa, bảo vệ môi trường sinh thái và tham gia hiệu quả vào thị trường toàn cầu.
Ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết: Mục tiêu Đề án đặt ra là, đến năm 2020 lợi nhuận người trồng lúa hàng hóa đạt từ 30% tổng thu nhập trở lên. Về cơ cấu giống, với vùng ĐBSCL, tỷ lệ sử dụng giống xác nhận trên 75%, nâng diện tích sản xuất lúa thâm canh IPM lên 75%, giảm 30% lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Đặc biệt, 20% gạo xuất khẩu mang thương hiệu gạo Việt Nam. Để đạt được mục tiêu đó, Ngành Nông nghiệp sẽ quản lý, sử dụng đất lúa và chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho phù hợp. Đặc biệt, trên 70% diện tích trồng lúa được cơ giới hóa đồng bộ.
Để phát triển bền vững, ngành lúa gạo phải tổ chức lại sản xuất theo vùng (vùng chuyên canh, vùng chuyên lúa và vùng khác), đồng thời tập trung phát triển kinh tế hợp tác gắn với chuỗi giá trị, đẩy mạnh liên kết DN và đào tạo, trang bị kỹ thuật mới cho nông dân. Còn theo Tổng Giám đốc IRRI Matthw Morell: Để cơ cấu lại và phát triển sản xuất lúa gạo, Việt Nam cần nâng cao năng lực cho DN; thu hút đầu tư của DN vào lĩnh vực lúa gạo; cải tổ, đổi mới các hiệp hội, tổng công ty lớn,… và minh bạch thông tin, hài hòa lợi ích giữa các bên đối với vấn đề thị trường... Đã đến lúc Việt Nam tập trung sản xuất gạo chất lượng cao, giảm tỷ trọng loại gạo trên 15% tấm.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh: Việc IRRI hỗ trợ Việt Nam trong quá trình tái cơ cấu ngành sản xuất lúa gạo có ý nghĩa rất lớn, bởi nó không chỉ góp phần tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an ninh lương thực mà còn mang ý nghĩa văn hóa, lịch sử. Việc phát triển và cơ cấu ngành lúa gạo theo hướng sản xuất an toàn không chỉ làm tăng giá trị kinh tế, giúp nông dân làm giàu mà còn bảo vệ tài nguyên nước, tài nguyên đất và bảo tồn di sản văn hóa lúa gạo. Trong Đề án tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo đã đưa ra 25 chương trình, dự án ưu tiên với tổng số vốn gần 7.000 tỷ đồng. Ngoài yếu tố về kỹ thuật, Bộ NN&PTNT đang phối hợp với các bộ, ngành đổi mới chính sách và thể chế trong đó ưu tiên: Chính sách đối với đất lúa, thu hút đầu tư, chính sách tài chính,… Đặc biệt, Bộ sẽ xây dựng bộ quy chuẩn về thương hiệu gạo trong tháng 11 này. Đây sẽ là tiền đề quan trọng để ngành hàng lúa gạo tạo đột phá trong thời gian tới. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.