(HNM) - Tình trạng giá thịt lợn hơi
Khó như chăn nuôi nông hộ
Hiện cả nước có khoảng 3 triệu hộ nuôi lợn nhỏ lẻ, chiếm tỷ lệ 55% tổng đàn. Tại Hà Nội, chăn nuôi lợn nhỏ lẻ chiếm 65% tổng đàn với trên 110.000 hộ chăn nuôi rải rác ở ngoại thành. Trong đợt khủng hoảng giá thịt lợn hơi những ngày qua, các hộ nuôi nhỏ lẻ bị ảnh hưởng nặng nề, bởi giá bán thấp hơn so với trang trại chăn nuôi quy mô công nghiệp từ 3.000 đến 5.000 đồng/kg…
Giá thịt lợn hơi giảm khiến các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ bị ảnh hưởng nặng nề. Ảnh: Đức Nghiêm |
Bà Đặng Thị Xinh, thôn Lưu Xá, xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên cho biết, đã tận dụng phụ phẩm từ nấu rượu để chăn nuôi nhưng gần đây giá bán lợn thương phẩm không đủ chi phí mua giống... Cùng chung cảnh ngộ, gia đình ông Nguyễn Văn Tuyên, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai thời gian qua cũng lỗ cả trăm triệu đồng vì nuôi lợn.
Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội Tạ Văn Tường cho rằng: Chăn nuôi lợn nhỏ lẻ trên địa bàn thành phố tồn tại nhiều khó khăn, bất cập bởi nông hộ thiếu kỹ năng phân tích thị trường, không hạch toán hiệu quả kinh tế. Phần lớn người chăn nuôi vẫn chạy theo thị trường nên thường xảy ra tình trạng “được mùa rớt giá”; việc ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất còn hạn chế. Nông hộ chưa quan tâm đến chất lượng giống vật nuôi, chưa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và chuẩn về an toàn dịch bệnh nên giá thành sản xuất cao, khó cạnh tranh được với trang trại chăn nuôi. Chưa kể, chăn nuôi nhỏ lẻ khiến việc tiêu độc khử trùng không được thực hiện thường xuyên; nguồn thức ăn, thuốc thú y khó kiểm soát; việc tiêm phòng, phòng chống dịch bệnh cũng chưa chủ động...
Đồng bộ nhiều giải pháp
Với sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành liên quan, doanh nghiệp và địa phương chung tay “giải cứu”, khoảng một tuần trở lại đây, giá lợn hơi trên thị trường đã tăng trung bình từ 5.000 đến 7.000 đồng/kg. Để kích cầu tiêu dùng, giá bán thịt lợn tại hầu hết các siêu thị đã giảm từ 10 đến 30%. Hệ thống siêu thị VinMart và VinMart+ của Tập đoàn Vingroup đã triển khai chiến dịch “Hỗ trợ hộ nuôi lợn - bán hàng không lợi nhuận” tại 1.000 cơ sở trên toàn quốc. 100% doanh nghiệp kinh doanh thức ăn chăn nuôi đã giảm giá 200 đồng/kg thức ăn, nhiều đơn vị giảm giá đến 15%. Trong khi đó, các doanh nghiệp tham gia giết mổ gia súc tập trung vận hành tối đa công suất. Nhiều cơ sở thu mua, giết mổ cấp đông đã tăng tới 40% công suất so với tuần trước. Đặc biệt, tại thời điểm này, Công ty cổ phần Thực phẩm Minh Hiền, huyện Thanh Oai (Hà Nội) cam kết trong 3 tháng tới sẽ giết mổ và cấp đông hết số lợn cho Công ty cổ phần ĐTK, Công ty cổ phần Thực phẩm Thái Dương (khoảng 2.000 tấn thịt) và HTX Chăn nuôi Hòa Mỹ, huyện Ứng Hòa (17.000 con lợn).
Tháo gỡ khó khăn về vốn cho nông hộ chăn nuôi lợn sớm ổn định, tái đàn, một số ngân hàng đã vào cuộc tích cực, điển hình như Kienlongbank từ ngày 10-5 giảm 30% lãi suất cho vay hiện hữu đối với các khách hàng sản xuất kinh doanh chăn nuôi lợn. Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú, dư nợ toàn ngành Ngân hàng cho chăn nuôi lợn hiện đạt gần 30.000 tỷ đồng, trong đó, dư nợ chủ yếu là của cá nhân, hộ gia đình khoảng 25.800 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng gần 90% tổng dư nợ. Hiện Ngân hàng Nhà nước đã cử các đoàn đi khảo sát tập trung ở một số tỉnh, thành phố có số lượng chăn nuôi lớn và đã thực hiện tái cơ cấu khoản nợ cho những hộ gia đình và doanh nghiệp với số tiền 364,7 tỷ đồng. Thời gian tới, các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại tiếp tục vào cuộc đánh giá thiệt hại của nông hộ để sớm có biện pháp giãn nợ, khoanh nợ, cho vay vốn ưu đãi đối với người chăn nuôi có phương án sản xuất kinh doanh tốt và cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y.
Về lâu dài, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho hay: Ngoài điều chỉnh lại cơ cấu chất lượng đàn giống, gia tăng giống đặc sản như lợn rừng, lợn mán... điều chỉnh phương thức nuôi hữu cơ, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ phải được tổ chức lại theo mô hình hợp tác xã, nhóm sản xuất theo chuỗi. Ở những địa phương có điều kiện về đất đai, nguồn nguyên liệu, nông hộ nên chuyển chăn nuôi lợn sang chăn nuôi gia súc lớn như trâu, bò, dê… theo hướng đặc sản, hữu cơ...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.