(HNM) - Tính đến đầu tháng 4-2021, Hà Nội đã hoàn thành việc bàn giao danh sách cơ sở thuộc danh mục do UBND cấp xã quản lý về phòng cháy, chữa cháy theo Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24-11-2020 của Chính phủ. Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số bất cập cần sớm tập trung khắc phục để nâng cao hiệu quả quản lý phòng cháy, chữa cháy tại cơ sở.
Gần 86.000 cơ sở đã được bàn giao
Công an thành phố Hà Nội cho biết, đến đầu tháng 4-2021, công an 30 quận, huyện, thị xã đã thực hiện xong việc bàn giao 85.812 cơ sở cho UBND phường, xã, thị trấn quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy theo Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24-11-2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy.
Đại úy Đỗ Tuấn Anh, Phó Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an thành phố Hà Nội) cho biết, danh mục cơ sở được bàn giao cho UBND phường, xã, thị trấn quản lý bao gồm 17 loại nhà, công trình, cơ sở. Trong đó có một số loại hình cơ sở có nguy cơ cao về cháy nổ như nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, chất dễ cháy; cửa hàng kinh doanh chất lỏng dễ cháy, khí đốt; trung tâm thương mại, siêu thị, nhà hàng, cửa hàng ăn uống…
“Việc này nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, phân cấp rõ các cơ sở thuộc diện quản lý, đáp ứng nhu cầu quản lý địa bàn về phòng cháy, chữa cháy. Các loại hình cơ sở được bàn giao phù hợp với yêu cầu thực tiễn bởi UBND phường, xã, thị trấn nắm rõ địa bàn hơn ai hết nên việc quản lý các cơ sở này sẽ có nhiều thuận lợi”, Đại úy Đỗ Tuấn Anh nói.
Thực tế sau 1 tháng các cơ sở được bàn giao, UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố Hà Nội đã nhanh chóng triển khai công tác quản lý phòng cháy, chữa cháy theo thẩm quyền. Trong số này, quận Nam Từ Liêm có số cơ sở được bàn giao lớn với 7.294 đơn vị. Các UBND phường trên địa bàn đã chủ động giao Công an phường là cơ quan thường trực, giúp Chủ tịch UBND phường thực hiện việc quản lý nhà nước, kiểm tra, hướng dẫn an toàn về phòng cháy, chữa cháy tại địa phương theo quy định của pháp luật.
Theo Chủ tịch UBND phường Cống Vị (quận Ba Đình) Phan Hùng Nam, UBND phường đã phối hợp với Công an quận tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho các cơ sở thuộc danh mục quản lý; đồng thời tuyên truyền công tác phòng cháy, chữa cháy đến từng khu dân cư thông qua các bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố và hệ thống loa phóng thanh trên địa bàn.
Sớm giải quyết những bất cập
Bên cạnh những thuận lợi, việc giao cho UBND phường, xã, thị trấn quản lý các cơ sở, trong đó có nhiều loại hình cơ sở có nguy cơ cao về cháy nổ cũng bộc lộ một số bất cập. Chủ tịch UBND xã Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm) Nguyễn Văn Tuấn cho biết, UBND xã chưa có cán bộ chuyên trách quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy. Bên cạnh đó, Công an xã chính quy mới hình thành, chưa có nhiều kinh nghiệm, chuyên môn về phòng cháy, chữa cháy là mối lo nhất hiện nay.
Theo Thiếu tá Thịnh Vũ Khanh, Đội trưởng Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an quận Đống Đa), một số loại hình cơ sở chưa thể phân rõ trách nhiệm quản lý thuộc Công an quận hay UBND phường như nhà cho thuê, nhà trọ… cũng là vấn đề bất cập, khó khăn trong giải quyết.
Thượng tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an thành phố Hà Nội) cho rằng, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng cháy, chữa cháy hiệu quả chưa cao. Nhiều người dân vẫn chưa bố trí thời gian tham gia các lớp tuyên truyền, tập huấn về Nghị định số 136/2020/NĐ-CP do UBND xã, phường, thị trấn tổ chức, dẫn đến việc chưa hiểu rõ quy định mới.
Để khắc phục những bất cập nói trên, theo Thượng tá Nguyễn Thanh Bình, Trưởng Công an huyện Mỹ Đức, huyện đang thực hiện điều tra cơ bản, phân loại, rà soát lập danh sách và đưa vào quản lý các cơ sở mới phát sinh thuộc danh mục quản lý, đồng thời rà soát, đánh giá lại để đưa cơ sở vào quản lý hoặc bàn giao quản lý theo quy định, tránh bỏ lọt, bỏ sót cơ sở… Còn theo Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Lê Hoàng, UBND quận đang khẩn trương xây dựng, ban hành đề án trang bị phương tiện cho lực lượng dân phòng trên địa bàn các phường để lực lượng này thực sự là nòng cốt trong công tác phòng cháy, chữa cháy tại địa phương.
Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết, Công an thành phố đang tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho cảnh sát khu vực, công an xã và công an xã bán chuyên trách trên địa bàn thành phố nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho các lực lượng, đáp ứng yêu cầu quản lý phòng cháy, chữa cháy ở cơ sở...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.