Để dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) được thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, UBTVQH đề nghị Chính phủ sớm hoàn thiện danh mục cấm đầu tư, kinh doanh trong dự thảo.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì và phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 30 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII. Ảnh: TTXVN |
Sáng 11/8, UBTVQH họp phiên thứ 30 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, bắt đầu bằng việc cho ý kiến về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi). Trước đó, dự án này đã được thảo luận tại Kỳ họp thứ 7 diễn ra vào tháng vừa qua. Tới nay, nội dung còn vướng mắc khi xây dựng dự án này là việc xác định danh mục cấm đầu tư, kinh doanh.
Thực tế, các ngành nghề cấm đầu tư, kinh doanh hiện nằm rải rác ở nhiều dự án luật khác nhau, Chính phủ đang giao các bộ, ngành rà soát, tập hợp để liệt kê vào dự án luật này, nhằm đảm bảo tính thực thi ở mức cụ thể nhất. Chính vì vậy, trong cuộc thảo luận hôm nay Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan soạn thảo dự án luật chưa thể ghi chi tiết danh mục này (Điều 5 dự thảo Luật).
Các ý kiến của UBTVQH đều bày tỏ Chính phủ cần sớm hoàn thiện, ban hành danh mục cấm đầu tư, kinh doanh vào trong dự thảo Luật và xác định thời gian cụ thể để hoàn thiện danh mục này.
“Cần phải rà soát, ban hành gấp hơn, khẩn trương hơn để đưa vào cụ thể trong luật này. Nếu không đưa ra hết được thì Chính phủ rà soát và có quy định về việc bổ sung vấn đề nêu trên qua mỗi thời kỳ”, ông Nguyễn Đức Hiền, Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội nêu ý kiến.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện cho rằng khi rà soát mà không hết các ngành nghề bị cấm đầu tư, kinh doanh thì sau khi xây dựng danh mục và thông qua Luật mà phát sinh nghề cấm đầu tư kinh doanh thì Chính phủ cần đề xuất UBTVQH báo cáo Quốc hội quyết định tại mỗi kỳ họp để đảm bảo tính kịp thời của hoạt động đầu tư, kinh doanh.
Thay mặt cho cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu yêu cầu các cơ quan có liên quan đang tiến hành rà soát các quy định của pháp luật về ngành, nghề cấm đầu tư, kinh doanh và đầu tư, kinh doanh có điều kiện, xem xét loại bỏ các quy định bất hợp lý, gây cản trở hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân.
Đối với quy định về các ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện (Điều 6), ông Nguyễn Văn Giàu cho rằng không chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp mà còn áp dụng đối với các đối tượng khác như hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân và các hợp đồng hợp tác kinh doanh, dự án hợp tác công - tư (PPP),…
Đồng thời, dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) phải quy định tiêu chí, nguyên tắc để xác định danh mục ngành, nghề đầu tư có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài và giao Chính phủ rà soát, tập hợp, công bố Danh mục này sau khi báo cáo UBTVQH xem xét, cho ý kiến (Điều 6 và Điều 7 của dự thảo Luật).
Phiên họp thứ 30 của UBTVQH diễn ra trong cả tuần này, cho ý kiến đối với nhiều dự án Luật. Ngoài dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), UBTVQH còn cho ý kiến vào các dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và Luật Công an nhân dân (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề, Luật sửa đổi, bổ sung một điều của Luật Thi hành án dân sự, Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Luật Thú y, Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi), Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi), Luật Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi). Tại phiên họp, UBTVQH cũng cho ý kiến về Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình thế giới, cho ý kiến về mẫu báo cáo của người được lấy phiếu tín nhiệm về việc thực hiện các nội dung quy định tại Điều 5 của Nghị quyết 35/2012/QH13 và cho ý kiến về khung chương trình kênh truyền hình Quốc hội. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.