(HNM) - Cục Thuế TP Hà Nội đã có những bước phát triển vượt bậc trong việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), đơn giản thủ tục hành chính (TTHC), tạo sự minh bạch, thuận tiện cho công dân, tổ chức và doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển, ngành đang gặp những
Ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý thu thuế tại Chi cục Thuế quận Ba Đình. Ảnh: Trung Kiên |
Thiếu hụt nhân lực
Theo ông Phi Vân Tuấn, Cục trưởng Cục Thuế TP Hà Nội, hơn 10 năm qua, chỉ tiêu biên chế của Cục tăng rất ít. Với biên chế được giao năm 2010 là 3.410 cán bộ, Cục chưa đủ nhân lực để giải quyết khối lượng công việc "khổng lồ". 10 năm qua, có nhiều luật thuế, pháp lệnh thuế, các nghị định, thông tư về thuế được ban hành. Cục đã chủ động rà soát, tập hợp thành bộ TTHC, trong đó quy định rõ hồ sơ, thời gian giải quyết, quy trình cho từng TTHC cũng như tích cực thực hiện Đề án 30 của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ 158/168 TTHC, 224/290 mẫu tờ khai).
Qua đó, hầu hết các thủ tục (đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, miễn, giảm thuế, hoàn thuế) đều giảm thành phần hồ sơ, rút ngắn thời gian giải quyết. Bên cạnh đó, Cục Thuế đã tăng cường ứng dụng tin học vào công tác quản lý và hỗ trợ người nộp thuế như: áp dụng mã vạch hai chiều cho công tác khai thuế và phát miễn phí phần mềm hỗ trợ kê khai thuế cho người nộp thuế (trung bình một tháng có 98% DN sử dụng hình thức này); triển khai thí điểm nộp hồ sơ qua mạng internet cho 715 DN; thực hiện thu thuế qua ngân hàng tại 29/29 quận, huyện, thị xã và kết nối dữ liệu ngân hàng - kho bạc để người nộp thuế có thể nộp ở nhiều điểm thu tại ngân hàng (thay cho phải đến kho bạc nộp) và thực hiện đăng ký mã số thuế, quyết toán thuế thu nhập cá nhân qua mạng internet…
Sự phát triển CNTT kéo theo nhu cầu nâng cao trình độ tin học của cán bộ. Tuy nhiên, ngành thuế lại đang thiếu hụt nhân lực trong lĩnh vực này. Theo lãnh đạo Cục Thuế Hà Nội, do chế độ tiền lương của cán bộ CNTT trong ngành không cao nên nhiều người làm một thời gian lại xin chuyển công tác. Mặc dù Cục Thuế đã đưa ra những giải pháp hỗ trợ nhưng "không lại được" sức hút của nhiều DN khác. Đáng chú ý, một số chi cục ở các huyện không có cán bộ CNTT đã phải cử cán bộ chuyên môn đi đào tạo nên không bảo đảm yêu cầu công việc. Trong khi đó, số lượng người nộp thuế ngày càng nhiều nên cán bộ Cục và các Chi cục Thuế trên địa bàn TP vẫn phải "căng" sức làm việc ngoài giờ hành chính, thậm chí làm cả thứ bảy, chủ nhật. Theo ông Tuấn, hiện 29 chi cục thuế trên địa bàn TP quản lý trên 80.000 DN, trên 120.000 hộ kinh doanh cá thể, hơn 1,5 triệu mã số thuế thu nhập cá nhân, trên 1,2 triệu hộ nộp thuế nhà đất và hàng trăm nghìn lượt người nộp lệ phí trước bạ… thì số lượng biên chế phải tới 4.000 người mới đủ sức hoàn thành công việc, đồng thời bảo đảm cho cán bộ nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động.
CNTT chưa đồng bộ
Hiện đại hóa công nghệ phải đi đôi với việc kiên cố hóa trụ sở làm việc. Song các trụ sở chi cục thuế nội thành rất chật hẹp, phải làm việc tại nhiều địa điểm (Chi cục Thuế Hai Bà Trưng đang phải thuê 4 địa điểm và quận Hoàn Kiếm thuê 6 địa điểm). Điều này kéo theo khó khăn cho việc cải cách, hiện đại hóa và cho người nộp thuế khi đến giao dịch. Bên cạnh đó, mức độ ứng dụng CNTT và hiện đại hóa giữa các cơ quan còn có sự chênh lệch. Theo bà Vũ Thị Mai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, việc chưa thực hiện kết nối thông tin, sử dụng thông tin giữa cơ quan quản lý nhà nước là cản trở lớn cho công tác cải cách hành chính. Chẳng hạn như muốn lập hồ sơ về thuế đất qua mạng thì phải có dữ liệu đầy đủ của các vấn đề liên quan nên không thể thực hiện được khi chưa có mạng kết nối đồng bộ với Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Ngoài ra, nếu việc đăng ký DN (theo Nghị định 43/2010/NĐ - CP, đăng ký DN bao gồm đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế đối với các loại hình DN thành lập theo quy định của Luật DN) được triển khai qua mạng sẽ chỉ mất 2 ngày (thay vì 5 ngày như trước đây DN tới đăng ký tại phòng đăng ký kinh doanh); hoặc cùng về vấn đề này, nếu kết nối đăng ký qua mạng cho các hộ kinh doanh thì thời gian thực hiện sẽ giảm hơn nữa chứ không tới 10 ngày như hiện nay, nhưng do điều kiện đầu tư công nghệ còn chênh lệch nhiều giữa các đơn vị nên việc đăng ký DN qua mạng chưa thực hiện được đồng loạt. Không những thế, ngành thuế còn đang gặp khó khăn với chính các DN trong việc tiếp cận CNTT. Hiện Cục Thuế đang tiếp tục triển khai việc nộp hồ sơ qua mạng cho trên 500 DN nhưng phải vừa làm vừa thuyết phục vì nhiều DN vẫn còn ngại tiếp cận CNTT.
Ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính, phụ trách lĩnh vực thuế cho biết, ngành thuế đã có kế hoạch cơ cấu lại nhân lực để đáp ứng yêu cầu công việc. Song, để công tác thuế hiệu quả hơn nữa thì các cấp, các ngành cần quan tâm bố trí trụ sở làm việc, hiện đại hóa đồng bộ giữa các đơn vị và DN, đồng thời công dân cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, thực hiện đúng nghĩa vụ trong lĩnh vực thuế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.