Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sớm gỡ những nút thắt

Gia Bình| 05/09/2011 07:35

(HNM) - Sau hơn 6 tháng thực hiện Nghị quyết 11/CP của Chính phủ, chúng ta đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội.


Ảnh minh họa

Hiện nay nhiều doanh nghiệp (DN) còn gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh (SXKD), giá "đầu vào" tăng, lạm phát có thể quay lại... là hậu quả của những "nút thắt" trong phát triển kinh tế. Trong đó, "nút thắt" trực tiếp tác động lên SXKD là lãi suất vay vốn quá cao. Với lãi suất vay tới 22-25%, các DN không thể vay và không đáp ứng được điều kiện để vay. Như vậy, việc SXKD của DN bị thắt chặt dần, các DN rơi vào "vòng xoáy" đình trệ sản xuất, có nguy cơ đến bờ vực thẳm. Với thực trạng này, dòng vốn không được lưu thông, hiệu quả sử dụng thấp. Cùng với lãi suất vay cao, giá một số mặt hàng thiết yếu tăng cao đã khiến cho hầu hết các sản phẩm lĩnh vực SXKD "đội" giá. Đó là chưa kể đến "vòng xoáy" của giá vàng cũng tác động không nhỏ đến việc kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, bởi với sự "điên loạn" của giá vàng tạo nên hiệu ứng khôn lường về chính sách tài chính - tiền tệ...

Nhiều chuyên gia cảnh báo, các nhà hoạch định chính sách và điều hành kinh tế vĩ mô cần sớm có biện pháp gỡ khó khăn cho DN, vì cộng đồng DN đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế. Việc gỡ khó cho DN không chỉ bằng các giải pháp tình thế, mà phải bằng sự điều tiết thị trường phù hợp. Các chuyên gia cho rằng, trong tháng 6-2011 mặt hàng xăng dầu đã bỏ lỡ cơ hội giảm giá. Tuy nhiên, vào 21h ngày 26-8, giá xăng A92 đã giảm 500 đồng/lít, mức giảm chưa tương xứng với mức tăng (tăng gần 5.000 đồng/lít) so với cuối năm 2010. Trước thực tế này, các DN cũng cần tiết kiệm chi phí. Thời gian qua, ngành chức năng đã phát hiện và công bố hàng loạt DN tăng giá bất hợp lý khiến thị trường dễ rơi vào tình trạng hỗn loạn về giá và tác động tiêu cực đến SXKD cũng như đời sống tiêu dùng. Một thông điệp được Ngân hàng Nhà nước phát ra là giảm lãi suất cho vay xuống còn 17-19% từ giữa tháng 9-2011. Đây là tín hiệu mừng, vì những tháng cuối năm việc SXKD sẽ cần vốn để kết thúc những hợp đồng trong năm và chuẩn bị cho những hợp đồng mới của những năm tiếp theo; đồng thời khơi thông dòng vốn "chảy" vào đúng địa chỉ để phục vụ những việc cần thiết khác.

Ngoài ra, vấn đề tỷ giá vẫn cần sự điều hành linh hoạt để tỷ giá luôn ở mức ổn định. Ngành chức năng xử lý không hiệu quả vấn đề này có thể xảy ra tình trạng đọng vốn, nợ xấu tăng lên, sản xuất giảm và tác động mạnh đến giá thành, lạm phát, thất nghiệp... Với mặt hàng vàng, mặc dù Ngân hàng Nhà nước cũng có giải pháp để bình ổn thị trường bằng cách nhập khẩu vàng, huy động vàng trong dân, siết chặt xuất khẩu vàng và sẽ quản lý vàng chặt chẽ, nhưng việc huy động vàng thành nguồn lực tài chính cho SXKD vẫn chưa hiệu quả.

Như vậy, những "nút thắt" trong việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội đã được các chuyên gia chỉ ra khá rõ. Vậy hơn bao giờ hết, các ngành chức năng, các DN cần tập trung tháo gỡ những "nút thắt" nói trên để việc thực hiện Nghị quyết 11/CP của Chính phủ đạt hiệu quả?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sớm gỡ những nút thắt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.