(HNM) - Dưới tác động của dịch Covid-19, năm 2021, mặt bằng giá cả thị trường có những diễn biến phức tạp. Song, nhờ chủ động trong công tác dự báo, xây dựng kịch bản điều hành giá và tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương đã giúp cho Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm ở nước ta chỉ ở mức 1,84%, thấp nhất trong 6 năm qua.
Từ thành công trong việc kiểm soát lạm phát năm 2021, bước sang năm 2022, Quốc hội, Chính phủ đặt chỉ tiêu tốc độ tăng CPI bình quân 4%. Đây là quyết tâm cao của Quốc hội, Chính phủ, tuy nhiên việc thực hiện mục tiêu này đang gặp nhiều áp lực. Ngay trong tháng 2-2022, CPI đã tăng 1% so với tháng 1-2022 (tháng 1-2022 tăng 1,94% so với cùng kỳ năm trước), tăng 1,42% so với cùng kỳ 2021. Đáng lo là, trong khi dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, nước ta phải đối mặt với nhiều thách thức mới đến từ những bất ổn, xung đột chính trị, quân sự trên thế giới khiến giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào, trong đó có xăng dầu tăng rất cao.
Với nền kinh tế có độ mở lớn như nước ta, khi giá nguyên, nhiên, vật liệu tăng sẽ ảnh hưởng đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp, nâng giá thành sản phẩm, từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước lên cao, tạo áp lực lạm phát rất lớn. Do đó, để kiềm chế lạm phát trong năm 2022 và những năm tới, các bộ, ngành và địa phương cần theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả, lạm phát trong nước. Đặc biệt, cần chủ động theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng quan trọng, thiết yếu phục vụ đời sống người dân. Trên cơ sở đó, chủ động tăng cường công tác phối hợp trong triển khai các giải pháp quản lý, điều hành giá để góp phần giữ ổn định giá cả thị trường, không để xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu...
Đối với xăng dầu, mặt hàng có vai trò hết sức quan trọng, tác động sâu, rộng tới các ngành, lĩnh vực, cơ quan quản lý cần theo dõi sát diễn biến thị trường quốc tế, sử dụng hợp lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu để hạn chế mức tăng giá của mặt hàng này, tránh tác động tiêu cực đối với CPI. Bên cạnh đó là tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm những hành vi đầu cơ, thao túng giá...
Một việc quan trọng nữa cần triển khai quyết liệt là tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, rà soát bãi bỏ các quy định không hợp lý nhằm cắt giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp; cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường đầu tư, kinh doanh, chú trọng phát triển kinh tế số, xã hội số, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả của nền kinh tế, từ đó giảm áp lực lạm phát.
Cùng với Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp cần chủ động chuẩn bị đầy đủ các điều kiện đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, bảo đảm nguồn cung và lưu thông hàng hóa. Đối với các mặt hàng thiếu hụt trong ngắn hạn, cần có giải pháp nhập khẩu kịp thời nguyên vật liệu, cắt giảm chi phí sản xuất. Đối với mặt hàng thiếu hụt trong dài hạn cần chủ động tìm kiếm đối tác cung ứng thay thế... Về phía người dân, cần tin tưởng vào chính sách và sự điều hành của Chính phủ, tránh tâm lý tích trữ hàng hóa gây mất cân đối cung cầu, gia tăng lạm phát.
Áp lực lạm phát đối với kinh tế nước ta đang hiện hữu. Song với sự chủ động vào cuộc ngay từ những tháng đầu năm của các bộ, ngành, địa phương và sự chung sức của cộng đồng doanh nghiệp, người dân, hy vọng áp lực này sẽ sớm được giải tỏa và năm 2022 tiếp tục là năm kiểm soát lạm phát thành công.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.