Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sớm có quy hoạch bảo tồn Di tích Hoàng thành

chinhphu.vn| 28/05/2010 10:36

Trước mắt, Khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu sẽ được bố trí đón khách hạn chế (khoảng 1.500 người/ngày). Dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long, nhiều di vật cũng sẽ được trưng bày trong khu Thành cổ Hà Nội.

Những di vật của một Thăng Long nghìn năm tuổi.


Sau 7 năm kể từ khi phát lộ, di tích Hoàng thành Thăng Long đã được làm mái che để bảo vệ, nhưng đó chỉ là giải pháp tạm thời. Giám đốc Trung tâm bảo tồn khu di tích Cổ Loa – Thành cổ Hà Nội Nguyễn Văn Sơn nhìn nhận Hoàng thành cần được quy hoạch tổng thể để bảo tồn lâu dài, tránh việc xuống cấp dần theo thời gian.

Thưa ông, việc bảo tồn khu di tích Hoàng thành Thăng Long đang gặp nhiều khó khăn?

Hoàng thành Thăng Long là một khu di sản có bề dày lịch sử hơn một ngàn năm liên tục, có các tầng văn hoá chồng xếp lên nhau. Các di vật nằm sâu dưới lòng đất từ 2 – 4m trong điều kiện khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều, ẩm ướt về mùa hè, khô hanh về mùa đông. Đây là môi trường thuận lợi cho các loại nấm mốc phát triển.

Thực tế, những di tích, di vật nằm dưới mặt đất là các hố khai quật khảo cổ học ở khu vực 18 Hoàng Diệu, và một số điểm thuộc Trục chính tâm của Hoàng Thành Thăng Long đang chịu sự tác động về thay đổi môi trường. Các di vật đã có hàng ngàn năm nằm sâu dưới lòng đất với độ ẩm rất cao nhưng không tiếp xúc với không khí, nay đưa ra khỏi lòng đất nên đang tự tiêu huỷ.

Các di tích, di vật ở Khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu có nguồn gốc từ các chất liệu khác nhau như xương, đá, gốm sứ, gạch ngói, gỗ, kim loại, di tồn thực vật, mà mỗi loại lại cần có chế độ và quy trình bảo quản riêng.

Bên cạnh đó, hàng triệu di vật gồm gạch ngói, chân tảng đá vẫn để ngoài trời.

Vì sao đến bây giờ vẫn chưa có giải pháp bảo vệ tổng thể, thưa ông?

Để di tích không bị xuống cấp, cần phải có biện pháp bảo tồn lâu dài. Nhưng muốn bảo tồn lâu dài thì phải có chủ trương, phải lập quy hoạch cho khu di tích này, cũng như quy hoạch chung cho tổng thể di tích Hoàng thành Thăng Long - Thành Hà Nội.

Tuy nhiên, trên thực tế, các nhà khoa học vẫn chưa thống nhất được về quy mô bảo tồn bởi khu di tích vẫn còn đang trong quá trình nghiên cứu, phân loại di vật và chưa có quy hoạch tổng thể.

Đến nay, đã có nhiều hội thảo bàn về phương pháp bảo quản nhưng mới chỉ thống nhất được việc bảo tồn theo hai hướng: Bảo tồn những di tích cố định ngoài trời để phục vụ cho việc nghiên cứu, tham quan du lịch sau này và bảo tồn những di vật đã được lấy lên từ lòng đất.

Bước đầu đã tiến hành bảo quản cấp thiết Khu di tích đã phát lộ bằng việc làm nhà mái che tạm các hố khai quật, một số di vật đã lấy lên được bảo quản trong kho tạm. Khu vực có nhà mái che đã được chống nấm mốc, chống nước mưa, nước ngầm thường xuyên, một phần được che, đậy để giữ độ ẩm cần thiết khi thời tiết nóng và khô.

Viện khảo cổ học đã lấp cát một số khu vực khai quật còn lại như hố A5.

Như vậy, vấn đề bảo quản cấp thiết, tạm thời đã và đang thu được kết quả nhất định nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu, thực tế di vật và các di tích vẫn trong tình trạng nguy cơ tiêu hủy cao.

Trong thời gian tới, các nhà khoa học và Trung tâm bảo tồn khu di tích Cổ Loa – Thành cổ Hà Nội sẽ nỗ lực như thế nào để đảm bảo hài hòa giữa việc bảo vệ Hoàng thành và mở cửa khu di tích để đông đảo nhân dân được chiễm ngưỡng những hiện vật mang giá trị lịch sử độc đáo?

Đối với khu vực di tích còn chưa xuất lộ cần có kế hoạch nghiên cứu cụ thể để làm sáng rõ hơn diện mạo cấu trúc của Khu Trung tâm, Trục chính tâm của Hoàng thành Thăng Long qua các thời kỳ lịch sử (Lý – Trần - Lê).

Quan trọng nhất là việc khai quật những phần diện tích còn lại trong khu di tích cần phải theo kế hoạch chi tiết, không khai quật ồ ạt, có sự hợp tác đa ngành, liên ngành, kết hợp hợp tác quốc tế.

Giải pháp quy hoạch và bảo tồn trung tâm chính trị Ba Đình và Hoàng Thành Thăng Long trong Đề án Quy hoạch Thủ đô - Ảnh: Chinhphu.vn


Việc nghiên cứu, phục dựng các di tích đã tồn tại cũng là một hướng đi. Trước mắt, chúng tôi đã có đề nghị tập trung nghiên cứu về khu vực điện Kính Thiên, sân Long Trì.

Cần có các bước khai quật thăm dò, tập hợp tài liệu, phục dựng bằng kỹ thuật 3D, 4D trên cơ sở đó để xin ý kiến rộng rãi các nhà khoa học của nhiều lĩnh vực để hoàn thiện phương án phục dựng bằng mô hình, từ đó phục dựng khi đã có đủ cứ liệu khoa học và điều kiện cần thiết.

Về nhu cầu chiêm ngưỡng Hoàng thành Thăng Long của người dân, trước mắt, cần có kế hoạch xây dựng kho bảo quản di vật ngay trong khu Hoàng thành theo hướng kho mở đề vừa phục vụ khách tham quan, vừa phục vụ công tác nghiên cứu.

Trung tâm Bảo tồn Khu di tích Cổ Loa – Thành cổ Hà Nội đã phối hợp với Viện Khảo cổ học, sẽ trưng bày một số di vật tại tòa nhà cũ của Cục tác chiến (thuộc Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam) nằm ngay giữa Trục chính tâm của Hoàng thành Thăng Long để phục vụ du khách trong nước và quốc tế dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu sẽ được bố trí đón khách hạn chế (khoảng 1.500 người/ ngày). Tại khu này cũng cần có kế hoạch làm cầu hoặc hầm ngầm để đi từ khu Thành cổ sang và ngược lại để thuận tiện và đảm bảo an toàn cho du khách.

Trong Đề án Quy hoạch thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã có phần bảo tồn trung tâm chính trị Ba Đình và khu di tích Hoàng thành Thăng Long. Hy vọng đây sẽ là những chỉ dẫn cụ thể để quy hoạch tổng thể không gian cảnh quan và hạ tầng kỹ thuật đồng bộ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sớm có quy hoạch bảo tồn Di tích Hoàng thành

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.