Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sớm chuẩn hóa quản lý tốc độ phương tiện

Tuấn Lương| 03/11/2022 06:09

(HNM) - Ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận doanh nghiệp kinh doanh vận tải và người lái xe kém, cộng với chưa có quy định thống nhất trong kiểm soát tốc độ phương tiện tại các khu vực phức tạp về giao thông khiến vi phạm về tốc độ vẫn là một trong những yếu tố có nguy cơ cao gây mất an toàn giao thông. Điều đó đặt ra vấn đề cần sớm chuẩn hóa quản lý tốc độ phương tiện vận tải.

Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) lập biên bản xử phạt một trường hợp tham gia giao thông vi phạm tốc độ tại Đại lộ Thăng Long. Ảnh: Đỗ Tâm

Vi phạm về tốc độ diễn biến phức tạp

Ngày 3-9-2022, xe ô tô mang biển kiểm soát 37A-391.70 do Dương Văn Thành (sinh năm 1975, trú tại huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An) điều khiển chở trên xe 5 người, khi đang lưu thông trên quốc lộ 48A đã chạy với tốc độ 96km/giờ, trong khi tốc độ giới hạn của đoạn đường này là 50km/giờ. Sau đó, xe ô tô này đã đâm phải xe máy đang lưu thông khiến 2 người tử vong.

Đêm 13-6-2022, xe khách giường nằm mang biển kiểm soát 37B-028.06 chạy tuyến Bến xe Nước Ngầm (Hà Nội) - Đô Lương (tỉnh Nghệ An) khi qua địa phận tỉnh Ninh Bình đã đi vào đường cấm và chạy quá tốc độ cho phép, va chạm với xe máy rồi bị lật làm 4 người tử vong, hàng chục người khác bị thương.

Hai vụ tai nạn giao thông nói trên là những minh chứng cho sự mất an toàn và hậu quả nghiêm trọng từ lỗi vi phạm tốc độ. Kết quả phân tích tai nạn giao thông của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho thấy, trong 9 tháng năm 2022, trên địa bàn cả nước xảy ra 7.793 vụ tai nạn giao thông thì có 3,57% số vụ có nguyên nhân từ vi phạm tốc độ.

Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, kết quả dữ liệu giám sát hành trình từ tháng 5 đến tháng 8-2022, chỉ riêng trên địa bàn Hà Nội đã có 1.547 phương tiện thuộc 450 doanh nghiệp vận tải vi phạm tốc độ bị thu hồi phù hiệu. Trong đó, điển hình là xe đầu kéo mang biển kiểm soát 37C-305.42 của Hợp tác xã Dịch vụ vận tải Trường Hải có tới 1.665 lần vi phạm tốc độ trong 1 tháng.

Đáng nói là nhiều doanh nghiệp, lái xe kinh doanh vận tải chưa chấp hành nghiêm túc, thậm chí có hành vi đối phó với quy định lắp đặt và truyền dữ liệu giám sát hành trình. Trong nhiều vụ tai nạn, thiết bị giám sát hành trình của phương tiện bị tắt, gây khó khăn cho cơ quan chức năng khi xác định nguyên nhân tai nạn.  

Các phương tiện lưu thông trên đường cao tốc cần tuân thủ các quy định trong Luật Giao thông đường bộ.

Cần quy định phù hợp, thống nhất

GS.TS Từ Sỹ Sùa, giảng viên cao cấp Trường Đại học Giao thông - Vận tải cho rằng, tại Việt Nam, quản lý tốc độ giao thông đã được đặt ra từ rất lâu và có những quy định pháp luật rõ ràng song việc quản lý tốc độ phương tiện còn một số bất cập.

Cụ thể, đường trong đô thị có hai làn có dải phân cách giữa đang cho phép tốc độ tối đa 60km/giờ. Tốc độ này là cao so với nhiều nước phát triển trên thế giới (50km/giờ). Với các tuyến đường không cắm biển báo tốc độ, người tham gia giao thông phải tuân thủ quy định tại Thông tư số 31/2019/TT-BGTVT ngày 29-8-2019 của Bộ Giao thông - Vận tải quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ. Tuy nhiên, mức độ tiếp cận và am hiểu của công chúng lại hạn chế. Tại các tuyến đường có cắm biển hạn chế tốc độ, mọi loại xe (dù là xe khách hay xe tải) đều có thể được chạy với tốc độ cao tương tự như xe con, dẫn tới những vụ va chạm giao thông gây hậu quả lớn.

Trên cao tốc, có tình trạng xe khách, xe tải thường xuyên chạy vào làn vượt với tốc độ cao. Trong khi đó, khá nhiều xe con đi với tốc độ thấp (60-70km/giờ) trên làn vượt buộc các xe khác phải thường xuyên tránh, chuyển làn... gây mất an toàn giao thông.

Các khu vực phức tạp về giao thông như trường học, bệnh viện, khu trung tâm thương mại... hiện chưa có quy định thống nhất trong kiểm soát tốc độ, trong khi rất nhiều quốc gia chỉ cho phép lưu thông với vận tốc tối đa là 30km/giờ.

“Để giải quyết được các bất cập, việc quản lý tốc độ phương tiện nên tích hợp trong một văn bản riêng và công bố rộng rãi, dễ tiếp cận; cho phép chính quyền địa phương chủ động tổ chức giao thông và kiểm soát tốc độ phương tiện trên địa bàn; quy định thống nhất tốc độ tối đa khu vực đô thị và khu vực đông dân cư xuống 50km/giờ với tất cả các loại đường; cập nhật quy định về tốc độ theo nguyên tắc biển báo tốc độ chỉ áp dụng với xe con tiêu chuẩn. Xe khách có tốc độ giới hạn thấp hơn xe con 10km/giờ, và xe tải có tốc độ giới hạn thấp hơn xe khách 10km/giờ...”, GS.TS Từ Sỹ Sùa kiến nghị.

Liên quan đến hiện tượng nhiều doanh nghiệp vận tải, lái xe có hành vi tắt thiết bị giám sát hành trình nhằm đối phó với lực lượng chức năng, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Đào Việt Long cho biết, ngoài việc thu hồi phù hiệu của doanh nghiệp vi phạm, Sở cũng yêu cầu các đơn vị kinh doanh khai thác bến xe khách không xác nhận lệnh vận chuyển đối với phương tiện vi phạm; Phòng Quản lý vận tải từ chối thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến đơn vị vận tải có vi phạm cho đến khi chấp hành đầy đủ, nghiêm túc việc xử lý và có cam kết khắc phục...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sớm chuẩn hóa quản lý tốc độ phương tiện

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.