Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sớm ban hành chính sách đãi ngộ nghệ nhân

Nguyễn Thanh| 31/03/2022 12:33

(HNMO) - Sáng 31-3, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức tọa đàm xây dựng chính sách hỗ trợ, đãi ngộ nghệ nhân, câu lạc bộ trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh phát biểu tại tọa đàm.

Nguồn lực hỗ trợ còn hạn chế

Hà Nội hiện đứng đầu cả nước về số lượng di sản với 1.793 địa chỉ ở nhiều loại hình, từ lễ hội truyền thống, diễn xướng dân gian, tri thức dân gian đến phong tục, tập quán dân gian. Thành phố cũng sở hữu cộng đồng gìn giữ, trao truyền di sản lớn mạnh, với số lượng nghệ nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu dẫn đầu cả nước. Trong đó, riêng đợt đề nghị phong tặng danh hiệu mới nhất (lần thứ 3-2022), Hà Nội có 71 nghệ nhân được đề nghị phong tặng các danh hiệu. 

Tuy nhiên, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể ở Hà Nội còn nhiều khó khăn, tồn tại, trong đó có những khó khăn về chế độ đãi ngộ hỗ trợ nghệ nhân gìn giữ, trao truyền di sản.

Theo Trưởng phòng Quản lý di sản (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Phạm Thị Lan Anh, nguồn kinh phí hoạt động cho công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể chưa nhiều, chưa huy động được nguồn lực từ công tác xã hội hóa. Nguồn kinh phí dành cho hoạt động tôn vinh, khen thưởng cho các cá nhân, đơn vị có thành tích xuất sắc trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản còn hạn chế, mức khen thưởng thấp. 

“Các câu lạc bộ trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể tuy có sự hỗ trợ một phần của địa phương, song chủ yếu vẫn do các thành viên tự đóng góp dẫn đến thiếu kinh phí để mua sắm trang phục, đạo cụ luyện tập; thiếu kinh phí để truyền dạy, giao lưu, tham gia liên hoan, hội thi, hội diễn, ảnh hưởng rất lớn đến công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống từ cộng đồng”, bà Phạm Thị Lan Anh nêu thực trạng.

Đáng nói, theo phản ánh từ cơ sở, đến nay, hầu hết nghệ nhân chưa nhận được sự đãi ngộ thường xuyên. Trong khi đó, phần lớn nghệ nhân đều cao tuổi, không có lương hưu, gặp không ít khó khăn trong cuộc sống. Nhiều nghệ nhân đã qua đời mà chưa được hưởng chế độ đãi ngộ. Điều này ảnh hưởng đến tâm huyết bảo tồn, gìn giữ và truyền dạy các giá trị di sản.

Tại tọa đàm, các chuyên gia hàng đầu về bảo tồn di sản như: Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam; ông Lưu Minh Trị, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội... cùng các nghệ nhân thuộc lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể đều nhất trí rằng, việc sớm xây dựng, ban hành chính sách đãi ngộ nghệ nhân là hết sức cần thiết.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Văn Bài (Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa quốc gia) khẳng định: “Đây là thông lệ trên thế giới, bởi nghệ nhân là những báu vật nhân văn sống. Việc có chính sách đãi ngộ, như mức phụ cấp thường xuyên hằng tháng giúp nhiều nghệ nhân đỡ khó khăn hơn trong cuộc sống, cảm thấy được động viên, khuyến khích, do đó yên tâm hơn, trách nhiệm hơn trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản”. 

Tạo điều kiện tốt nhất 

Trước đó, UBND thành phố Hà Nội giao Sở Văn hóa và Thể thao xây dựng dự thảo chính sách hỗ trợ, đãi ngộ, tôn vinh nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, từ đó đề xuất HĐND thành phố xem xét, ban hành Nghị quyết trong năm 2022. Cụ thể, ngoài mức trợ cấp theo Nghị định 109/2015/NĐ-CP của Chính phủ dành cho Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú (NNND, NNƯT) có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội dự kiến đề nghị thành phố có mức hỗ trợ riêng của Hà Nội để kịp thời động viên, khích lệ nghệ nhân, cũng như tạo điều kiện tốt nhất cho cơ sở bảo tồn và phát huy giá trị di sản. 

Theo đó, Sở Văn hóa và Thể thao đề xuất 4 mục hỗ trợ, đãi ngộ, gồm: Chế độ hỗ trợ, đãi ngộ dành cho nhóm đối tượng NNND, NNƯT trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể; chế độ hỗ trợ đối với các câu lạc bộ hoạt động trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể; chế độ hỗ trợ tập luyện, biểu diễn, tham gia hoạt động của các nghệ nhân, câu lạc bộ; mức giải thưởng khi tham gia các kỳ hội diễn, liên hoan.

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh, tọa đàm xây dựng chính sách hỗ trợ, đãi ngộ nghệ nhân, câu lạc bộ trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể thành phố Hà Nội nhằm thu hút ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, những người thực hành di sản trong xây dựng cơ chế, chính sách “tiếp sức” nghệ nhân gìn giữ, trao truyền di sản; triển khai có hiệu quả Kế hoạch số 55/KH-UBND của UBND thành phố Hà Nội về việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thành phố đến năm 2025, từng bước nâng cao chất lượng hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản.

Việc cho ra đời chính sách hỗ trợ nghệ nhân sẽ tiếp sức rất lớn cho đội ngũ nghệ nhân trên hành trình lưu giữ những giá trị văn hóa quý báu của Thăng Long - Hà Nội, sáng tạo ra những giá trị văn hóa mới trên nền tảng văn hóa truyền thống, đồng thời góp phần thúc đẩy công nghiệp văn hóa phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sớm ban hành chính sách đãi ngộ nghệ nhân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.